LCĐT - Đoàn Luật sư tỉnh là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt
Mặc dù được thành lập từ tháng 11/1992 với đội ngũ luật sư khá đông đảo, nhưng từ khi Luật Luật sư có hiệu lực (năm 2006), thì trên một nửa số luật sư trong Đoàn không còn đủ tiêu chuẩn hoạt động, nên phải thu hồi chứng chỉ hành nghề và thẻ luật sư. Đề án xã hội hóa và định hướng phát triển đội ngũ luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt năm 2008 là tiền đề cho sự phát triển và hội nhập của Đoàn Luật sư tỉnh nói chung và các tổ chức hành nghề luật sư cũng như luật sư nói riêng.

Một vụ án được xét xử có sự tham gia của Đoàn Luật sư tỉnh.
Tháng 9/2008, Đoàn Luật sư tỉnh tiến hành đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2008 - 2011 với 5 luật sư thành viên. Đại hội đánh dấu bước trưởng thành mới của đội ngũ luật sư tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Từ đó đến nay, Đoàn Luật sư tỉnh cũng như các tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn đã phát triển cả về lực lượng và chất lượng. Đến thời điểm này, Đoàn có 9 luật sư (trong đó 6 luật sư là đảng viên) thuộc 6 tổ chức hành nghề luật sư và 1 chi nhánh trên địa bàn tỉnh; 1 luật sư hành nghề ở tổ chức hành nghề luật sư tại Hà Nội.
Kể từ khi thành lập, Đoàn Luật sư tỉnh đã thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của luật sư trong hành nghề, đồng thời thực hiện việc giám sát, phối hợp với đoàn luật sư ở địa phương khác giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư là thành viên, luật sư hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư và chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh chưa có luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư có hành vi vi phạm pháp luật đến mức đoàn luật sư phải đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý. Đặc biệt, không có đơn, thư khiếu nại, tố cáo luật sư thành viên và đoàn chưa phải tiến hành hoà giải tranh chấp giữa khách hàng với tổ chức hành nghề luật sư và luật sư.
Theo báo cáo của Đoàn Luật sư tỉnh, trong 4 năm (2009 - 2012), các luật sư thuộc Đoàn đã tham gia bào chữa gần 500 vụ án hình sự (trong đó có khoảng 300 vụ theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng); nhiều vụ luật sư tham gia xét xử lưu động ở các huyện vùng cao; tham gia bảo vệ quyền lợi cho đương sự trong hàng trăm vụ kiện dân sự, tư vấn pháp luật cho người dân trong hàng nghìn vụ việc (phần lớn là tư vấn miễn phí); phối hợp với cơ quan chức năng để luật sư tham gia hàng chục buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Chất lượng bào chữa, bảo vệ quyền lợi, tư vấn của luật sư đã từng bước được nâng cao và được người dân tin tưởng.
Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đã nêu cao trách nhiệm trong vai trò trong công tác duy trì, quản lý và điều hành hoạt động của các luật sư thành viên, góp phần cùng các cơ quan quản lý Nhà nước xây dựng, quản lý đoàn luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả bước đầu, làm cơ sở từng bước hoàn thiện và phát triển. Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của luật sư trong việc xây dựng chính sách, pháp luật khi có yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Bộ Tư pháp.

Khách hàng giao dịch tại Văn phòng Luật sư Ngọc Bảo.
Ông Lê Trường Sơn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được đó, so với nhu cầu về cung cấp dịch vụ pháp lý trên địa bàn tỉnh hiện nay, thì số lượng luật sư của Đoàn Luật sư tỉnh và các chi nhánh, văn phòng đại diện trên địa bàn là quá ít. Một số luật sư chưa được đào tạo bài bản về kỹ năng hành nghề nói chung, kỹ năng tranh tụng nói riêng; chưa có luật sư có hiểu biết về luật pháp quốc tế, biết nói, nghe, đọc ngoại ngữ và kinh nghiệm hành nghề của luật sư quốc tế; số luật sư chuyên sâu trong từng lĩnh vực chưa nhiều...
Theo ông chủ nhiệm, vấn đề này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đoàn chưa nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, đối với luật sư tham gia bào chữa chỉ định đều phải tự túc phương tiện đi lại, xăng xe, tiền ăn, tiền nghỉ, kể cả đối với các vụ án có bị can, bị cáo bị tạm giam hoặc ở các huyện trên địa bàn tỉnh... Những yếu tố đó không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển đội ngũ, nâng cao trình độ luật sư, mà còn rất khó yêu cầu trách nhiệm cũng như chất lượng đối với những vụ án được phân công bào chữa theo chỉ định.
“Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của Đoàn Luật sư tỉnh và các thành viên trong đoàn luôn duy trì tốt, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, không để xảy ra tình trạng thiếu luật sư tham gia tố tụng đối với các vụ việc phải có luật sư mà ảnh hưởng tới quá trình tố tụng” - ông Lê Trường Sơn, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh khẳng định.