Nghĩa Đô - sức sống miền suối sạch, đồng xanh

Từ một vùng quê yên bình nằm nép mình giữa núi rừng Tây Bắc, xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đang từng bước chuyển mình trở thành điểm sáng du lịch cộng đồng. 

Năm 2024, thiên tai ập đến gây thiệt hại nặng nề về người và của. Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, nơi đây đã lại bừng lên sức sống mới. Những nếp nhà sàn được dựng lại, hoa lại nở bên đường, tiếng cười du khách vang vọng khắp bản làng cho thấy tinh thần kiên cường, bền bỉ của người Tày Nghĩa Đô trước bao thử thách, gian khó.

Khung cảnh thơ mộng của Nghĩa Đô.

Khung cảnh thơ mộng của Nghĩa Đô.

Cơn bão cuối năm 2024 khiến xã Nghĩa Đô thiệt hại nặng nề: Gần 400 ngôi nhà bị ảnh hưởng, nhiều nhà sập đổ hoàn toàn, nhiều hộ buộc phải di dời khẩn cấp và thương vong nối tiếp buồn đau. Với vùng đất giàu truyền thống, vừa bắt đầu khởi sắc từ du lịch cộng đồng đó là thiệt hại vô cùng lớn lao, khiến nhiều dự định phát triển bị gián đoạn.

Vượt khó để xanh thêm bản làng

Còn nhớ, chúng tôi đến Nghĩa Đô những ngày cuối thu năm 2024, khi sương núi còn giăng mờ, bản làng vẫn chưa nguôi ngoai sau cơn lũ dữ. Mưa lũ cuốn theo bùn đất tràn về các thôn bản, cuốn phăng bao mái nhà sàn, vùi lấp ruộng đồng, khắp vùng ngập trong nỗi đau mất mát. Nhưng giữa hoang tàn, không ai nghe thấy lời than thân trách phận. Người Nghĩa Đô bao đời gắn bó với đất, với rừng, nén lại nỗi đau, xây lại từng nền móng, dựng từng bức vách, lợp lại mái nhà...

Bàn tay thô ráp sau mùa bão lại tiếp tục đan sọt, trồng hoa, sửa nhà, gia cố con đường đất, đón khách du lịch trở lại. Các gia đình bị thiệt hại nặng cũng không quên giữ lại vài món đồ truyền thống như chiếc khèn, khung dệt, nồi chõ đồ xôi... để luôn nhắc nhớ nếp nhà xưa.

Trong gian khó, ý chí của người dân lại càng mạnh mẽ. Bản làng như được hồi sinh trong sắc xanh của rừng cọ, của những luống hoa ven đường, trong nụ cười chan chứa niềm tin của bà con trên hành trình khôi phục du lịch - khôi phục chính hơi thở của quê hương.

Bà Lương Thị Quyên - một trong những người đầu tiên làm homestay ở thôn Bản Hón - hôm trước vừa xót lòng, xót dạ vì nhà cửa, vật dụng gia truyền vỡ nát trong bùn đất, những ngày sau đã tự xốc mình lên cùng con cháu dựng lại khung nhà mới. Hàng xóm góp công, đoàn thể địa phương góp sức, ai có gì giúp nấy. Nhà mới chưa đầy đủ tiện nghi, bà vẫn quyết giữ nếp sinh hoạt truyền thống, trải chiếu cói, bày mâm cơm.

“Du lịch đâu chỉ là nhà đẹp mà quan trọng nhất là tình cảm con người, đó mới là hồn cốt bản làng. Mình còn giữ được cái đó, thì còn cơ hội làm lại từ đầu”, bà Quyên chia sẻ, ánh mắt đầy kiên định và tự hào về miền đất mình đã gắn bó.

Từ sau thiên tai, Nghĩa Đô vừa khôi phục, vừa nâng tầm du lịch. Hơn 30 homestay đã được chỉnh trang, nhiều nhà sàn cổ được phục dựng theo đúng kiến trúc truyền thống người Tày, cảnh quan môi trường được cải tạo, các tuyến đường trồng thêm hoa, suối ngòi được dọn sạch, tạo nên một không gian xanh-sạch-đẹp, gần gũi, và đầy sức hút với du khách.

Những homestay giờ đây kiên cố hơn dù vẫn bảo tồn dáng nhà sàn truyền thống. Các gia đình bắt đầu sưu tầm thêm hiện vật cổ, khôi phục lại các trò chơi dân gian, làm đồ lưu niệm từ thổ cẩm, tre nứa. Không gian sống được sắp đặt tinh tế để du khách không chỉ nghỉ ngơi, mà còn được trải nghiệm một cách trọn vẹn đời sống văn hóa của người Tày.

