Phát triển năng lượng xanh, bền vững

Nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng, đang ngày càng tăng cao. Dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% đến 9,36%. Để hướng đến mục tiêu giảm phát thải, trung hòa các-bon, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch năng lượng một cách hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, việc chuyển dịch năng lượng còn đối mặt nhiều thách thức, cần sớm có các giải pháp tháo gỡ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
năng lượng xanh.jpg
Các dự án năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam.

Tính đến cuối năm 2022, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống đạt 79.350 MW, trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đạt khoảng 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 25,4%. Việc phát triển nhanh các nguồn điện năng lượng tái tạo đã bổ sung công suất và sản lượng cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời, giảm dần sự lệ thuộc vào các nguồn nhiên liệu truyền thống.

Phát triển vượt bậc

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) Mai Duy Thiện cho biết, năng lượng sạch đã giúp nhiều quốc gia khắc phục tình trạng thiếu điện, bảo đảm an ninh năng lượng, do đó, việc phát triển năng lượng sạch là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu cấp bách hành động chống biến đổi khí hậu của các nước. Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam đang trong cuộc, tạo cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững. Khoảng 4-5 năm trở lại đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở nước ta phát triển vượt bậc.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW, chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam. "Giai đoạn đến 2050, hệ thống năng lượng của Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng.

Năng lượng sạch đã giúp nhiều quốc gia khắc phục tình trạng thiếu điện, bảo đảm an ninh năng lượng, do đó, việc phát triển năng lượng sạch là một trong những ưu tiên hàng đầu trong mục tiêu cấp bách hành động chống biến đổi khí hậu của các nước.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam (VCEA) Mai Duy Thiện

Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam (bao gồm điện sạch) sẽ là nguồn năng lượng chính, khai thác tối đa điện từ năng lượng tái tạo. Để hiện thực hóa được chiến lược phát triển năng lượng sạch, thời gian qua, Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo…" - ông Mai Duy Thiện nhấn mạnh.

Tương tự, Phó Cục trưởng Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) Bùi Quốc Hùng cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế năng động, nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Giai đoạn 2011-2020, điện thương phẩm của Việt Nam đạt mức tăng trưởng bình quân 9,6%/năm. Dự kiến giai đoạn 2021-2030, mức tăng trưởng điện thương phẩm bình quân sẽ đạt 8,52% đến 9,36%. Xu thế phát triển hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, sạch, giảm phát thải nhằm hướng đến mục tiêu trung hòa các-bon.

Hiện nay, đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm chuyển dịch năng lượng bền vững phù hợp với định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị và các cam kết của Chính phủ về giảm phát thải ròng bằng 0 tại Hội nghị COP 26.

Theo Quy hoạch điện VIII, về nguồn điện cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo so với trước đây (điện gió trên bờ tăng từ 16.000 MW (11%) vào năm 2030 lên 56.000 MW (14,4%) vào năm 2045; điện gió ngoài khơi tăng từ 7.000 MW (4,8%) vào năm 2030 lên 64.500 MW (16,6%) vào năm 2045; điện mặt trời quy mô lớn tăng từ khoảng 8.700 MW (6%) vào năm 2030 lên 76.000 MW (19,6%) vào năm 2045). Tỷ trọng điện năng của các nguồn năng lượng tái tạo (tính cả thủy điện) trong tổng điện năng sản xuất đạt 33,4% năm 2030 và 54,3% năm 2045, giúp tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Cải thiện hành lang pháp lý

Hiện nay, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng truyền thống, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và sạch.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế và công nghiệp đang phát triển tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về nhu cầu tiêu thụ năng lượng, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10-12% hằng năm, để tránh tình trạng thiếu điện cục bộ và tăng cường an ninh năng lượng, Việt Nam cần làm rõ thực trạng tiến trình phát triển, đánh giá các cơ hội, thách thức cần đối mặt. Thông qua đó, đưa ra các đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn phát triển năng lượng xanh, sạch và hướng tới phát triển bền vững.

Việt Nam chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió; năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị.

Việt Nam chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió; năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị.

Bên cạnh đó, các chính sách, quy định khuyến khích phát triển thời gian qua chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào điện gió, điện mặt trời. Mặc dù việc bổ sung quy hoạch nguồn điện được tính toán đồng bộ quy hoạch lưới, nhưng tiến độ triển khai nhiều công trình lưới điện trong quy hoạch được phê duyệt còn chậm, dẫn đến quá tải cục bộ tại một số khu vực…

Do đó, Chính phủ cần sớm phê duyệt các kế hoạch thực hiện quy hoạch làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng cũng như có các cơ chế về giá cho các loại hình năng lượng tái tạo, nâng cao năng lực và trình độ công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ. Đồng thời, cần cải thiện hành lang pháp lý, đồng bộ các quy định và luật để thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển thị trường năng lượng mới và năng lượng tái tạo; tiếp tục xem xét nghiên cứu xây dựng và trình ban hành Luật Năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy ngành phát triển.

Theo Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập, các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, xanh nói riêng và năng lượng nói chung cần một khối lượng và quy mô rất lớn. Do đó, nếu không huy động được nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài sẽ khó hiện thực hóa các mục tiêu đã cam kết. Vì vậy, đẩy mạnh và tăng cường hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài sẽ là chìa khóa để thực hiện mục tiêu phát triển năng lượng sạch và xanh của Việt Nam. Ngoài ra, cần đẩy nhanh quá trình nghiên cứu xây dựng luật về năng lượng tái tạo, hoàn thiện các cơ chế, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo theo hướng minh bạch và ổn định.

Theo Báo Nhân Dân

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc

Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 369/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Tổ chức tháng cao điểm “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”

Tổ chức tháng cao điểm “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”

Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai kế hoạch tổ chức tháng cao điểm “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”.

Năm 2024, phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Năm 2024, phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch 239/KH-BCĐ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã phấn đấu hoàn thành “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay thị trường vàng

Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay thị trường vàng

Tại chỉ thị vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các TCTD; đồng thời thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Dần Thàng nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Dần Thàng nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Là xã vùng 3 của huyện Văn Bàn, Dần Thàng hiện có 400 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 80%. Địa hình bị chia cắt mạnh, dân cư ở phân tán, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao nên khó huy động nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng nông thôn mới.

fb yt zl tw