* Lễ dâng hương Đền Ken, huyện Văn Bàn
Sáng 4/2, Ban Quản lý di tích và Phát triển du lịch huyện Văn Bàn phối hợp với UBND xã Chiềng Ken tổ chức Lễ dâng hương Đền Ken năm 2025.
Đền Ken được xây dựng từ triều đại nhà Nguyễn vào khoảng thế kỷ XIX, thờ ông Nguyễn Hoàng Long và các vị tướng lĩnh đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm và khai khẩn ruộng vườn, lập làng, xã tại châu Văn Bàn xưa. Di tích Đền Ken được UBND tỉnh Lào Cai xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2006 và được xây dựng tôn tạo khang trang, đáp ứng nhu cầu tâm linh của Nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Cứ đến ngày mùng 7 tháng Giêng hằng năm, xã Chiềng Ken lại tổ chức lễ dâng hương, tri ân công lao của ông Nguyễn Hoàng Long, các vị tướng lĩnh và mong một năm mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Ngay sau lễ dâng hương, UBND xã Chiềng Ken đã tổ chức Lễ hội Xuống đồng - lễ hội truyền thống của dân tộc Tày.
Lễ hội năm nay được tổ chức quy mô với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày gắn với thực hiện Dự án 6 trong chương trình mục tiêu quốc gia: Dự án Bảo tồn Lễ hội Xuống đồng.
* Quang Kim: Nô nức lễ hội xuống đồng của người Giáy
Sáng 4/2, đúng ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng, UBND xã Quang Kim (huyện Bát Xát) và đông đảo người dân trong và ngoài xã lại nô nức tham dự Lễ hội xuống đồng của người Giáy (còn gọi là Roóng Poọc), tại sân vận động xã Quang Kim.
Tại ngày hội, sau phần lễ, các đại biểu, người dân và du khách được thầy cúng người Giáy làm lễ buộc chỉ đỏ cổ tay, mong một năm may mắn, mạnh khỏe, bình an.
Sau phần lễ là phần hội náo nhiệt, sôi nổi với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân gian như nhảy sạp, ném còn, đi cầu tre, kéo co, bịt mắt bắt vịt, thi bày mâm lễ với sự tham gia của 12 thôn và 3 đơn vị trường học.
Một phần không thể thiếu trong Lễ hội xuống đồng của người Giáy ở Quang Kim là tổ chức thi cày và gieo hạt với sự tham gia của 4 đội đến từ 4 thôn trong xã.
Đây là hoạt động tín ngưỡng được tổ chức vào đầu năm mới nhằm mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Qua đó khích lệ tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc trong xã, tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao đời sống tinh thần.
* Sôi nổi các hoạt động mừng xuân ở Cốc Mỳ
Sáng 4/2 (tức mùng 7 tháng Giêng), UBND xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát) tổ chức giải thể thao, văn nghệ chào xuân Ất Tỵ 2025 và chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).
Năm nay, xã Cốc Mỳ tổ chức thi đấu các môn thể thao: bóng chuyền da, bóng chuyền hơi, bắn nỏ và thi diễn văn nghệ; thu hút 11 đội với gần 200 vận động viên, diễn viên tới từ các thôn tham gia tranh tài.
Sau phần khai mạc, với sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo cổ động viên cùng tinh thần thi đấu đoàn kết - trung thực - cao thượng, các vận động viên đã cống hiến nhiều trận đấu hay, hấp dẫn và kịch tính.
Chung cuộc, Ban tổ chức đã trao các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích ở các nội dung thi đấu.
Giải thể thao, văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn xã Cốc Mỳ, từ đó tạo động lực thi đua, quyết tâm lập nhiều thành tích, nhiều thắng lợi trong năm mới 2025.
* Lễ hội Lồng tồng xã Cam Đường
Sáng 4/2, tại đình Làng Nhớn, Đảng ủy - UBND xã Cam Đường (thành phố Lào Cai) tổ chức Lễ hội Xuân năm 2025.