Con đường làng trước kia chỉ đổ bê-tông đơn sơ, nay được trồng hoa hai bên lối, tạo thành những cung đường rực rỡ như tranh vẽ. Dòng suối từng bị lấp do sạt lở đất được người dân cùng nhau khơi thông, làm sạch. Những sọt rác bằng tre được đặt dọc lối đi, gắn kèm lời nhắc thân thiện bằng song ngữ: “Giữ gìn bản sạch - lòng vui, cảnh đẹp”.

Đáng chú ý, người dân giờ đây đã không thụ động đợi du khách tìm đến, mà năng động học cách đưa hình ảnh bản làng mình ra ngoài. Nhiều buổi tập huấn quảng bá du lịch được tổ chức ngay tại nhà văn hóa thôn. Hầu hết hộ dân biết chụp ảnh, quay video bằng điện thoại, sử dụng nhiều nền tảng số... để giới thiệu homestay của mình lên mạng xã hội. Nhờ đó, chưa đầy một năm sau thiên tai, Nghĩa Đô không những phục hồi, mà còn bật lên đầy ấn tượng.

Lượng khách du lịch đến xã trong 6 tháng đầu năm 2025 tăng mạnh, gấp gần 30 lần so với năm 2020. Khách quốc tế cũng bắt đầu quay lại, tìm đến Nghĩa Đô như một nơi để “chạm” vào bản sắc nguyên sơ, chân thật. Ít ai có thể ngờ, từ cảnh tan hoang sau lũ, Nghĩa Đô có thể mạnh mẽ đến thế. Điều đó không đến từ phép màu, mà từ bàn tay, khối óc và trái tim của chính những người dân nơi đây - những con người đã biến mất mát thành động lực, biến khó khăn thành cơ hội.

Để tiếp tục "bước dài"

Nghĩa Đô giờ đây đã trở thành cái tên được nhắc đến đầy tự hào trên bản đồ du lịch huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai như hình mẫu điển hình về du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa. Thành công bước đầu ấy là kết quả của một hành trình nỗ lực, sáng tạo chủ động từ chính người dân địa phương. Những gì địa phương đã và đang vận hành không dừng lại ở việc “làm du lịch” mà đã nâng tầm thành “sống cùng du lịch”.

Các homestay vừa là nơi khách du lịch lưu trú, đồng thời trở thành không gian trải nghiệm trọn vẹn văn hóa đồng bào Tày. Cách bài trí gian nhà, đồ ăn, lời chào, âm nhạc cho đến tiếng dệt vải trong bếp nhỏ... tạo nên cảm giác gần gũi mà tinh tế, để mỗi du khách khi rời đi đều mang theo một kỷ niệm đậm sâu.

Điều đáng quý còn ở tinh thần không chạy theo số lượng mà giữ vững bản sắc, uy tín. Việc bảo tồn gần 1.100 nếp nhà sàn cổ thể hiện tư duy dài hạn, không đánh đổi bản sắc lấy những công trình hiện đại. Mỗi nếp nhà sàn được gìn giữ như một “bảo tàng sống”, để khi bước vào, du khách không chỉ thấy, mà còn cảm, và hiểu được tinh thần, nếp nghĩ của một tộc người sống chan hòa với thiên nhiên.

Chiều đầu hè, trời Nghĩa Đô trải nhẹ một lớp sương bảng lảng, những vạt nắng cuối ngày vắt nghiêng qua những mái nhà sàn còn tươi mới. Trong căn homestay ấm cúng của bà Lương Thị Quyên ở thôn Bản Hón, tiếng cười rộn rã của đoàn du khách vừa kết thúc hành trình đi bộ xuyên bản vang lên bên bếp lửa. Mâm cơm chiều đã được dọn sẵn với cá suối nướng lá mắc khén, thịt lợn cắp nách hấp sả, rau rừng luộc chấm chẩm chéo, xôi ngũ sắc và bát rượu ngô thơm nồng. Bà Quyên nhẹ nhàng giải thích cho du khách ý nghĩa từng món ăn, câu chuyện về hạt gạo, về đôi bàn tay chăm chỉ.

Không khí bữa cơm hấp dẫn bởi vị ngon của món ăn và đượm tình ấm áp, như thể sau bao mất mát, đau thương người dân vẫn hồn hậu mở lòng bằng chính những gì đang có: Tình người, văn hóa, sự chân thành và khát vọng thẳm sâu. Trên tường, một chiếc màn hình nhỏ phát slideshow ảnh bản làng, những đoạn clip do chính con cháu trong nhà quay và biên tập bằng điện thoại thông minh, đăng tải lên mạng xã hội để quảng bá cho du lịch quê hương. Thế hệ trẻ người Tày nay đã biết livestream mùa gặt, mùa lễ hội theo cách giản dị mà đầy cảm xúc. Giữa tiếng nói cười, từng nếp nhăn của bà cụ Tày và cả ánh mắt long lanh của trẻ thơ như thấp thoáng ngày mai sáng hơn, vững vàng hơn.

