Quay về E-magazine Theo dõi Báo Lào Cai trên Google News
Hàng trăm ha ngô ở Bảo Yên có tỷ lệ kết hạt thấp bất thường

Hàng trăm ha ngô ở Bảo Yên có tỷ lệ kết hạt thấp bất thường

Sau ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 năm 2024, nhiều nông dân Bảo Yên hy vọng sẽ có một vụ mùa thắng lợi, trong đó có cây ngô, bởi theo quy luật sau lũ đất đai sẽ màu mỡ hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện, năm nay mùa ngô xuân 2025 lại không như kỳ vọng, có sự giảm năng suất chung, nhất là diện tích trồng giống ngô được hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia.

0:00 / 0:00
0:00

Nông dân khó khăn vì 2 lần mất mùa

Sau khi chịu thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai năm 2024, huyện Bảo Yên đã được tiếp nhận nhiều nguồn lực để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, trong đó có việc cấp phát giống lúa, ngô và rau màu từ nguồn vật tư dự trữ quốc gia. Riêng với diện tích trồng ngô, các hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ năm 2024 được hỗ trợ hạt giống là VS36 và LVN10 từ Cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính). Đây đều là giống lai đã được công nhận là giống quốc gia, từng được gieo trồng phổ biến tại nhiều địa phương trên cả nước.

baolaocai-tr_z6652748643547-c70fc3d1760fc4443230af45b8f825f3.jpg
Diện tích đất bãi ven sông Hồng tại Bảo Yên được người dân trồng ngô, khôi phục sản xuất sau đợt ngập lụt tháng 9/2024.

Tại xã Kim Sơn - một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoàn lưu bão số 3 năm 2024 - đầu năm 2025, khi nhận giống ngô, người dân hồ hởi làm đất gieo vụ xuân. Theo nhận định của người dân thì điều kiện thời tiết thuận lợi, cây ngô phát triển nhanh, thân cao, lá xanh, tán rộng. Đến giữa tháng 4, toàn bộ diện tích bước vào giai đoạn trổ cờ, phun râu; cuối tháng 5, khi kiểm tra đồng ruộng, nhiều hộ dân phát hiện ngô ra bắp sai và to nhưng lại không kết hạt hoặc kết hạt với tỷ lệ rất ít.

baolaocai-tr_z6652810555185-73ebee3589f381caf8e681356b4f688e.jpg
Giống ngô được hỗ trợ sinh trưởng và phát triển tốt tại thôn Bảo Ân, xã Kim Sơn nhưng tỷ lệ kết hạt thấp.

Đưa phóng viên đến ruộng ngô của gia đình, ông Nguyễn Văn Tuyến, thôn Bảo Ân, xã Kim Sơn buồn bã chia sẻ: “Đầu vụ xuân, gia đình được hỗ trợ 8 kg giống ngô để trồng khoảng 10 sào (hơn 3.600 m2). Từ khi gieo hạt đến lúc trổ cờ, cây ngô phát triển rất tốt nhưng ra bắp thì kết hạt ít, có bắp chia 5 – 7 nhánh, không có hạt. Trong khi đó, ruộng ngô bên cạnh cũng xuống giống cùng ngày nhưng trồng giống khác thì bắp đầy hạt, đẹp mã”.

Kế bên ruộng nhà ông Tuyến, ruộng ngô của hộ bà Nguyễn Thị Ngát cũng rơi vào tình trạng tương tự. Bà Ngát cho biết, diện tích đất bãi cần 7 kg giống nên ngoài 5 kg giống được hỗ trợ, gia đình mua thêm 2 kg giống ngô khác từ cửa hàng vật tư. Trồng cùng thời điểm, trên cùng loại đất nhưng giống ngô hỗ trợ thì bắp nhỏ, kết hạt rất ít; còn giống tự mua thì tỷ lệ kết hạt tốt hơn.

baolaocai-c_z6652810137605-3dd28511c790b0036bdf7a02195e5df8.jpg
Diện tích ngô của gia đình bà Nguyễn Thị Ngát có tỷ lệ kết hạt kém.

