Vùng đất Bảo Yên xưa kia được mệnh danh là “vương quốc” của các loài muông thú. Tuy nhiên, ngày nay, vùng đất này không còn là “vương quốc”, mà trở thành nỗi khiếp sợ của các loài cá, loài chim.
Săn, bắt thú trên rừng
Các cụ cao niên ở Bảo Yên kể lại rằng, xưa kia, vùng rừng núi Bảo Yên có các loại thú rừng bốn chân. Có loại sống theo đàn hàng chục, hàng trăm con như khỉ núi, lợn rừng, nhím…Vào mùa sinh sản, chúng gọi nhau vang khắp các cánh rừng. Loại sống dưới đất là hươu, nai, lợn rừng, dúi, chuột đất, tê tê, lửng, rùa. Có loại chuyên sống kiếm ăn trên ngọn cây, như sóc, chồn, cầy hương, tắc kè.
Người trong các vùng rừng núi sống chung với thú, vừa nuôi dưỡng, vừa khai thác các loại thú làm thực phẩm phục vụ đời sống. Từ đấy, ở các bản đã xuất hiện các thợ săn, bắt thú rừng. Họ dùng mọi cách để chế tác nhiều loại dụng cụ phục vụ cho việc săn bắt thú. Nhiều thợ săn có đàn chó điêu luyện đến mức tự chúng vây đuổi, cắn chết thú rừng. Con thú nhỏ thì tự chúng tha về. Săn được loại thú lớn thì chúng cho một, hai con về báo tin cho chủ. Việc săn, bắt thú không chỉ diễn ra ở một khu rừng, mà dần dần đã lan ra cả một vùng rộng lớn.
Cùng với việc phá rừng làm nương, người đàn ông vùng cao nào cũng là thợ săn, cả làng là thợ săn. Họ len lỏi vào các khu rừng không kể ngày đêm để săn thú. Giá một con tê tê, rùa vàng, tắc kè, chồn bay, cầy hương, rắn hổ mang, cạp nong có khi bằng cả một con trâu. Nếu săn được hổ, hươu và nai coi như phát tài. Cứ như thế, các loại thú từ lớn đến bé bị tiêu diệt dần và mất hẳn.
Đến nay, những người già, người trẻ khắp vùng Bảo Yên không còn được nghe tiếng kêu của các con thú trong rừng. Ngay cả muốn nghe tiếng kêu của những con tắc kè cũng không biết đi đâu mà tìm.
Cá suối cũng chung số phận
Vùng đất Bảo Yên có rất nhiều sông, suối, khe, nhiều loài cá sinh sống đã đem đến cho nhân dân nguồn thực phẩm dồi dào. Đặc biệt, cá suối miền rừng núi đã trở thành “thương hiệu”, đặc sản được các “đại gia” săn lùng. Thịt cá suối thơm ngon có tiếng. Nhiều loại cá suối chuyên ăn rêu đá, phù du, bọ đá, nên người ta ăn cả con, không cần mổ bỏ ruột. Cơm nếp trắng dẻo thơm, nước suối trong mát rượi, cá suối nướng là món ăn đặc sản lâu đời, đi theo lịch sử phát triển của đồng bào các dân tộc Bảo Yên. Cụ Lương Văn Đoán ở xã Vĩnh Yên kể chuyện: Ngày xưa, gần những ngôi nhà dựng bên bờ suối, vào mùa hè, cá suối kiếm ăn cạnh hòn đá từ trưa đến tối. Đàn chó thấy hoảng quá, sủa đến rát cả họng. Các bà, các chị chiều chiều rủ nhau dàn hàng ngang đầy cả khúc suối, buông “nơm vải” theo nước cho cá rúc vào cũng được vài cân.
Để phục vụ nhu cầu của các quán “đặc sản”, ngày nay, các thợ săn cá dùng xung điện để đánh bắt thay cho cách đánh bắt truyền thống bằng chài, lưới. Thợ săn cá Hoàng Văn Khoan, ở Bản Cuông 2, xã Xuân Hòa cho hay, chỉ cần một vài đôi pin, một bình ắc quy, hiện đại hơn là dùng máy nổ mi ni chạy điện. Đến đoạn nào, dù sâu hay nông, thợ cá chỉ cần đứng trên các hòn đá, dùng hai đầu que sắt dí xuống nước, thọc vào các hang hốc, thế là các loại vật sống trong nước tại nơi ấy bị “lật tung”. Các con cá nằm tít trong hang sâu, kẽ đá đều bung ra, phơi bụng trắng lập lờ theo dòng nước, người săn cứ nhặt lấy bỏ vào giỏ. Các loại cá bé sống trong các kẽ đá, phần chết kẹt, phần bung ra trôi theo nước suối.
