Hiện nay, với sự phổ biến rộng rãi của Internet, xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Từ đó, nhiều du khách đã chủ động tìm kiếm thông tin, lựa chọn dịch vụ của các nhà cung cấp cũng như phương thức mua sắm.
Các doanh nghiệp lữ hành ở Việt Nam coi CMCN 4.0 là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. |
Theo đó, du lịch đứng trước yêu cầu chủ động nắm bắt thời cơ và vượt qua thách thức, xác định hướng đi và giải pháp phù hợp để phát triển bứt phá. Vì vậy, chúng ta cũng cần phải phân tích, tìm hiểu những đặc tính của CMCN 4.0 cho công tác quảng bá xúc tiến du lịch. Cần phải có chuyên gia, bởi công nghệ đang ngày càng phát triển, chỉ cần một vài tháng đã thay đổi hết.
Với những cải tiến công nghệ vượt bậc, không nhất thiết phải đến cửa hàng, khách hàng có thể ngồi ngay tại nhà hay văn phòng, sử dụng các thiết bị điện tử kết nối Internet hay chỉ cần một cuộc gọi điện thoại là có thể đặt trước các dịch vụ cho một chuyến đi hoàn chỉnh, từ vé máy bay, đặt phòng, điểm du lịch, tham quan…
Các doanh nghiệp lữ hành ở Việt Nam khá chủ động tiếp cận CMCN 4.0, họ coi đây là cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh. Điển hình như Vietravel, Vietrantour, Five Stars Travel… bắt đầu từ việc cơ bản - số hóa dữ liệu, bao gồm cập nhật thông tin tour tuyến, chương trình ưu đãi, hoạt động của doanh nghiệp lên website; ứng dụng công nghệ mới để tăng trải nghiệm của khách hàng; nâng cấp phần mềm điều hành tour; triển khai cổng thanh toán điện tử; thiết lập kênh tương tác trực tiếp với khách...
Thông qua việc tích hợp và minh bạch thông tin, bám sát phản hồi của khách hàng, doanh nghiệp sẽ dần hình thành những sản phẩm du lịch mới theo kịp xu hướng chung. Tức là các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đang cố gắng tạo ra các sản phẩm du lịch thông minh. Du lịch thông minh là một trong những kết quả sự ứng dụng internet vạn vật của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam vào hoạt động kinh doanh của mình.
Tại buổi Tọa đàm “Quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam - Cần những đột phá mới” do Báo Nhân Dân tổ chức vào đầu tháng 8, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch Trans Viet, chia sẻ: “Trong ban xúc tiến du lịch, chúng ta cũng phải có những người trẻ và am hiểu công nghệ, có thể là những người du học nước ngoài về, ngay cả ở trong công ty của chúng tôi đã phải có những chuyên gia đang còn rất trẻ, thậm chí là lứa 9x - những người giỏi về các vấn đề này. Lúc đấy mới bắt được “trend”.
Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch về tác động của các kênh thông tin đến hành vi tiêu dùng, khách du lịch thường sử dụng năm đến sáu kênh thông tin để chọn sản phẩm, nhà cung cấp, gồm thông tin truyền miệng (79%), website (71%), ý kiến chuyên gia trên internet (63%), mạng xã hội - MXH (63%), 31% khách hàng tin vào những người quen biết, 28% các ý kiến tích cực trên MXH tác động đến quyết định tiêu dùng. Khảo sát trên cho thấy tiềm năng xúc tiến, quảng bá du lịch qua e-marketing là rất lớn, nếu được ứng dụng thích hợp.
Chương trình xúc tiến quảng bá theo hình thức thương mại điện tử, du lịch trực tuyến cũng cần phải có những chiến lược như chọn các kênh MXH phổ biến: Facebook, Twitter, Instagram hay Wechat… chúng ta cũng phải nắm được tất cả các MXH đang phát triển hiện nay.
Một số phương thức khác như Youtube, chúng ta cũng quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh này, nhiều khi ở Việt Nam chúng ta, kênh này là không chính thống nhưng nó hiệu quả và mang tính toàn cầu.
