Theo Công văn số 527 của Văn phòng Chính phủ ngày 18/12/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu việc công bố công khai lãi suất cho vay bình quân của từng tổ chức tín dụng và chênh lệch lãi suất bình quân tiền gửi và cho vay; qua đó tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân lựa chọn ngân hàng có lãi suất thấp để vay.
Ngân hàng công bố lãi suất cho vay.
Theo ông Phạm Chí Quang, ngày 23/2 là thời hạn cuối cùng để các ngân hàng thương mại báo cáo tới Ngân hàng Nhà nước tình hình công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân. Ngân hàng Nhà nước không giới hạn các tổ chức tín dụng công bố lãi suất cho vay chi tiết đối với các nhóm khách hàng; cách phân loại khách hàng... Các ngân hàng thương mại chủ động trong vấn đề này. Các ngân hàng nêu chi tiết các khó khăn, vướng mắc đồng thời kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt nhất chỉ đạo của Chính phủ về công khai thông tin lãi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước sẽ tổng hợp và có giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Trong cuộc họp trực tuyến ngày 20/2 về việc đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, một số ngân hàng thương mại thông tin về việc thực hiện công bố lãi suất cho vay còn gặp khó. Chẳng hạn, lãi suất vay đối với doanh nghiệp được đánh giá trên tổng thể lợi ích, bên cạnh tín dụng, khách hàng còn gửi tiền tại ngân hàng, sử dụng các dịch vụ khác, do vậy lãi suất vay không phản ánh toàn bộ chi phí của khách hàng. Lãi suất vay của khách hàng doanh nghiệp tùy theo mức độ rủi ro, tính khả thi của phương án kinh doanh, giá trị tài sản đảm bảo…
Ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân là trách nhiệm của toàn hệ thống ngân hàng. Việc này nhằm tạo môi trường minh bạch, cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng. Dù Ngân hàng Nhà nước không có chế tài nhưng dư luận xã hội sẽ giám sát việc công khai lãi suất cho vay.