Đến ngày 30/8, cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền các xã và 5 hộ chăn nuôi, 1 đơn vị tiến hành tiêu hủy 21 con lợn bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi với tổng trọng lượng hơn 900 kg.
Ông Nguyễn Quang Chiến, phụ trách Trạm Thú y huyện Bát Xát cho biết: Ngay khi nhận được thông tin xuất hiện lợn bị ốm chết, đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn khẩn trương đến địa bàn, tiến hành kiểm tra, lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương để xét nghiệm.
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh tả lợn châu Phi, Trạm Thú y huyện Bát Xát đã tiến hành giám sát, khoanh vùng, áp dụng các biện pháp chống dịch, không để lây lan ra địa bàn. Cùng với tiêu hủy ngay lợn bị mắc dịch và lợn nuôi cùng ô chuồng với lợn bị dịch, Trạm Thú y huyện đã cấp phát hóa chất, vôi bột cho các hộ chăn nuôi tại những khu vực có lợn bị dịch để phun khử trùng, tiêu độc kịp thời.
Đặc biệt, Trạm Thú y huyện còn cử cán bộ chuyên môn tiến hành giám sát các khu vực xảy ra dịch bệnh với tần suất 2 ngày/lần. Chính vì vậy, tại các thôn có lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, thời gian qua không xuất hiện thêm ổ dịch mới.
Là 1 trong 3 thôn xuất hiện lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, những ngày qua, chính quyền địa phương, các hộ chăn nuôi thôn Tân Long đã thực hiện nghiêm hướng dẫn, khuyến cáo của Trạm Thú y trong công tác chống dịch. Ông Vàng Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc Mỳ cho biết: Ngay sau khi xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi tại thôn Tân Long, UBND xã đã có văn bản chỉ đạo các thôn thông báo kịp thời đến hộ chăn nuôi, tăng cường giám sát, chủ động phát hiện và báo cho cơ quan chuyên môn khi vật nuôi bị ốm, chết. Cùng với đó, xã thành lập Tổ kiểm soát lưu động, vừa tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp chống dịch vừa kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra vào địa bàn. Nhờ vậy, dịch bệnh tả lợn châu Phi tại thôn Tân Long được khống chế kịp thời, từ ngày 24/8 đến nay không xuất hiện lợn bị ốm chết.
Bà Mai Thị Tho, Trưởng thôn Tân Long cho biết: Thôn có hơn 30 hộ chăn nuôi lợn với số lượng hơn 80 con. Ngày 24/8, tại 3 hộ chăn nuôi trên địa bàn xuất hiện lợn bị ốm chết và cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Để dịch bệnh không lây lan sang các hộ chăn nuôi khác, ngoài hóa chất được Trạm Thú y huyện cấp, các hộ đã chủ động mua hóa chất, thực hiện 2 ngày phun một lần xung quanh khu vực chăn nuôi, đồng thời rắc vôi bột để tiêu độc, khử trùng.
Để kiểm soát, ngăn chặn không để bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, lây lan ra diện rộng, UBND huyện Bát Xát yêu cầu các xã, thị trấn và các đơn vị, phòng, ban chuyên môn tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, xử lý triệt để, tập trung thực hiện các biện pháp như khoanh vùng ổ dịch, truy tìm nguồn dịch, quản lý theo dõi; tiêu hủy lợn bệnh và cùng đàn, vệ sinh khử trùng, tiêu độc; tạm dừng giết mổ, tiêu thụ lợn và thịt lợn trong vùng dịch; kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, việc vận chuyển lợn và các sản phẩm ra vào vùng dịch, không để dịch bệnh lây lan.
Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động sát trùng, chuồng trại và trang thiết bị chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh, ngăn chặn mầm bệnh; kiểm soát người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi, xử lý chất thải. Khuyến cáo người dân mua lợn giống phải có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện quy trình phòng bệnh bằng nhiều phương pháp; phát hiện sớm, cách ly và xử lý triệt để các trường hợp lợn ốm, lợn mắc bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Trước nguy cơ cao dịch tả lợn châu Phi có thể phát sinh và lây lan ra các địa phương trên địa bàn tỉnh, ngày 30/8/2023, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 4373 chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Bát Xát chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện, cấp xã; tập trung cao độ thực hiện công bố dịch theo quy định; truy xuất nguồn gốc dịch, bệnh; thành lập các chốt kiểm soát tạm thời, tổ kiểm soát cơ động để kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào vùng dịch, tiêu hủy lợn mắc bệnh và cùng ô chuồng, khử trùng, tiêu độc triệt để nhanh chóng dập tắt ổ dịch tại các hộ có dịch, không để dịch lây lan, kéo dài; thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định.