“Tôi ước tính, năng suất của giống ngô hỗ trợ chỉ đạt dưới 50% so với những vụ trước, không đủ trả tiền phân bón và thuê nhân công làm đất. Năm ngoái đã bị ngập lụt mất mùa, năm nay ngô lại không kết hạt nên sẽ rất khó khăn” – bà Ngát lo lắng nói.

Ông Phạm Văn Đông, Trưởng thôn Bảo Ân cho biết: Sau khi nhận thông báo về tình trạng diện tích ngô người dân gieo trồng từ hạt giống được hỗ trợ có tỷ lệ kết hạt thấp, chúng tôi đã đi kiểm tra và báo cáo với chính quyền xã để xác minh nguyên nhân.

Theo thống kê sơ bộ, vụ xuân này có 50 hộ dân trong thôn được hỗ trợ giống ngô, đến nay đã có 37 hộ phản ánh tình trạng ngô ra bắp mà không kết hạt hoặc kết hạt rất ít.

Tại xã Minh Tân, bà con cũng xuống giống vào cuối tháng 2 và tới cuối tháng 4 thì ngô trổ cờ, phun râu. Đến thời điểm này, tại các thôn, bản trong xã ghi nhận một số diện tích ngô kết hạt thấp, giảm năng suất.

Ông Hoàng Ngọc Kim Võ, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Theo thống kê, toàn xã có khoảng 5 ha ngô được gieo trồng từ nguồn giống hỗ trợ (trà ngô gieo cuối tháng 2, trổ bông vào cuối tháng 4) có dấu hiệu kết hạt thấp, năng suất có thể chỉ đạt khoảng 30 – 50% so với các giống địa phương hay gieo trồng trong những vụ trước. Vẫn còn một số diện tích giống (VS36 và LVN10) hỗ trợ bà con gieo trà muộn hơn, hiện chưa thể đánh giá năng suất do đang trong thời kỳ trổ bông, kết hạt.

Tương tự, tại xã Cam Cọn, tình hình cũng không khả quan hơn, khi hơn 21 ha ngô được gieo trồng từ nguồn giống hỗ trợ cũng có hiện tượng không kết hạt hoặc kết hạt rất ít.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Cọn cho biết: Vụ ngô xuân 2025, UBND nhận 880 kg ngô giống từ nguồn vật tư dự trữ quốc gia (440 kg giống VS36, 440 kg giống LVN10) để cấp cho các hộ dân gieo trồng 45,5 ha. Thực tế cho thấy, diện tích ngô gieo trồng từ giống được hỗ trợ sinh trưởng tốt, sâu bệnh hại được phòng trừ kịp thời không gây ảnh hưởng đến cây trồng. Tuy nhiên, khi kết hạt thì có những diện tích giống VS36 không hình thành hạt, còn giống LVN10 lượng hạt chỉ được 20%, khiến bà con vô cùng lo lắng. Hiện nay UBND xã đã báo cáo huyện và đề nghị đơn vị cung cấp giống xuống kiểm tra làm rõ nguyên nhân để tìm hướng giải quyết.

ng.jpg
Toàn huyện Bảo Yên hiện có khoảng 120 ha ngô xuân trồng từ nguồn giống dự trữ quốc gia cấp phát bị tình trạng không kết hạt hoặc ít kết hạt.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Yên cho biết: Đầu năm 2025, đơn vị phối hợp với các phòng chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận 10 tấn ngô giống VS36 và LVN10 về cấp phát cho các hộ dân trên địa bàn huyện. Vì thế, nguồn gốc và chất lượng giống đơn vị không trực tiếp thẩm định, nên khi xảy ra tình trạng ngô trồng không kết hạt hoặc ít kết hạt có liên quan đến chất lượng giống hay không thì đơn vị cung ứng cần vào cuộc làm rõ, tránh gây thiệt hại cho người dân và ảnh hưởng đến uy tín của Trung tâm.

