Nga yêu cầu Ukraine đầu hàng

Điện Kremlin tuyên bố chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine sẽ kết thúc ngay khi Kiev lệnh cho quân đội hạ vũ khí đầu hàng.
"Phía Ukraine có thể dừng mọi thứ trước khi ngày hôm nay kết thúc. Lệnh cho các đơn vị chủ nghĩa dân tộc hạ vũ khí là cần thiết", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với phóng viên tại cuộc họp báo ở Moskva hôm nay.
Ông Peskov nói thêm rằng Ukraine phải đáp ứng loạt yêu cầu từ Nga nếu muốn chấm dứt chiến sự.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 26/6 kêu gọi các cường quốc thế giới nỗ lực hết sức để chấm dứt chiến sự vào cuối năm nay. Ông Zelensky cho rằng xung đột cần chấm dứt càng sớm càng tốt bởi điều kiện khắc nghiệt trong mùa đông sẽ gây nhiều khó khăn cho binh sĩ Ukraine.
Tổng thống Ukraine cũng cho biết vẫn chưa đến lúc tổ chức các cuộc đàm phán với Nga, vì Kiev đang tìm cách củng cố các vị trí chiến đấu.
Khi được đề nghị bình luận về các tuyên bố của ông Zelensky, ông Peskov nói: "Chúng tôi được chỉ dẫn bởi các tuyên bố của Tổng thống chúng tôi. Chiến dịch quân sự đặc biệt đang diễn ra theo kế hoạch và đạt được mục tiêu".
Bình luận của Điện Kremlin được đưa ra khi lực lượng Nga đang tìm cách siết gọng kìm ở thành phố Lysychansk, tỉnh Lugansk, miền đông Ukraine. Lysychansk là đô thị lớn cuối cùng do Ukraine kiểm soát tại Lugansk, sau khi các đơn vị nước này rút khỏi thành phố Severodonetsk bên kia sông Severskyi Donets hồi tuần trước.
Giới quan sát đánh giá Nga có khả năng kiểm soát hoàn toàn Lysychansk trong vài ngày tới, hoàn thành mục tiêu chiếm toàn bộ tỉnh Lugansk, một trong hai địa phương tạo thành vùng Donbass ở miền đông Ukraine.
Các nước phương Tây đang nỗ lực ủng hộ Ukraine và gia tăng sức ép với Nga, nhưng cũng đối mặt với thách thức lớn khi chiến sự đã kéo dài qua tháng thứ 5 và chưa có dấu hiệu kết thúc, khiến thế giới lâm vào khủng hoảng năng lượng và làm trầm trọng thêm tình hình lạm phát. Lạm phát tại Mỹ đã tăng 8,6%, trong khi tỷ lệ này tại Anh là 9,1%, còn ở khu vực đồng tiền chung châu Âu là 8,1%.
Chiến sự Ukraine kéo dài cũng làm tắc nghẽn tuyến vận chuyển ngũ cốc, đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón, làm dấy lên lo ngại về khủng hoảng lương thực toàn cầu. Hồi tháng 5, Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) báo cáo giá lương thực toàn cầu đã tăng hơn 20% so với năm trước, trong đó giá ngũ cốc tăng 30%. Tình trạng này có thể "gây ra làn sóng đói kém chưa từng có", đẩy 49 triệu người vào cảnh thiếu hụt lương thực.
(Theo VnExpress)

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Dịch vụ thuê bà ngoại gây 'sốt' ở Nhật Bản

Dịch vụ thuê bà ngoại gây 'sốt' ở Nhật Bản

Bạn có bao giờ ước rằng mình có một người lớn tuổi, từng trải để trò chuyện, chia sẻ hay nấu cho mình một bữa cơm nhà ấm cúng? Tại Nhật Bản, điều tưởng chừng xa vời đó lại hoàn toàn khả thi nhờ dịch vụ thuê bà ngoại theo giờ – mang tên OK Grandma.

Cấm xe xăng vào trung tâm: Các thành phố lớn trên thế giới đã làm thế nào?

Cấm xe xăng vào trung tâm: Các thành phố lớn trên thế giới đã làm thế nào?

Lần đầu tiên, thủ đô Hà Nội xác lập mốc thời gian cụ thể để “chia tay” với xe máy chạy bằng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực trung tâm thành phố. Đây là một bước ngoặt lớn trong chính sách môi trường đô thị, đồng thời là phép thử thực sự cho khả năng chuyển đổi công bằng và hiệu quả sang hệ thống giao thông xanh.

Tăng tốc hành động vì con người

Tăng tốc hành động vì con người

Năm 2015, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) nhằm giải quyết toàn diện các thách thức phát triển toàn cầu - từ xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu đến thúc đẩy bình đẳng giới. Sau 2/3 chặng đường, báo cáo SDG mới nhất đã phác họa một bức tranh tổng quan rõ nét: bên cạnh những thành quả đáng khích lệ, thế giới vẫn còn đối mặt với những rào cản nghiêm trọng, khiến lộ trình về đích năm 2030 trở nên gian nan.

fb yt zl tw