Lễ hội Lồng tồng, nay là lễ hội Xuân xã Cam Đường là sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn, là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Cam Đường, được người dân gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Qua lễ hội thể hiện khát vọng vươn tới ấm no, hạnh phúc của mỗi người dân. Đây cũng là dịp để người dân các dân tộc trên địa bàn tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, tụ hội, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, từ đó hăng say lao động, sản xuất và công tác, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 24, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Ngay từ sáng sớm, người dân 13 thôn trong xã đã chuẩn bị các mâm lễ để dâng hương, tế lễ tại đình Làng Nhớn. Sau phần rước lễ và lễ dâng hương tái hiện nét đẹp văn hóa của cư dân biểu dương sức mạnh cộng đồng làng xã là phần hội với các môn thể thao truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: chơi én, chơi mắc lẹ, kéo co, đẩy gậy, ném còn… diễn ra sôi nổi.
* Xã Cốc San tổ chức Lễ hội Roóng Poọc
Sáng 4/2, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) tổ chức Lễ hội Roóng Poọc dân tộc Giáy và Lễ đón Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam.
Roóng Poọc là lễ hội dân gian có truyền thống lâu đời của cộng đồng người Giáy ở xã Cốc San.
Tại buổi lễ, người dân và du khách được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian (như bịt mắt bắt vịt, ném còn, đi cầu khỉ, đu quay...); tham quan, mua sắm tại các gian trưng bày nông sản địa phương. Đáng chú ý, tại lễ hội diễn ra phần thi cày ruộng sôi nổi, hấp dẫn.
Cũng tại buổi lễ, đại diện Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã công bố cây đa thôn Tòng Xành (250 tuổi) là Cây Di sản Việt Nam và trao Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho Đảng ủy - UBND, Nhân dân xã Cốc San.
Cây đa được công nhận là Cây Di sản Việt Nam lưu giữ những câu chuyện gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày và đời sống tâm linh, lịch sử và văn hóa của người dân địa phương. Việc công nhận góp phần bảo vệ nguồn gen thực vật, đồng thời tôn vinh giá trị nhân văn, hướng về cội nguồn, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phát huy giá trị lịch sử văn hóa của cộng đồng dân tộc trên địa bàn.
* Xã Hợp Thành vui hội Xuống đồng
Ngày 4/2, UBND xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) tổ chức Lễ hội Xuống đồng năm 2025. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp đầu năm mới, động viên người dân phát triển kinh tế, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc xã Hợp Thành.
Lễ hội Xuống đồng xã Hợp Thành được tổ chức hằng năm vào ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng tại cánh đồng trung tâm xã.
Phần lễ diễn ra với nghi lễ cúng tại lán thờ, đánh trống khai hội và nghi thức nâng cột còn...
Phần hội diễn ra một số hoạt động chính như: Hội tung còn, biểu diễn các tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương, đất nước đổi mới, các điệu múa truyền thống dân tộc Tày (múa xòe, múa khăn, múa quạt…).
Tiếp đến là phần cày ruộng, thi ném còn, đẩy gậy, bịt mắt bắt vịt, đi cầu thăng bằng…
Thông qua lễ hội tạo sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ý nghĩa cho người dân dịp đầu xuân, năm mới, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
* Đông đảo người dân, du khách tham gia Lễ hội Xòe của đồng bào Tày xã Mường Bo
Sáng 4/2, xã Mường Bo tổ chức Lễ hội Xòe của đồng bào dân tộc Tày. Đây là Lễ hội được tổ chức đầu tiên, mở màn cho các lễ hội trên địa bàn thị xã, góp phần quảng bá hình ảnh xã Mường Bo nói riêng và thị xã Sa Pa nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế.
Lễ hội Xòe là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày xã Mường Bo. Đây là dịp để cộng đồng dân tộc Tày ôn lại lịch sử, phát huy truyền thống tốt đẹp và kết nối với thế hệ trẻ, giúp họ hiểu và trân trọng bản sắc dân tộc.
Mở đầu lễ hội là các nghi thức truyền thống, bao gồm nghi lễ cúng tế thần linh, dâng hương và trình diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc dân tộc. Tiếp đến là phần hội sôi động với các điệu xòe truyền thống như xòe quạt, xòe vòng, xòe nón…
Bên cạnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như tung còn, kéo co, đẩy gậy, thu hút sự tham gia nhiệt tình của người dân và du khách, tạo nên không khí vui tươi, đậm đà bản sắc văn hóa vùng cao.