Thời tiết bất thuận hay tại giống ngô?

Theo thông tin phóng viên nắm được, hiện nay, ngoài xã Kim Sơn, Cam Cọn, Minh Tân thì nhiều diện tích ngô ở các xã Bảo Hà, Việt Tiến, Nghĩa Đô… nơi từng bị ngập lụt trong mùa mưa lũ năm trước cũng ghi nhận tình trạng tương tự.

baolaocai-tr_z6648818948321-8a909bd86d802e9ca6af328f99eaa2fe.jpg
Các đơn vị có liên quan kiểm tra thực tế, ghi nhận tình hình tại xã Kim Sơn.

Được biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức kiểm tra thực tế tại 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn. Kết quả bước đầu cho thấy, có khoảng 120 ha ngô tại 16/17 địa phương có biểu hiện giảm năng suất, trong đó, các giống ngô được hỗ trợ ghi nhận năng suất rất thấp.

baolaocai-br_z6652748662988-13c0aceed2f621b8a85608cae50f05cc.jpg
Diện tích ngô tại thôn Tân Văn, xã Kim Sơn sinh trưởng và phát triển tốt nhưng tỷ lệ kết hạt thấp khiến người dân lo lắng.

Theo bà Nhữ Thị Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bảo Yên, vấn đề có thể không hoàn toàn nằm ở giống ngô, bởi có những diện tích trồng cùng giống VS36 hoặc LVN10 nhưng tỷ lệ kết hạt vẫn rất tốt. Những diện tích được mùa có thời điểm gieo trồng chênh lệch khoảng 5 ngày so với diện tích giảm năng suất. Qua phân tích, nguyên nhân sơ bộ có thể do thời tiết bất lợi đúng vào giai đoạn ngô thụ phấn.

Bên cạnh yếu tố thời tiết, điều kiện đất sau mưa lũ chưa được cải tạo triệt để cũng có thể là nguyên nhân. Đất bị ngập lụt thường có độ phèn cao, mất cân bằng dinh dưỡng, trong khi nhiều hộ dân chưa có điều kiện xử lý đất kỹ. Ngoài ra, cũng có thể do một số giống ngô không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.

Về phía doanh nghiệp cung ứng giống - Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Bình Seed - ông Đặng Cao Cường, Giám đốc Sản xuất cho biết: Chúng tôi đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế tại địa phương. Đối chiếu với tình hình thời tiết (đặc biệt là nhiệt độ và độ ẩm) thì từ ngày 15 - 25/4 (thời điểm nhiều diện tích ngô trổ cờ) trên địa bàn huyện Bảo Yên xuất hiện nắng nóng kéo dài, sau đó là một đợt mưa lớn. Với cây ngô, thời điểm thụ phấn chỉ có 3 ngày "vàng", nếu trong khoảng thời gian này gặp mưa hoặc nắng nóng trên 32 độ C, độ ẩm thấp dưới 50%, bao phấn bị ảnh hưởng, phấn hoa không phát tán, thụ phấn kém, dẫn đến không kết hạt.

Ông Đặng Cao Cường chia sẻ thêm: “Công ty rất chia sẻ với bà con vì những ảnh hưởng bất thuận dẫn tới trình trạng cây ngô giảm năng suất. Chúng tôi sẵn sàng đưa cùng lô giống này, làm lại trên chính vùng đất bà con đánh giá là ngô kết hạt kém vào vụ khác để tìm nguyên nhân”.

Theo thông tin từ UBND huyện Bảo Yên, địa phương đang liên hệ, kết nối với các doanh nghiệp để thu mua ngô giảm năng suất để làm thức ăn chăn nuôi, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho bà con. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn người dân cải tạo đất, gieo trồng trong khung thời vụ để hạn chế tác động tiêu cực từ thời tiết bất lợi đến sản xuất.

baolaocai-tr_z6648818930988-623c197063021d6e39da30e9878c8db8.jpg
Kiểm tra tỷ lệ kết hạt với diện tích ngô trồng tại xã Minh Tân.

