LCĐT - Ngày tôi còn nhỏ, trước cổng trường làng có một cửa hiệu tạp hóa. Với tôi hay bất cứ đứa trẻ nào sinh ra ở vùng quê nghèo hẻo lánh mà nói, cái cửa hàng nhỏ bé lụp xụp ngày ấy giống như xứ sở thần tiên thực thụ, có biết bao điều hay, bao thứ ngọt ngào gói gọn trong đó. Để rồi, mỗi lần tôi ghé lại trường xưa, chẳng rõ cảnh vật thay đổi hay do chúng tôi đều đã trưởng thành mà lòng luôn chộn rộn, nuối tiếc ngẩn ngơ cái cửa hàng tạp hóa nhỏ bé năm nào.
![]() |
Hàng tạp hóa xưa chỉ còn trong hoài niệm (ảnh chỉ mang tính minh họa). |
Làng tôi nghèo, những nếp nhà gỗ, nhà đất đơn sơ của đồng bào người Dao, người Nùng, người Giáy… rải rác bên những mỏm đồi xanh tít tắp. Bản làng hẻo lánh tới mức thi thoảng có chiếc xe máy, xe công nông với tiếng nổ giòn giã chạy qua, lũ trẻ chúng tôi ríu rít, hốt hoảng, thích thú đuổi theo cả quãng thật dài đến khi khuất bóng để ngắm nhìn cho đã mắt. Cửa hàng tạp hóa vì thế là một thứ gì đó xa xỉ lắm, khắp 5 bản làng quanh khu chúng tôi sinh sống chỉ có đôi ba cửa hàng với hàng hóa ít ỏi, nghèo nàn. Đông khách nhất vẫn là cửa hàng trước cổng trường. Giống như biết bao cửa hiệu trước cổng trường trên khắp thế gian này, cửa hàng tạp hóa ấy có kẹo. Những chiếc kẹo tăm, kẹo que, kẹo dừa đủ màu sắc. Chẳng có đứa trẻ nông thôn nào không thích kẹo, nhưng kẹo cũng là một thứ hàng hóa xa xỉ, phải có dịp đặc biệt lắm những đứa trẻ như chúng tôi mới được cha mẹ cho ít tiền lẻ để có thể ghé cửa hàng mua những chiếc kẹo mình thích để ăn dè.
Ngoại tôi từng là công nhân của nông trường chè, mỗi tháng đều có một khoản lương hưu. Cái ngày mà ngoại tôi còn sống, hàng tháng, tôi đều cùng ngoại ngóng đợi ngày nhận lương hưu của ngoại. Ngoại tôi không biết chữ, mỗi lần nhận lương đều dùng ngón tay điểm chỉ, sau đó len lén lau ngón tay gầy guộc vào tà chiếc áo đi lễ truyền thống mà ngoại chỉ mặc những ngày nhận lương. Ngoại nhận tiền về rồi nhờ tôi đếm, sau đó dấm dúi đưa tôi mấy đồng tiền lẻ để mua quà bánh khi tới lớp. Những lúc ấy, tôi thường nghĩ ngay đến cửa hiệu tạp hóa trước cổng trường, nghĩ đến những chiếc kẹo xanh đỏ, nghĩ đến những chiếc kem túi, kem que mát rượi. Thậm chí, ước mơ của tôi ngày ấy chỉ giản đơn là sau này có tiền lương như ngoại, tôi sẽ tích cóp để dành, mở một cửa hiệu tạp hóa trước cổng trường, bày đủ những sách, vở, phấn, bảng, bánh, kẹo… bày la liệt, bày đầy một căn nhà rồi đặt một chiếc giường kế đống hàng hóa ấy, mỗi khi đi ngủ đều được ngắm nhìn, mở mắt ra đã lại trông thấy cho thỏa sự thích thú.
Nhiều năm sau, làng tôi giàu lên trông thấy. Những ngôi nhà xây mọc lên như nấm, dân cư đông đúc dần, xe hơi, xe máy chạy bon bon trên những con đường mà ngày nhỏ chúng tôi phải bấm từng đầu ngón chân xuống bùn cho khỏi trượt. Những cửa hàng tạp hóa - ước mơ của tôi ngày ấy cũng được người ta dễ dàng thực hiện, mọc lên khắp các bản làng. Tôi và biết bao đứa trẻ trong làng lớn lên, tản mác đi khắp nơi.
Tôi dường như là đứa rời xa bản làng của tôi nhất và chính tôi cũng suýt chút nữa quên mất mình từng ước mơ như thế nếu không vô tình đi công tác vùng cao, ghé vào một cửa hàng tạp hóa nghèo nàn trước cổng trường của một bản làng nghèo xác xơ trên núi. Giấc mơ ấy không phải của mình tôi, kịp thành hiện thực với người bạn ngồi chung bàn ngày nhỏ. Khi chủ cửa hàng tạp hóa cũ chuyển đi, cô bạn tôi liền mua lại căn nhà đó, xây lên một ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi, mở một cửa hàng tạp hóa to nhất nhì làng. Thế nhưng, cửa hàng lớn với hàng hóa chất đầy, đủ những thương hiệu lớn đến những thứ đơn sơ nhất như một siêu thị mini dường như vẫn thiếu điều gì đó. Có lẽ, tất cả mọi thứ đã thay đổi rất nhiều, cửa hàng tạp hóa trước cổng trường cũng thay đổi, không còn là ước mơ của những đứa trẻ nghèo lam lũ như chúng tôi năm ấy. Phải rồi, tất cả mọi thứ đều thay đổi, cả ngôi trường nghèo với những gian nhà lợp cỏ gianh, vách liếp, cả cửa hiệu tạp hóa đơn sơ, cả những lối mòn đều đã đổi thay. Chẳng còn điều gì của xưa cũ, chỉ có ước mơ về cửa hiệu tạp hóa năm ấy là lý do để người ta lội dòng ký ức, nghẹn ngào tìm về những ngày ấu thơ…