Trong dịp tết Nguyên đán, trang trại chăn nuôi gia cầm của bà Phạm Thị Duy, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) xuất bán hơn 5.000 con gà (chiếm 70% tổng đàn gà của trang trại). Hiện bà Duy đang thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng trại, thay lớp đệm lót sinh học và xử lý chất thải theo đúng quy trình được ngành thú y tập huấn để chuẩn bị tái đàn.
Việc tái đàn thường được tập trung khoảng từ tháng 1 đến tháng 3, đây là thời điểm giao mùa, các dịch bệnh trên gia cầm phát triển. Nắm được quy luật đó nên ngoài việc nhanh chóng ổn định, khôi phục đàn vật nuôi, bà Duy chủ động phòng, chống dịch bệnh với các biện pháp như khơi thông cống rãnh, tránh để ẩm ướt; toàn bộ nền chuồng, tường phải sử dụng vòi tăng áp bơm nước rửa sạch, vệ sinh các trang - thiết bị, dụng cụ chăn nuôi... Đối với con giống, bà đặt mua tại các cơ sở uy tín, có giấy kiểm định, đồng thời nuôi cách ly ít nhất 2 tuần để theo dõi bệnh trước khi cho nhập đàn. Bà Duy còn sử dụng bóng điện, bổ sung chất độn chuồng để giữ ấm cho con giống mới nuôi. Tuy nhiên hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao nên bà không tăng đàn ồ ạt, mà nắm thời điểm để phát triển chăn nuôi hợp lý.
Ông Nguyễn Phú Thành, xã Sơn Hải (Bảo Thắng) là người có kinh nghiệm hơn chục năm chăn nuôi lợn. Hiện gia đình ông duy trì đàn lợn nái 60 con và 500 con lợn thịt/lứa. Ông Thành cho biết: Dịp tết Nguyên đán vừa qua, trang trại bán ra thị trường hàng trăm con lợn thương phẩm. Mặc dù giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao, nhưng gia đình vẫn lên kế hoạch cho việc tái đàn, ổn định quy mô chăn nuôi sau tết.
Thời điểm này, các hợp tác xã, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị con giống vào vụ nuôi mới. Năm 2023, tỉnh Lào Cai đề ra mục tiêu tổng đàn gia súc đạt trên 608 nghìn con, đàn gia cầm đạt trên 5,1 triệu con, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 69.300 tấn; diện tích nuôi thủy sản 2.300 ha, sản lượng đạt 12.200 tấn; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ra ngoại tỉnh, xuất bán trên 10.000 tấn thịt hơi các loại loại/năm.
Mục tiêu lớn nhưng dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan vào địa bàn tỉnh rất cao, giá thức ăn chăn nuôi tăng... Ngành chăn nuôi đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi tìm hiểu thông tin dự báo và diễn biến thị trường về lượng cung - cầu, nơi tiêu thụ sản phẩm để quyết định số lượng tái đàn sao cho phù hợp, không tái đàn ồ ạt. Khuyến khích phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi an toàn sinh học, có sự tham gia đầu tư, kết nối thị trường của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác. Chú trọng đăng ký chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm có khả năng truy xuất nguồn gốc, sản phẩm CCOP để tạo thị trường tiêu thụ ổn định qua các kênh như siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể và mở rộng thị trường ngoại tỉnh cho các sản phẩm đặc sản bản địa.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chú ý phát triển chăn nuôi theo lợi thế từng vùng địa lý, khí hậu. Vùng thấp khuyến khích thay đổi cơ cấu giống và phát triển các giống cao sản, các trang trại tiếp tục duy trì chăn nuôi công nghiệp, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ duy trì chăn nuôi bán công nghiệp kết hợp sử dụng nguyên liệu, thức ăn sẵn có để hạ giá thành sản phẩm. Vùng cao tập trung phát triển chăn nuôi các loại vật nuôi bản địa, chăn nuôi truyền thống theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.
Các ngành chức năng tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, chứng nhận các chuỗi sản phẩm chăn nuôi an toàn để bắt kịp xu hướng tiêu dùng sạch, có truy xuất nguồn gốc.
Bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Năm 2023, dự báo ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Định hướng chăn nuôi của tỉnh là không tăng số lượng mà chỉ tăng chất lượng. Theo đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, gắn với sơ chế và chế biến sâu sản phẩm; tập trung sản xuất con giống và hợp tác chăn nuôi thương phẩm với các tỉnh, thành phố; thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, chế biến, giết mổ; đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi giá trị bảo đảm an toàn thực phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững, an toàn dịch bệnh.