Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều cá nhân sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất tại 5/9 huyện, thị xã, thành phố (thị xã Sa Pa, các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Bắc Hà, Si Ma Cai) và có 17 cơ sở thu mua, sơ chế giun đất (Si Ma Cai 14 cơ sở, Bảo Yên 1 cơ sở, Bảo Thắng 2 cơ sở). Đây là hoạt động hủy diệt giun đất và các vi sinh vật có lợi khác trong đất, làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng, phát triển của cây trồng; cũng là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn, ảnh hưởng tới tính mạng con người.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương chỉ đạo các phòng, cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã (đặc biệt là lực lượng công an, dân quân xã) tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi đánh bắt giun đất trái phép trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra hoạt động của các cơ sở thu gom, sấy khô, mua bán giun đất không có đầy đủ hồ sơ pháp lý, xử lý nghiêm theo quy định. Nhận diện các hành vi vi phạm của các cơ sở và áp dụng quy định pháp luật hiện hành về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, quy định về an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm, quy định về môi trường để xử lý các trường hợp này.
Buộc một cơ sở thu mua, sơ chế giun đất tại xã Phong Niên (Bảo Thắng) dừng hoạt động
Kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng có hành vi sơ chế, sấy khô giun đất gây phát sinh chất thải, nước thải từ hoạt động chế biến của các cơ sở chế biến giun đất (chưa được cấp phép, chưa có hồ sơ pháp lý về môi trường, chưa đầu tư các công trình biện pháp bảo vệ môi trường).
Theo đó, hoạt động chế biến giun đất, áp dụng chế tài xử lý quy định tại Khoản 1, 2, 5 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường và Điều 58. Bảo vệ môi trường nông thôn quy định “1. Yêu cầu về bảo vệ môi trường nông thôn”; Điều 9, Điều 18 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ, quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Cụ thể: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 30 triệu đồng (đối với cá nhân); trong trường hợp các cơ sở thuộc đối tượng phải lập giấy phép môi trường, mức xử phạt theo quy định tại Điều 11 về vi phạm quy định về giấy phép môi trường do UBND cấp huyện cấp, mức xử phạt đối với cá nhân từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Huy động các tổ chức chính trị xã hội, tập trung mọi nguồn lực, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tới người dân về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường đất và cây trồng; khuyến khích Nhân dân phối hợp đấu tranh phát hiện hoạt động đánh bắt, buôn bán giun đất tại địa phương, kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng để có biện pháp ngăn chặn; đồng thời phổ biến các quy định của pháp luật về Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường để người dân hiểu rõ hậu quả nghiêm trọng của việc đánh bắt giun đất bằng kích điện đối với tầng canh tác và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích cộng đồng dân cư đưa hành vi kích điện, sơ chế, mua bán giun đất vào hương ước, quy ước của xóm, thôn bản. Không để tình trạng bắt giun đất ngày càng mở rộng, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên.
Hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường; sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để tạo môi trường thuận lợi cho giun đất sinh trưởng và phát triển phân huỷ chất hữu cơ, góp phần cải tạo, nâng cao độ phì nhiêu cho đất sản xuất; đặc biệt chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tại các khu vực đất sản xuất đã bị đánh bắt giun trái phép bằng kích điện, để phục hồi và cân bằng hệ sinh thái trong đất.
Các sở, ngành, lực lượng chức năng tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng kích điện, sơ chế và thu mua giun đất trên địa bàn tỉnh theo nội dung chỉ đạo tại Văn bản số 4315/UBND – NLN ngày 7/9/2023 của UBND tỉnh.