Tính từ 18 giờ ngày 20-3 đến 6 giờ ngày 21-3, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Cả nước hiện vẫn có 2.572 bệnh nhân Covid-19, trong đó có tổng cộng 1.601 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước.
Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 908 ca, trong đó, riêng Hải Dương có 724 ca, Quảng Ninh (61 ca), Gia Lai (27 ca), Hà Nội (34 ca), Bắc Ninh (năm ca), Bắc Giang (hai ca), TP Hồ Chí Minh (36 ca ), Hoà Bình (hai ca), Hà Giang (một ca), Điện Biên (ba ca), Bình Dương (sáu ca), Hải Phòng (bốn ca ), Hưng Yên (ba ca).
10 tỉnh, thành phố đã 36 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới Covid-19 trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh.
Hà Nội đã tròn qua 33 ngày không có ca bệnh Covid-19 mắc mới tại cộng đồng.
Về công tác điều trị, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, đến thời điểm này nước ta đã chữa khỏi 2.198 bệnh nhân Covid-19/ 2.571 bệnh nhân.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước có 118 bệnh nhân đã âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần gồm: 37 ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 18 ca; số ca âm tính lần 3 là 63 ca.
Trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị, hiện có ba trường hợp bệnh nhân nặng, gồm hai bệnh nhân đang điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở Đông Anh; một bệnh nhân điều trị tại BV Phổi Đà Nẵng. Các trường hợp này đều đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 3-5 lần, tuy nhiên các bệnh nhân này có một số bệnh lý nền và đang tập tự thở nên vẫn đang tiếp tục theo dõi sát trong quá trình điều trị.
Thêm 1.446 người được tiêm chủng vaccine Covid-19 tại bảy tỉnh, thành phố trong ngày 20-3
Tính đến 16 giờ ngày 20-3, chương trình đã thực hiện tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 32.361 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ Covid-19 cộng đồng và Ban chỉ đạo phòng chống dịch các địa phương.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng tiếp tục ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường, điều đó cho biết cơ thể người tiêm đang tạo ra miễn dịch sau khi tiêm vaccine để phòng bệnh.
Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm là hiếm gặp nhưng người đi tiêm chủng cần nắm được các dấu hiệu bất thường và các bệnh viện cần đến theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trong trường gặp phản ứng thông thường nhưng diễn biến nặng lên cũng cần đến cơ sở y tế sớm.
Trong thời gian từ nay đến cuối tháng 3-2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn cho 44 tỉnh còn lại để sẵn sàng cho triển khai khi đợt vaccine Covid-19 tiếp theo về đến nước ta.