Đây là năm thứ 3 gia đình anh Nguyễn Văn Quang, tổ 1, phường Ô Quý Hồ gắn bó với giống cà chua Israel. Với 0,6 ha đất trồng hoa hồng, gia đình anh Quang đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cà chua. Thời điểm này, vườn cà chua của gia đình đã phát triển tốt, cao khoảng 30 - 35 cm, anh đang căng dây để thân leo và đậu quả.

Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình trồng cà chua còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Anh Má A Dê, người Mông ở xã Trung Chải, đã làm thuê tại vườn cà chua ở Ô Quý Hồ được 3 năm. Anh Dê cho biết: Nhờ gắn bó với vườn cà chua tôi đã biết thêm về kỹ thuật chăm sóc cây, có việc làm ổn định và thu nhập khá.

Mô hình trồng cà chua Israel được đưa vào thử nghiệm tại Ô Quý Hồ cách đây 5 năm. Đến nay, đã có 17 hộ tham gia trồng cà chua với tổng diện tích 27 ha. Cà chua được trồng từ tháng 3, bắt đầu thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 10. Cà chua có quả to, cây leo cao và quả thường chín rải từ gốc tới ngọn.

Trồng cà chua Israel đòi hỏi kỹ thuật cao, cần có nhà màng che phủ và căng dây cẩn thận, nhưng bù lại năng suất, chất lượng vượt trội. Mỗi cây cho thu hoạch từ 8 - 10 kg quả, trung bình 1 ha thu được hơn 10 tấn quả. Giá bán tại vườn dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg quả, cao hơn hẳn so với giống cà chua thông thường. Cà chua Israel được người tiêu dùng ưa chuộng nên tiêu thụ rộng rãi, vận chuyển đi nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.


Để giống cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế, Hội Nông dân phường Ô Quý Hồ đã hướng dẫn người dân cải tạo đất, xây dựng nhà màng và kỹ thuật chăm sóc; đồng thời, hỗ trợ đầu ra cho nông sản. Giống cà chua Israel giờ đây không chỉ là cây trồng chủ lực mà còn thể hiện sự đổi thay mạnh mẽ trong phát triển của nông dân vùng cao Ô Quý Hồ.