Hiện nay, các phòng, ban chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường đang tiến hành kiểm tra để xác định nguyên nhân khiến cây ngô không kết hạt hoặc kết hạt kém. Bà con nông dân rất mong muốn cơ quan chức năng sẽ sớm có câu trả lời khách quan và đề ra phương án hỗ trợ để giảm bớt thiệt hại cho người trồng.

Sau khi kiểm tra xác minh tại đồng ruộng, đối chiếu với các diện tích sản xuất khác và diễn biến thời tiết trong vụ xuân, các cơ quan chuyên môn nhận định sơ bộ nguyên nhân có thể do điều kiện thời tiết bất thuận khiến năng suất ngô bị giảm so với dự kiến. Ngoài ra, điều kiện đất canh tác sau thiên tai bị vùi lấp khiến hàm lượng dinh dưỡng không cân đối cũng có những tác động khiến năng suất ngô vụ xuân tại Bảo Yên bị giảm. Để đảm bảo năng suất cho vụ sản xuất tới, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân chủ động cải tạo đất, tuân thủ sản xuất đúng khung thời vụ để hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Xuân Thượng: Hành trình vượt nghèo và những đổi thay bền vững

Xuân Thượng: Hành trình vượt nghèo và những đổi thay bền vững

Từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao nhưng với quyết tâm và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, xã Xuân Thượng (huyện Bảo Yên) đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Từ con số 214 hộ nghèo vào năm 2021, chiếm hơn 21% tổng số hộ, đến nay xã chỉ còn 34 hộ nghèo, tương đương 3,36%. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 17,77% mỗi năm là kết quả ấn tượng, minh chứng rõ nét cho sự bền bỉ và kiên trì trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Bắc Hà mùa quả ngọt

Bắc Hà mùa quả ngọt

Mùa này, mận chín rải rác khắp các xã, từ vùng thấp đến vùng cao. Trong những vườn mận, vườn đào, tiếng nói cười rộn ràng, nông dân đang hối hả, nhanh tay thu hoạch quả chín. Những quả đào hồng rực, quả mận tím đỏ lúc lỉu trong tán lá xanh mướt... mới thấy sự trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Từ trung tâm thị trấn Bắc Hà đến các xã Na Hối, Bản Phố, Thải Giàng Phố… đều đã bắt đầu vào vụ thu hoạch mận. Năm nay được mùa nên cây mận nào cũng sai quả.

Nâng cao chất lượng và tính bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia

Nâng cao chất lượng và tính bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia

Tại hội nghị tổng kết thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra chiều 9/6, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai hiệu quả các chương trình tại địa phương, trong đó nhấn mạnh phải phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội.

Đất đồi cho quả ngọt

Đất đồi cho quả ngọt

Trên những triền đất đồi dốc trước kia chỉ trồng ngô, sắn, đậu tương…, nhiều hộ dân vùng cao huyện Bát Xát đã đưa cây lê VH6 - giống cây ăn quả ôn đới hợp khí hậu, hợp thổ nhưỡng về trồng. Sự mạnh dạn chuyển đổi đã “đánh thức” tiềm năng đất đồi, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa và cho những mùa quả ngọt.

Cơ hội và thách thức của tín dụng xanh

Cơ hội và thách thức của tín dụng xanh

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, việc phát triển tín dụng xanh không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đòi hỏi cấp bách đối với Việt Nam. Ngành ngân hàng, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn về tài chính xanh.

Công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Dứa Bảo Thắng - Lào Cai”

Công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Dứa Bảo Thắng - Lào Cai”

Ngày 04/6, UBND huyện Bảo Thắng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) tổ chức công bố quyết định, trao văn bằng bảo hộ và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Dứa Bảo Thắng - Lào Cai”.

Đổi mới để đồng hành với nông dân

Đổi mới để đồng hành với nông dân

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông và Nước sạch nông thôn tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và nông hộ. Những đổi mới này đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

fb yt zl tw