Để thực hiện tốt nhiệm vụ đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" thì việc quy định những chuẩn mực đạo đức cho cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết. Nội dung văn bản vừa mang tính kế thừa vừa có sự cập nhật, bổ sung những chuẩn mực phù hợp bối cảnh tình hình và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.
Trong nền kinh tế thị trường, trước sự biến đổi mạnh mẽ của các quan hệ xã hội, với nhiều người, tâm lý coi đồng tiền là trên hết đang làm lu mờ những giá trị tốt đẹp vốn có của xã hội, họ tha hóa, bất chấp tất cả để làm những việc cán bộ, đảng viên không được làm. Việc tự tu dưỡng, rèn luyện của họ bị coi nhẹ nên dẫn đến sai phạm. Nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao đã bị xử lý theo quy định của Đảng, của pháp luật vì vướng phải những sai phạm mà căn cốt của những sai phạm đó chính là từ việc vi phạm các chuẩn mực đạo đức. Quy định 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã thể hiện rõ yêu cầu của Đảng đối với từng cán bộ, đảng viên, đòi hỏi mỗi người phải tự giác học tập, nghiên cứu, tự soi mình để tu dưỡng, rèn luyện.
Chỉ với 6 điều, trong đó từ Điều 1 đến Điều 5 là sự cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Điều 6 là quy định về tổ chức thực hiện. Các nội dung về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên lại được cụ thể hóa thành từng khoản gắn với tên gọi của chuẩn mực đạo đức. Có thể nhận thấy các quy định trong văn bản đi từ cái lớn, cái căn cốt đến cái cụ thể, hướng dẫn các chuẩn mực rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ theo yêu cầu “Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”. Người Việt Nam ta có chung cội nguồn, chúng ta gọi nhau hai tiếng “đồng bào” thân thương nên người cộng sản chân chính phải trung thành với Tổ quốc của mình là lẽ đương nhiên. Yêu nước đi cùng với tôn trọng Nhân dân và tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, đấy là tiêu chí đầu tiên mà mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần. Mỗi người phải tự nhận biết các chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch để tự “sản sinh sức đề kháng” trước những chiêu trò đó, để không bị sa bẫy, không bị mắc lừa, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Ở Việt Nam, quan điểm, lý tưởng của Đảng hòa quyện với lợi ích của Nhân dân, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc nên bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng chính là đấu tranh cho những giá trị của quốc gia, dân tộc. Đây là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trên mặt trận tư tưởng.
Là người cách mạng phải luôn có bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập. Bản lĩnh của người cán bộ đảng viên thể hiện ở sự kiên định, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân. Muốn đổi mới, sáng tạo thì việc nghiên cứu, học tập, vận dụng những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phải thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Trong một thế giới hội nhập như hiện nay, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi còn xuất hiện nhiều nhân tố biến động lớn, diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo đe dọa đến xu hướng hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển. Đất nước đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết, điều đó đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác, làm việc trong môi trường quốc tế.
Đạo đức của cán bộ, đảng viên trong mọi thời đại đều không thể tách rời yêu cầu: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Trước công việc, mỗi người phải luôn tâm huyết, trách nhiệm, dấn thân, nỗ lực hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao; không xa hoa, lãng phí; không tham nhũng, vụ lợi; trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh, luôn vì việc công mà làm.
Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm cũng là một đạo lý mà mỗi chúng ta phải luôn vun đắp, trau dồi. Một tập thể đoàn kết luôn tạo ra sức mạnh để vượt qua khó khăn, thử thách. Sự đoàn kết ấy phải trên tinh thần giữ vững kỷ luật, kỷ cương chứ không phải dĩ hòa vi quý, bao che cho những sai phạm, khuyết điểm; không né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc. Vì một tập thể tốt đẹp, mỗi người phải luôn sống có nghĩa tình, chân thành, thương yêu, đối xử, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp và mọi người theo lẽ phải, phù hợp với đạo lý dân tộc, cùng nhau tiến bộ.
Từ những tiêu chí trên, người cán bộ, đảng viên cần luôn gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng, rèn luyện, học tập suốt đời. Cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng. Bản thân gương mẫu thôi chưa đủ mà còn phải thuyết phục gia đình, người thân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong công việc, trong cuộc sống phải khiêm tốn, cầu thị, giản dị; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác. Nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói, đã nói là làm.
Ngày 26/8/2024, Tỉnh ủy Lào Cai đã có Công văn số 2671 về việc triển khai thực hiện Quy định 144-QĐ/TW, trong đó yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan đơn vị có trách nhiệm cụ thể hóa việc thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới cùng với kế hoạch học tập, làm theo Bác hằng năm. Rà soát, bổ sung, cụ thể hóa thành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ để triển khai thực hiện. Thực hiện sơ kết, tổng kết, ghi danh mô hình mới, tập thể, cá nhân điển hình bằng nhiều hình thức và kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân tiêu biểu, tiên phong trong thực hiện chuẩn mực đạo đức cách mạng gắn với học tập, làm theo Bác có sức thuyết phục, lan tỏa sâu, rộng.
Đây là nhiệm vụ quan trọng, đòi hỏi công tác tuyên truyền phải thực hiện thường xuyên, sâu rộng, phong phú với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Những mất mát, tổn thất của cơn bão số 3 vừa qua đã là một phép thử với cán bộ, đảng viên để mỗi người tự nhìn lại mình, tự soi mình về tình thương, trách nhiệm với đồng bào mình, về bản lĩnh để đưa ra các quyết sách khi dân cần, xã hội cần. Ở những vùng lũ lụt, sạt lở khó khăn muôn phần đó, cán bộ, đảng viên kinh qua thực tế càng được trau dồi, thử thách phẩm chất chính trị, đạo đức để trưởng thành. Những ai hèn nhát, thiếu trách nhiệm với Nhân dân, thiếu đức, thiếu tài sẽ bị thực tiễn phơi bày, bị Nhân dân và tổ chức loại thải.
Những chuẩn mực đạo đức cách mạng tại Quy định số 144 QĐ/TW như ngọn đèn soi sáng, giúp chúng ta luôn nhớ về những giá trị cốt lõi mà Đảng ta đã dày công xây dựng. Tự bản thân mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày phải tự soi, tự sửa để rèn luyện, uốn nắn bản thân, khép mình tuân theo những chuẩn mực đó. Việc tu dưỡng phải là tự thân, phải nằm lòng trong từng hành vi, từng phát ngôn. Con người không phải ai cũng hoàn hảo, vấn đề ở chỗ bản thân mình phải nhận thức được sự chưa hoàn hảo, cầu thị khi có sự góp ý của đồng chí, đồng nghiệp, biết sai mà sửa, biết đúng để phát huy.