LCĐT - Ở một số huyện vùng cao, vùng khó khăn đang tồn tại một nghịch lý “người nghèo không muốn thoát nghèo”, bởi tâm lý vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, trong khi nhiều gia đình có thể đủ điều kiện theo tiêu chí để thoát khỏi diện hộ nghèo.
Bài 2: Cho “cần câu” chứ không cho “cá”
Hiện tượng hộ nghèo không muốn thoát nghèo không chỉ xảy ra ở một hay hai địa phương. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, đòi hỏi các ngành, các cấp, các địa phương cần xây dựng các chính sách phù hợp, khuyến khích người nghèo tích cực phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.

Cần có giải pháp để giúp người dân thoát nghèo.
Thôn Dì Thàng, xã Tung Chung Phố (Mường Khương) ở trên một ngọn đồi cao cách UBND xã chừng 2 km, gồm 27 hộ là người Pa Dí chủ yếu sống bằng nghề trồng ngô và nuôi trâu. Theo Trưởng thôn Pờ Chín Lùng, hiện cả thôn còn 8 hộ nghèo, những hộ này hằng năm đều được Nhà nước hỗ trợ giống ngô, phân bón… Trong các buổi họp thôn, những hộ này đều mong muốn được xin thoát khỏi hộ nghèo. Nhưng qua thực tế điều tra, những hộ này đều không đủ điều kiện để thoát nghèo với nhiều lý do khách quan khác nhau. Trưởng thôn Pờ Chín Lùng chia sẻ: “Dù điều kiện khó khăn, nhưng các hộ dân ở Dì Thàng đoàn kết lắm, những hộ khá giả luôn sẵn sàng giúp những hộ khó khăn để làm kinh tế. Mặc dù còn 8 hộ nghèo, nhưng không có hộ nào có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ nghèo đều mong muốn thoát nghèo, nhưng do còn thiếu vốn sản xuất hoặc bị mất mùa nên tạm thời chưa thể thoát nghèo mà thôi”.
Anh Pờ Khai Sáng chỉ tay vào 2 con trâu và bảo: “Nhà mình mới tách ra ở riêng được gần 3 năm nay. Nhờ có Ngân hàng Chính sách xã hội, mình được vay vốn để mua trâu làm giống và để lấy sức kéo. Mấy lần xin các bác ở thôn, ở xã để thoát khỏi hộ nghèo, nhưng lần nào các bác cũng bảo gia đình mình chưa thoát nghèo được đâu. Nếu muốn thoát nghèo phải chịu khó sản xuất, trồng thật nhiều ngô, tăng thêm thu nhập, con cái đủ ăn, đủ mặc, được đi học, như thế mới thoát nghèo được chứ”.
Khác đôi chút thôn Dì Thàng, thôn Lả Dì Thàng của xã Tả Van Chư (Bắc Hà) là thôn có tỷ lệ hộ thoát nghèo thuộc diện cao nhất của xã. Tuy nhiên, cách đây khoảng 5 năm, thôn Lả Dì Thàng lại là thôn thuộc diện khó khăn. Ông Tráng Seo Giáo, một hộ dân từng thoát nghèo và vươn lên làm giàu ở thôn Lả Dì Thàng cho biết: “Trước đây, đời sống của gia đình tôi cũng như nhân dân trong thôn khó khăn lắm. Giờ có nhà đẹp, có ti vi, có xe máy để đi là nhờ các lãnh đạo ở xã, ở huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng, giúp nhân dân đưa giống mới vào sản xuất nên năng suất cao lắm”.
Được biết, xã Tả Van Chư còn nhiều hộ nghèo, nhưng được sự hỗ trợ của Nhà nước với các chính sách thiết thực, nhân dân xã đã tiếp cận được nguồn vốn, tiếp cận các cách phát triển kinh tế mới, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ như ngày xưa.
Ông Giàng Seo Chô, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bắc Hà cho rằng: “Chính sách hỗ trợ người nghèo để thoát nghèo là rất cần thiết, nhưng không phải cứ ban hành nhiều là đầy đủ, bao trùm mọi mặt đời sống của người dân. Không những làm triệt tiêu ý thức chủ động vươn lên, mà còn đang làm đảo lộn một số giá trị sống của người dân nông thôn. Do đó, tỷ lệ hộ tái nghèo của huyện vẫn còn cao, chênh lệch thu nhập lớn giữa các hộ, nhóm hộ và vùng dân tộc. Tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc còn tự túc, thiếu đất canh tác nông nghiệp nên người nghèo rất lúng túng trong việc tự vươn lên. Từ đầu năm đến nay, huyện Bắc Hà đã thực hiện cho vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số vùng khó khăn, cho vay học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm… với số tiền trên 30,2 tỷ đồng. Các hộ nghèo còn được hỗ trợ trực tiếp với số tiền trên 2,1 tỷ đồng và trên 700 triệu đồng hỗ trợ tiền điện. Các chính sách khác đối với người nghèo như cấp thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh miễn phí được tiến hành khẩn trương, đảm bảo quyền lợi cho người nghèo. Từ các chính sách hỗ trợ trên, 6 tháng đầu năm 2014, huyện Bắc Hà có 332 hộ thoát nghèo.
Việc các chính sách đối với người nghèo chỉ là tiền đề, điểm tựa để giúp họ trong những giai đoạn khó khăn. Để thực sự người nghèo thoát được nghèo hơn lúc nào hết là do nghị lực, ý thức và khả năng sử dụng những nguồn hỗ trợ, Nhà nước chỉ “cho cần câu chứ không cho con cá”. Nói về vấn đề này, ông Đỗ Minh Lương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Chúng ta đang lo cho người nghèo nhiều quá, người nghèo thiếu thứ gì thì chúng ta “cho”. Dẫn đến nhiều chính sách chỉ cho không, dẫn đến tình trạng người nghèo không muốn thoát nghèo, người không nghèo xin bằng được vào hộ nghèo để hưởng những chính sách cho không đó”.
Hiện nay ở tỉnh, đa số người nghèo thuộc các xã vùng cao của các huyện khó khăn. Ngoài điều kiện sản xuất, sinh hoạt khó khăn thì trình độ dân trí còn thấp. Do đó, muốn phát triển kinh tế bền vững, trước hết cần thay đổi nhận thức, tìm những giải pháp phù hợp để hỗ trợ cho người dân phát triển kinh tế. “Cần thay đổi cách thức tuyên truyền, thay vì tuyên truyền các địa phương nên tiến hành các buổi đối thoại xem người dân mình cần gì và còn thiếu gì trong sản xuất. Sau đó, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân được tiếp cận những nguồn vốn với mức lãi suất thấp để đầu tư cho sản xuất. Có như thế người dân mới có ý thức vươn lên làm giàu để trả được nợ” - ông Đỗ Minh Lương chia sẻ.
Thực tế, trong thời gian gần đây, Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành nhiều giải pháp để giúp người dân phát triển kinh tế như: Đứng ra bảo lãnh cho nhân dân vay các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hội cũng tiến hành xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân, đào tạo các điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi để họ trực tiếp đối thoại, hướng dẫn người dân trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, hướng dẫn các địa phương xây dựng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tập trung theo từng vùng để phát huy tốt nhất thế mạnh của từng địa phương.
Chính sách hỗ trợ người dân thoát nghèo thực sự mang tính nhân văn, nhưng có lúc chưa phù hợp với thực tiễn, nên nhiều khi không trở thành động lực để người dân thoát nghèo như mong muốn mà lại có ý nghĩa ngược lại. Bởi vậy, muốn giảm nghèo nhanh hơn, bền vững hơn, rất cần những cách làm toàn diện ở tất cả địa bàn, tập trung ở các địa phương có tỷ lệ nghèo cao. Chính sách phải đi đôi với thực tiễn, kích thích ý chí thoát nghèo của người nghèo.