Dù vậy, để bước tiếp những bước dài vững chắc, Nghĩa Đô cần tiếp tục phát triển với những giải pháp thông minh và tinh tế. Nghĩa Đô đã linh hoạt trong chuyển đổi số du lịch, song để bà con thật sự làm chủ công nghệ và đưa văn hóa đặc trưng thành “nội dung số có giá trị”, cần những giải pháp gần gũi, dễ hiểu, có tính cộng đồng cao và gắn chặt với bản sắc; xây dựng thư viện nội dung bản địa có bản quyền (ảnh, video, âm nhạc dân tộc...) để các hộ làm du lịch sử dụng thống nhất; đồng bộ hệ thống đặt phòng và giới thiệu thay vì mỗi hộ một trang...

Theo các chuyên gia du lịch cộng đồng, địa phương cần mở rộng hơn các mô hình du lịch gắn với trải nghiệm thực tế, như “một ngày làm người Tày” với các hoạt động như dệt vải, nấu ăn, bắt cá, đi rừng hái thuốc. Những tour nhỏ nhưng độc đáo ấy sẽ vừa mang lại thu nhập, vừa giúp du khách có sự kết nối sâu sắc với văn hóa bản địa.

nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Xuân Thượng: Hành trình vượt nghèo và những đổi thay bền vững

Xuân Thượng: Hành trình vượt nghèo và những đổi thay bền vững

Từng là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo khá cao nhưng với quyết tâm và sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, xã Xuân Thượng (huyện Bảo Yên) đã có những bước chuyển mình ngoạn mục. Từ con số 214 hộ nghèo vào năm 2021, chiếm hơn 21% tổng số hộ, đến nay xã chỉ còn 34 hộ nghèo, tương đương 3,36%. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 17,77% mỗi năm là kết quả ấn tượng, minh chứng rõ nét cho sự bền bỉ và kiên trì trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Bắc Hà mùa quả ngọt

Bắc Hà mùa quả ngọt

Mùa này, mận chín rải rác khắp các xã, từ vùng thấp đến vùng cao. Trong những vườn mận, vườn đào, tiếng nói cười rộn ràng, nông dân đang hối hả, nhanh tay thu hoạch quả chín. Những quả đào hồng rực, quả mận tím đỏ lúc lỉu trong tán lá xanh mướt... mới thấy sự trù phú mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Từ trung tâm thị trấn Bắc Hà đến các xã Na Hối, Bản Phố, Thải Giàng Phố… đều đã bắt đầu vào vụ thu hoạch mận. Năm nay được mùa nên cây mận nào cũng sai quả.

Nâng cao chất lượng và tính bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia

Nâng cao chất lượng và tính bền vững của các chương trình mục tiêu quốc gia

Tại hội nghị tổng kết thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra chiều 9/6, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai hiệu quả các chương trình tại địa phương, trong đó nhấn mạnh phải phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội.

Đất đồi cho quả ngọt

Đất đồi cho quả ngọt

Trên những triền đất đồi dốc trước kia chỉ trồng ngô, sắn, đậu tương…, nhiều hộ dân vùng cao huyện Bát Xát đã đưa cây lê VH6 - giống cây ăn quả ôn đới hợp khí hậu, hợp thổ nhưỡng về trồng. Sự mạnh dạn chuyển đổi đã “đánh thức” tiềm năng đất đồi, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa và cho những mùa quả ngọt.

Cơ hội và thách thức của tín dụng xanh

Cơ hội và thách thức của tín dụng xanh

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, việc phát triển tín dụng xanh không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đòi hỏi cấp bách đối với Việt Nam. Ngành ngân hàng, với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn về tài chính xanh.

Công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Dứa Bảo Thắng - Lào Cai”

Công bố văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Dứa Bảo Thắng - Lào Cai”

Ngày 04/6, UBND huyện Bảo Thắng phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lào Cai, Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) tổ chức công bố quyết định, trao văn bằng bảo hộ và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Dứa Bảo Thắng - Lào Cai”.

Đổi mới để đồng hành với nông dân

Đổi mới để đồng hành với nông dân

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông và Nước sạch nông thôn tỉnh đã có nhiều đổi mới trong công tác tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và nông hộ. Những đổi mới này đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Hàng trăm ha ngô ở Bảo Yên có tỷ lệ kết hạt thấp bất thường

Hàng trăm ha ngô ở Bảo Yên có tỷ lệ kết hạt thấp bất thường

Sau ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 năm 2024, nhiều nông dân Bảo Yên hy vọng sẽ có một vụ mùa thắng lợi, trong đó có cây ngô, bởi theo quy luật sau lũ đất đai sẽ màu mỡ hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của huyện, năm nay mùa ngô xuân 2025 lại không như kỳ vọng, có sự giảm năng suất chung, nhất là diện tích trồng giống ngô được hỗ trợ từ nguồn dự trữ quốc gia.

fb yt zl tw