Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có các đồng chí là thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 9 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực đạt 5.510 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tương đương 11.470 tỷ đồng (giá hiện hành). Các địa phương đã chuyển đổi 7.100 ha đất sản xuất kém hiệu quả sang canh tác các cây trồng chủ lực.
Đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 8.598 ha chè, giá trị sản xuất năm 2024 đạt 800 tỷ đồng; 2.350 ha chuối, giá trị sản xuất năm 2024 đạt 300 tỷ đồng; 2.359 ha dứa, giá trị sản xuất năm 2024 đạt 392 tỷ đồng; 4.325 ha cây dược liệu, giá trị sản xuất năm 2024 đạt 485 tỷ đồng; 60.800 ha quế, giá trị sản xuất năm 2024 đạt 1.318 tỷ đồng; 119.000 ha kinh tế đồi rừng, giá trị sản xuất năm 2024 đạt 3.828 tỷ đồng; chăn nuôi lợn đạt 550.000 con, giá trị sản xuất năm 2024 đạt 4.183 tỷ đồng. Các ngành hàng tiềm năng (nuôi gia cầm, cây ăn quả, dâu tằm, quýt…) có sự phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế cao.
Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực, cây trồng tiềm năng; vấn đề thị trường, tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến… đối với các ngành hàng chủ lực. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân đón nhận tích cực; sản xuất nông nghiệp hàng hóa đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực phát triển của ngành kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới. Nhờ sản xuất hàng hóa, tập quán canh tác và quy mô phát triển các ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh đang từng bước thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tư duy sản xuất có sự chuyển dịch sang kinh tế nông nghiệp. Các cơ chế chính sách ưu tiên, đặc thù đối với nông nghiệp hàng hóa được thường xuyên rà soát, cập nhật nhằm tạo điều kiện và thu hút thành công các nhà đầu tư...
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải coi sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo tinh thần Nghị quyết 10 là mục tiêu, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần có sự ưu tiên, giải pháp khả thi giúp nông dân vươn lên làm giàu. Vì vậy, cần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thường xuyên rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách để xóa bỏ mọi rào cản đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi. Nâng cao năng lực dự báo thị trường, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa hướng tới xuất khẩu. Ưu tiên phân bổ nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp hàng hóa…
Đồng thời, rà soát, xác định cụ thể nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển các ngành hàng chủ lực để đề xuất những giải pháp cụ thể. Trong quá trình triển khai, đánh giá, tính toán để điều chỉnh các mục tiêu cho phù hợp với tình hình thực tế; phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025 của Nghị quyết 10-NQ/TU đã đề ra.
Nhân dịp này, có 2 tập thể được nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh; 2 tập thể, 7 cá nhân được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.