Người mắc COVID-19 hiện nay có cần phải điều trị cách ly không?

Dịch COVID-19 có xu hướng gia tăng trở lại, với các chủng mới, các ca trong cộng đồng tăng lên, nhiều người dân cũng băn khoăn việc cách ly người bệnh COVID-19 khi bệnh này đã được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.
Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 và các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội.

Bố trí khu điều trị, tránh lây chéo

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 đang gia tăng với sự xuất hiện của các biến chủng mới.

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận rải rác 641 trường hợp mắc COVID-19, tại 39 tỉnh, thành phố, không có ca tử vong. Trong đó một số tỉnh, thành phố có ca mắc cao như: TP Hà Nội đã ghi nhận 153 ca mắc, TP Hải Phòng 138 ca, TP Hồ Chí Minh 80 ca, Quảng Ninh 46 ca.

Tuy không ghi nhận các ổ dịch tập trung, nhưng đã có sự gia tăng nhẹ số ca mắc COVID-19 trong 3 tuần gần đây.

Tại TP Hồ Chí Minh, đã ghi nhận biến thể NB.1.8.1 ở đa số ca mắc COVID-19. Đây là một biến thể đang được theo dõi có các đột biến liên quan đến khả năng lây truyền cao hơn. Hà Nội cũng đang lo ngại sự lây lan với biến thể XEC của chủng Omicron, là chủng nguy cơ thấp, nhưng dự báo thời gian tới, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng, liên quan tới biến thể này.

Trước tình hình trên, ngành y tế liên tục có các khuyến cáo về biện pháp phòng chống COVID-19, nhằm ngăn dịch diễn biến phức tạp, nâng cao tinh thần chủ động phòng bệnh của người dân.

Ghi nhận tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), những ngày gần đây, khi số ca mắc COVID-19 gia tăng, bệnh viện đã lập các khu cách ly riêng biệt cho từng nhóm bệnh nhằm đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm chéo giữa các bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện cũng tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, sàng lọc và phân luồng bệnh nhân ngay từ khâu tiếp nhận ban đầu. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc men, trang thiết bị và giường bệnh để tiếp nhận và điều trị các ca bệnh truyền nhiễm.

Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, TS. BS Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Dù chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 diễn biến nặng, nhưng bệnh viện cũng đã bố trí khu vực điều trị riêng cho các ca bệnh truyền nhiễm; triển khai biện pháp phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện với các nhóm bệnh truyền nhiễm nói chung, trong đó có COVID-19. Các biện pháp đã được chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó nếu có tình huống dịch diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Trước tình hình dịch COVID-19 gia tăng, Bộ Y tế đã đề nghị các bệnh viện chuẩn bị khu cách ly sẵn sàng, dự phòng cho người bệnh COVID-19. Các bệnh viện thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị, cấp cứu kịp thời người bệnh, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh, người hỗ trợ chăm sóc người bệnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại cơ sở y tế.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện có giải pháp bảo đảm an toàn cho người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, bệnh nặng, người cao tuổi,...), khu vực hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật… Tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch...

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện.

Biện pháp cách ly phù hợp tình hình

Về việc có nên cách ly nghiêm ngặt người mắc COVID-19 trong bối cảnh hiện nay, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Chuyên gia cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), trong phòng chống bệnh truyền nhiễm, các ca mắc COVID-19 được xử lý như các cúm mùa và các bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, người dân không nên quá lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan. Không thể loại trừ khả năng COVID-19 có diễn biến bất ngờ, do đó, các cơ sở y tế cần có sự chuẩn bị, để nếu có diễn biến bất thường, thì vẫn đủ giường bệnh, cơ sở cách ly để dịch không bùng phát mạnh, không nhiễm khuẩn chéo, dẫn đến tử vong như trước đây.

BS. Nguyễn Quốc Thái, Phó Trưởng phòng Cấp cứu truyền nhiễm, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng: "COVID-19 hiện nay là bệnh lưu hành, tức là bệnh luôn tồn tại, rải rác ca mắc trong cộng đồng, người dân có thể mắc bất kỳ lúc nào, từ nhẹ đến nặng. Do vậy, đây không còn là một đợt bùng phát mới hay đại dịch mới".

Theo đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), các cơ sở y tế cần chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly trong bệnh viện để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, nhằm kiểm soát lây nhiễm bệnh cho các bệnh nhân đang mắc bệnh nặng, đặc biệt là những bệnh nhân phẫu thuật, người có bệnh nền.

Hiện nay, các bệnh truyền nhiễm do virus, bệnh lây qua đường hô hấp khi điều trị tại các bệnh viện đều phải nằm tại khoa Truyền nhiễm để tránh lây nhiễm chéo cho các bệnh nhân khác. Kể cả các bệnh truyền nhiễm nhóm B như: Cúm, sởi, lao phổi, tay chân miệng... và cả COVID-19 đều được khuyến cáo cách ly y tế để tránh lây nhiễm cộng đồng.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Bước chuyển trong thực hiện chính sách dân số

Bước chuyển trong thực hiện chính sách dân số

Ngày 11/7 hằng năm được lựa chọn là Ngày Dân số thế giới nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về các vấn đề dân số. Ngày Dân số thế giới năm 2025 có chủ đề: “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi”, nhằm đẩy mạnh nhận thức của cộng đồng về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong vấn đề sinh sản.

Anh - ASEAN đẩy mạnh hợp tác về y tế

Anh - ASEAN đẩy mạnh hợp tác về y tế

Theo thông tin từ Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Anh đã chính thức khởi động chương trình Hợp tác An ninh y tế ASEAN - Anh (HSP) kéo dài 5 năm, nhằm tăng cường năng lực của ASEAN trong việc phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa đến sức khỏe.

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Trước thực trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả ngày càng len lỏi vào hệ thống phân phối, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin vào ngành y tế, vấn đề đặt ra hiện nay là cuộc chiến chống thuốc giả, không chỉ là trách nhiệm hành chính. Đó là phép thử về năng lực quản lý, khả năng ứng dụng công nghệ và đặc biệt - là thước đo đạo lý của xã hội.

fb yt zl tw