(Ảnh: Internet) |
Ông Nguyễn Tiến Đạt cũng đưa ra một thí dụ về ứng dụng mới “lên ngôi”, đó là Tik Tok, vừa rồi đã phối hợp thành phố Đà Nẵng để tạo ra chiến lược khuyến khích người dùng, để tạo ra các video ngắn khoảng 15 giây, ghi lại những khoảnh khắc của du khách tại Đà nẵng. Trong thời gian rất ngắn cũng đã có hàng chục nghìn lượt video đưa lên mạng và các bạn trẻ, du khách rất sáng tạo cùng với các hiệu ứng của ứng dụng Tik Tok trên điện thoại di động, nó đã tạo thành một làn sóng quảng bá du lịch tại Đà Nẵng và không mất tiền cho vấn đề này.
Ông Hoàng Nhân Chính đưa ra khẳng định, tất cả những trang web và trang MXH quảng bá về du lịch đều là do Tổng cục Du lịch quản lý với mục tiêu quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia, không phải cho bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào của Hội đồng tư vấn du lịch, vì mục tiêu chung cho quốc gia.
“Về trang MXH, hiện nay chúng tôi đang hỗ trợ Tổng cục Du lịch trên Youtube, Instagram, Facebook, Pinterest. Tất nhiên, chúng tôi sẽ nghiên cứu tùy từng thị trường sẽ sử dụng phổ biến MXH nào là chính, cách làm ra sao (những người có ảnh hưởng viết bài trên đó, hoặc các photographer phải đưa ra được các hình ảnh, video). Hay nên chăng người dùng nên tự xây dựng nội dung, như năm vừa qua chúng tôi đã phát động hai cuộc thi là My Vietnam và Vietnam Nows.
Về phía Tổng cục Du lịch, ông Đinh Ngọc Đức cho biết, chúng ta không thể đứng ngoài xu thế công nghệ hay sử dụng điện thoại thông minh. Với ứng dụng Tik tok mà ông Nguyễn Tiến Đạt vừa đề cập, chính là chương trình của Tổng cục Du lịch. “Chúng tôi đã làm việc với Tik tok ngay từ đầu năm và đang triển khai với họ dự định sẽ lan tỏa du lịch Việt Nam qua MXH rất mới này”, ông Đức chia sẻ.
Giao diện trang web chuyên về xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu điểm đến. |
Ông Đinh Ngọc Đức cho biết thêm: “Hiện, chúng tôi đã ký kết xong và sản xuất được 15 nghìn video clip chỉ trong một tháng. Trong tháng 8 này, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện ở Ninh Bình, sau đó sẽ làm về chủ đề ẩm thực Việt Nam. Cuối năm, chúng tôi sẽ có những tổng kết, đánh giá việc phối hợp Tik Tok liệu có đem lại hiệu quả như mong muốn hay không để cân nhắc việc tiếp tục hợp tác”.
Hai năm qua, phía Tổng cục Du lịch đã làm việc cùng TAB để thực hiện chương trình triển khai e-marketing về du lịch, quảng bá điểm đến du lịch Việt Nam; xây dựng trang web mới là vietnam.travelhoàn toàn “lột xác” - trang web chuyên về xúc tiến quảng bá du lịch, giới thiệu điểm đến; lập thêm những tài khoản mới trên các MXH, mời các chuyên gia du lịch với cách làm mới, góc nhìn mới, cũng như các tiếp cận mới; công việc này hiện đang được triển khai rất thuận lợi. Có thể khẳng định thời gian qua, việc triển khai e-marketing của Tổng cục Du lịch tiến triển rất tốt và hiệu quả.
Với những thành tựu vượt bậc của công nghệ thông tin, du lịch có cơ hội tối ưu hóa hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường, đẩy mạnh phát triển du lịch trực tuyến và thương mại điện tử. Đồng thời, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn hơn, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch.