Chọn lựa hàng trên trang thương mại điện tử.
Tiềm năng, cạnh tranh cao
Hiện tại, một số thương hiệu Việt Nam đã có mặt trên “quầy, kệ” của Amazon như gốm sứ Minh Long; Sunhouse (đồ gia dụng); rong nho Trường Thọ; thiệp 3D Made in Vietnam; mỹ nghệ cói xiên…
Ghi nhận từ các doanh nghiệp cho thấy lượng đơn hàng tăng trưởng tốt, khách quan tâm ngày càng nhiều hơn. Từ ngày 1/9/2022 đến 31/8/2023, có trên 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam được bán ra cho khách hàng của Amazon trên khắp thế giới. Tuy nhiên, để khai thác các thị trường tiềm năng như khu vực Bắc Mỹ, châu Âu qua kênh thương mại điện tử Amazon thực sự không dễ dàng. Lãnh đạo một doanh nghiệp đang tìm hiểu bán hàng trên Amazon cho biết, quy trình đưa hàng lên kênh này rất chặt chẽ chứ không phải cứ đăng hàng, cho giá hấp dẫn, để địa chỉ cụ thể là có khách chốt đơn.
“Hàng hóa niêm yết trên sàn thương mại điện tử bán tại Bắc Mỹ, mà chủ yếu là Mỹ, yêu cầu phải có kho hàng ở nước này. Trường hợp doanh số hạn chế, việc đóng gói, quảng bá sản phẩm, đổi trả hàng cho khách… sẽ là gánh nặng với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn đưa ra rất chặt chẽ, buộc doanh nghiệp phải làm chuẩn ngay từ đầu thì mới có cơ hội bám rễ vào thị trường này”, vị lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ.
Ngoài sàn thương mại điện tử Amazon, một số sàn thương mại điện tử trong nước như Tiki, Shopee Việt Nam… cũng được nhiều doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn bán hàng. Các điều kiện bán hàng ràng buộc tuy dễ chịu hơn, nhưng sự cạnh tranh cũng rất lớn.
“Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ qua các kênh thương mại điện tử, khiến sức cạnh tranh gay gắt hơn. Muốn sản phẩm nổi bật thì phải tăng khuyến mãi, cắt giảm lợi nhuận và tăng chi phí quảng bá để sản phẩm xuất hiện nổi bật, gia tăng lượng tìm kiếm”, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết.
Chuẩn bị trước khi “ra sân”
Theo ông Nguyễn Quách Nhi, Giám đốc Kinh doanh Tiki, có nhiều doanh nghiệp bán hàng thành công trên sàn thương mại điện tử Tiki, nhưng thực tế chưa nhiều như kỳ vọng do thiếu kiến thức, thiếu đội ngũ am hiểu về thương mại điện tử. Trong bối cảnh đó, Tiki đã đồng hành cùng các sở ngành, các tỉnh, thành, trường đại học, siêu thị... nhằm đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối chuyên sâu, cải tiến sản phẩm nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa.
Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam, cũng nhận định, thương mại điện tử là một trong những xu hướng lớn mà các doanh nghiệp muốn phát triển toàn cầu phải quan tâm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các doanh nghiệp địa phương có tận dụng xu hướng này một cách nhanh chóng, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng toàn cầu, và xây dựng kế hoạch tăng trưởng dài hạn?
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để hỗ trợ các nhà bán hàng Việt Nam đổi mới, cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng mọi nơi, xây dựng thương hiệu và tăng cường hiện diện trên thị trường quốc tế”, ông Gijae Seong khẳng định.
Theo các chuyên gia kinh tế, sàn thương mại điện tử là “chợ” trực tuyến khổng lồ có thể bán mọi sản phẩm. Nhưng muốn doanh nghiệp lớn mạnh, từng bước có mặt trên “quầy, kệ” thế giới, thì đó lại là câu chuyện dài.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, sở đóng vai trò “bà mối”, kết nối các sàn thương mại điện tử với doanh nghiệp. Các sàn thương mại điện tử là đơn vị trung gian, có kho hàng, người vận chuyển, chính là cánh tay nối dài của doanh nghiệp với người tiêu dùng. Muốn bán được hàng, mấu chốt vẫn là doanh nghiệp phải nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm… Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh doanh qua mạng phát triển rất mạnh mẽ, nhưng sự đào thải cũng cực kỳ khốc liệt, bởi có không ít doanh nghiệp đầu tư số tiền lớn vào sân chơi này nhưng đành âm thầm rút lui vì không cạnh tranh nổi. Do đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị nội lực thật tốt (nguồn vốn, chất lượng và mẫu mã hàng hóa…) trước khi bước ra sân chơi toàn cầu.
Giám sát chặt hàng hóa trên sàn thương mại điện tử
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết, việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc, chất lượng hàng hóa kinh doanh qua sàn thương mại điện tử được cục thường xuyên thực hiện; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng, ứng dụng công nghệ vào kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Ngoài ra, Cục Quản lý thị trường cũng tập trung nâng cao năng lực công vụ cho đội ngũ công chức, đặc biệt về vấn đề thương mại điện tử; xây dựng cổng thông tin thương mại điện tử; hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống giám sát thu thập dữ liệu về giao dịch thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội cho phép các bộ ngành, cơ quan chức năng chia sẻ thông tin trong đấu tranh chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường thương mại điện tử.