Khi cá suối ít dần, đến lượt các loại lưỡng cư sinh sống trên các cánh đồng cũng bị “truy lùng”. Mùa chúng đẻ, các cánh đồng ban đêm đèn điện soi sáng như đường phố. Nhất là sau cơn mưa, khi một con ếch kêu gọi bạn, có tới vài cái đèn pin chạy đến, soi từng cục đất, bụi cỏ bắt cho bằng được. Các loại nhái, chẫu chuộc, trạch, lươn cùng chung số phận.
Thi nhau tận diệt chim rừng
Chim rừng đã từ lâu trở thành “đối tượng” để nhiều người chơi. Chỉ cần một vài con chích chòe, họa mi, người thợ săn cũng đã cầm trong tay vài chục triệu đồng. Cũng vì bán chim “siêu lợi nhuận”, mà vùng đất Bảo Yên đã đào tạo ra một đội ngũ thợ săn chim “siêu tài”. Những “sát thủ” săn chim này có tới hàng nghìn kiểu bắt chim. Mỗi thợ săn chim trang bị cho mình một bộ bẫy gọi là “cữ”. Đây là loại bẫy thòng lọng, bằng lông đuôi ngựa, mỗi chùm dài một sải tay, có 20 cái thòng lọng, xếp rất khéo, thành một đường thẳng. Thợ bẫy chim hót theo tiếng kêu của từng loại chim, thấy loại nào đáp lời, liền tìm chỗ tốt nhất, mắc các chùm bẫy thòng lọng vây quanh một khoảng cây rộng vài mét, lấy các cành cây vây kín thành bụi rậm. Khi đặt bẫy xong, họ chui vào nấp chỗ kín, hót gọi chim rừng. Tầm chục phút sau, thấy có tiếng gọi đàn của bạn, cả đàn chim rừng bay tới và dính bẫy. Ngày trước, chào mào là loại chim có số lượng đông và ít người chơi. Giờ đây, ngay cả loại chim này cũng bị tiêu diệt. Ngày nay, ai muốn nghe tiếng chim rừng kêu thì phải đến các thành phố.
Năm 2004, Ủy ban nhân dân tỉnh ra chỉ thị thu hồi chất cháy, chất nổ và các loại súng săn tự chế. Các địa phương thuộc huyện Bảo Yên nghiêm chỉnh chấp hành. Cả huyện đã thu được hàng nghìn khẩu súng kíp, súng hoả mai. Hai năm sau, các cánh đồng trong thung lũng vùng Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Xuân Hoà, cò trắng, cò vằn từng đàn kéo về mỗi lúc một đông. Cò đã ở cùng với nông dân “một nắng hai sương”, làm bạn với trâu, gà, ngan, vịt kiếm ăn trên khắp cánh đồng.
Không còn súng tự chế, các thợ săn ngày đêm “nghiên cứu” để tìm ra cách “diệt tận gốc” những đàn cò mới hồi sinh này. Họ dùng một loại nhựa được chiết xuất từ cây rừng và dùng cạm chuột để bẫy cò. Loại bẫy này nếu trúng coi như cả đàn không sót một con. Mỗi một con cò bắt được còn sống có giá trên 60.000 đồng. Chính vì thế, chẳng mấy chốc mà đàn cò bị tận diệt.
Việc con người tận diệt các loại chim, thú hoang dã ở Bảo Yên đã khiến môi trường sống bị thay đổi nghiêm trọng. Dịch bệnh xuất hiện ngày càng nhiều. Sâu bệnh, chuột thi nhau phá hoại hoa màu, gây mất mùa nhiều năm qua. Người dân ở nơi đây cũng chỉ biết tự trách mình: Nếu không tận diệt chim, thú thì đâu đến nỗi!