Quy hoạch tỉnh Lào Cai là bức tranh tổng thể, vĩ mô đa ngành, đa lĩnh vực có sự kết nối liên ngành, liên vùng, liên khu vực và quốc tế, đảm bảo tính thống nhất, ổn định lâu dài. Đây là cơ sở để ngành công thương nghiên cứu tham mưu, đề xuất cho tỉnh xây dựng, hoạch định cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và là động lực huy động, thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển lĩnh vực công nghiệp và thương mại dịch vụ.
Theo đó, ngành Công thương Lào Cai sẽ tập trung tham mưu cho tỉnh cụ thể hoá mục tiêu đề ra. Về phát triển công nghiệp, ngành tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Trung ương thành lập các khu công nghiệp mới như Cốc Mỳ - Trịnh Tường, Bản Qua (Bát Xát), Võ Lao (Văn Bàn) và Cam Cọn (Bảo Yên); đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các nguồn vốn trong nước và nước ngoài đầu tư vào các khu công nghiệp mới; phát triển bền vững hoạt động thăm dò khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản hiệu quả, đáp ứng tối đa nhu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp.
Đối với phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản, sẽ gắn với phát triển vùng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ; đưa vào một số ngành công nghiệp hiện đại như dược sinh học, điện tử, công nghệ thông tin.
Về phát triển kinh tế cửa khẩu, ngành phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu điều chỉnh Quyết định 1627/QĐ-TTg ngày 23/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai trở thành trung tâm logistics lớn và quan trọng hàng đầu của cả nước, là trung tâm giao thương kết nối các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam - Trung Quốc và châu Âu. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 15 tỷ USD. Bên cạnh đó, ngành cũng tập trung tham mưu cho UBND tỉnh phát triển thương mại dịch vụ; phát triển điện lực và một số lĩnh vực khác.
Du lịch Lào Cai những năm gần đây đã có những bước tiến dài, trở thành trung tâm du lịch lớn nhất vùng Tây Bắc và có được chỗ đứng vững chắc trên bản đồ du lịch Việt Nam, bước đầu vươn ra khu vực và quốc tế.
Tại Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023 Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnhLào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá, từng bước trở thành ngành kinh tế chủ đạo, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, có hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch đồng bộ, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, cạnh tranh được với các trung tâm du lịch lớn trong nước và khu vực, đáp ứng các tiêu chuẩn du lịch quốc gia và quốc tế”.
Với tỉnh Lào Cai, việc xây dựng du lịch là một nhiệm vụ quan trọng, khâu đột phá được Đảng bộ và chính quyền hết sức quan tâm trong thời gian tới. Du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, công cuộc giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.
Ngành du lịch Lào Cai sẽ triển khai những giải pháp đồng bộ liên quan đến mục tiêu phát triển, trong đó sẽ mở rộng không gian phát triển du lịch Lào Cai gồm 3 vùng: Vùng Tây Bắc (gồm thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Bát Xát), vùng Đông Bắc (gồm các huyện Bắc Hà, Mường Khương và Si Ma Cai), vùng phía Nam (gồm các huyện Bảo Yên, Văn Bàn và Bảo Thắng).
Cùng với đó, việc phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với nhu cầu của thị trường trọng điểm và tiềm năng, phát triển các sản phẩm du lịch mới và khả năng cạnh tranh cao; xác định đầu tư nguồn lực cho du lịch là một trong những yếu tố then chốt; đẩy mạnh liên kết hợp tác, xúc tiến quảng bá phát triển du lịch. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch sẽ ngày càng được nâng cao chất lượng về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề.
Du lịch Lào Cai sẽ nhanh chóng “trở thành điểm đến du lịch thiên nhiên, thể thao mạo hiểm “xanh” và “thông minh” hàng đầu Việt Nam và khu vực, gắn với việc phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn.
Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch chung xây dựng Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa đến năm 2040 theo Quyết định số 266/QĐ-TTg ngày 20/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã định hướng phát triển không gian tổng thể trung tâm Khu Du lịch Quốc gia Sa Pa với diện tích 6.090 ha. Từ đó, tạo điều kiện cho thị xã Sa Pa tập trung xây dựng kế hoạch triển khai; lập các quy hoạch phân khu; rà soát lại các quy hoạch chi tiết để có hướng điều chỉnh phù hợp.
Thị xã Sa Pa phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành chi tiết toàn bộ quy hoạch khu vực nội thị, ngoại thị, quy hoạch các trung tâm xã và quy hoạch khu dân cư. Hiện, thị xã đang rà soát lại toàn bộ quỹ đất, trên cơ sở các dự án đã có và dự án đề xuất mới để kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp vào đầu tư theo định hướng quy hoạch chung đã được phê duyệt; đồng thời, lựa chọn và đưa ra những tiêu chuẩn để triển khai các loại hình dịch vụ, du lịch đảm bảo các tiêu chí Khu Du lịch Quốc gia.
Thị xã Sa Pa mong muốn Trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp và mở mới hệ thống giao thông, nhất là giao thông kết nối, hình thành 5 cửa ngõ từ Sa Pa đi các hướng (nâng cấp giao thông phía Tây, Tây Bắc đi Lai Châu và phía Đông kết nối với thành phố Lào Cai; phía Đông Bắc kết nối đi Bát Xát, khu du lịch Y Tý và khu kinh tế cửa khẩu phía Bắc; kết nối phía Đông Nam đi Cảng Hàng không Sa Pa và kết nối với Quốc lộ 279); đồng thời, quan tâm phát triển giao thông nội thị Sa Pa, giao thông nông thôn và triển khai một số loại hình giao thông mới.
Đối với việc bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa, trên cơ sở chương trình mục tiêu quốc gia và của tỉnh, thị xã Sa Pa tập trung quy hoạch, đầu tư vào các thôn, bản, đảm bảo tiêu chuẩn ASEAN về phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, với nguồn lực địa phương còn hạn chế cần sự quan tâm của các cấp, các ngành. Thị xã Sa Pa luôn tạo điều kiện tốt nhất, chào đón các doanh nghiệp đến đầu tư; đồng thời tập trung giải quyết các “nút thắt” trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển.