LCĐT - Các loại bánh, kẹo, sản phẩm màu sắc sặc sỡ, bắt mắt được bày bán tràn lan ở những quán cóc trước cổng một số trường học trên địa bàn thành phố Lào Cai. Hầu hết các sản phẩm này đều không rõ nguồn gốc và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của học sinh.
Tràn lan quà vặt không rõ nguồn gốc
Theo khảo sát của chúng tôi, tại khu vực các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Lào Cai như: Lê Văn Tám, Nguyễn Bá Ngọc, Bắc Lệnh… hiện nay có rất nhiều quầy hàng, quán cóc bán các loại quà vặt cho trẻ em. Điều đáng nói, những món quà vặt mà học sinh, nhất là học sinh tiểu học vẫn thường ăn, phần lớn không rõ xuất xứ. Nhìn chung các loại bánh, kẹo bên ngoài đều có màu sắc lòe loẹt, bao bì in hình những nhân vật hoạt hình quen thuộc với các em nhỏ và các hình ảnh ngộ nghĩnh với đủ các vị ngọt, cay, mặn... Những túi kẹo xanh, đỏ, như quýt sấy khô, kẹo ngậm, kẹo nổ, thạch, thịt hổ, mì cay, mì Thái,... giá chỉ từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng mà còn tặng kèm thêm đồ chơi nên rất thu hút các em nhỏ. Tuy nhiên, chỉ nhìn thôi cũng biết đó là những đồ ăn kém chất lượng và tiềm ẩn mối nguy hại về sức khỏe đối với lứa tuổi học trò. Tuy nhiên, khi được hỏi đến vấn đề nguồn gốc xuất xứ thì người bán hàng chỉ ậm ừ không biết, hoặc chép miệng “học sinh thích ăn thì tôi bán, với lại là hàng rẻ tiền, nên tôi không quan tâm tới xuất xứ”.

Ăn quà vặt thói quen không tốt đối với học sinh.
Các quầy hàng, quán cóc ở cổng trường học không chỉ gây mất mỹ quan đường phố, ảnh hưởng tới giao thông, vệ sinh môi trường do vỏ bánh, kẹo vứt ra mà những quán hàng này còn không được kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nên tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cao. Không những vậy, việc ăn quà vặt còn ảnh hưởng không tốt khi trẻ tiêu tiền quá sớm mà không có sự kiểm soát của cha mẹ.
Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
Quà vặt ở cổng trường đã là vấn đề được đề cập nhiều trên phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, xung quanh khu vực trường học trên địa bàn thành phố Lào Cai, hàng quán vẫn mọc lên như nấm. Việc kiểm soát các loại mặt hàng này rất khó và dường như lại có khá nhiều lỗ hổng trong trách nhiệm quản lý của địa phương, cơ quan quản lý thị trường, ngành y tế, cũng như của gia đình học sinh và nhà trường. Hiện nay, có nhiều gia đình vì quá bận nên cho tiền để trẻ tự ăn sáng ở trường. Nhiều em ăn sáng ít đi hoặc không ăn sáng để dùng tiền đó mua quà vặt ở cổng trường. Với số tiền 10.000 đồng đến 20.000 đồng, học sinh có thể ăn được rất nhiều thứ. Và ngay chính các bậc phụ huynh, vì dỗ con cũng mua mà không quan tâm đến chất lượng của những sản phẩm này.
Một số phụ huynh nhận thức được nguy cơ từ những sản phẩm này cũng đã có biện pháp giáo dục con. Nhiều phụ huynh hạn chế con không ăn quà vặt bằng cách không cho tiền. Việc không cho trẻ mang tiền tới trường vừa hạn chế tác động xấu khi trẻ tiếp xúc với tiền quá sớm, lại tránh được nỗi lo do trẻ tự ý bỏ tiền mua đồ ăn vặt. Chị Vũ Thị Hoa, phường Kim Tân (TP Lào Cai) có con theo học tại Trường Tiểu học Lê Văn Tám, chia sẻ: Có những ngày, gia đình không có thời gian đưa đi ăn sáng, nên cho tiền để con đến trường mua đồ ăn cho kịp giờ học. Thế nhưng, có lần cháu đã dùng cả tiền để mua đồ dùng học tập vào việc mua quà vặt. Sau lần đó, tôi đã không cho tiền và kiểm soát chặt cách tiêu tiền của con.
Ngoài giải pháp trên, nhiều phụ huynh khác cho rằng, để chấm dứt nạn quà rong, cách tối ưu là dẹp bỏ các gánh hàng này, không cho phép bày bán trước cổng trường. Bởi lẽ, học sinh tiểu học vốn rất tò mò và bị thu hút trước những món quà vặt được bày bán với màu sắc hấp dẫn. Tuy nhiên, thực tế của quy luật cung - cầu cho thấy, việc cấm mua hàng rong rất khó kiểm soát. Một khi còn nhu cầu của học sinh thì việc bán hàng sẽ vẫn diễn ra thường xuyên. Do vậy, cần có sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc kiểm soát chất lượng của những đồ ăn này, để học sinh tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm.