Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố, gồm các vấn đề về môi trường, an toàn giao thông và mong muốn thúc đẩy việc sử dụng xe điện. Mặc dù chưa phải là lệnh cấm hoàn toàn trên toàn quốc, nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hạn chế như cấm ở một số khu vực nhất định, hoặc hạn chế đăng ký và sử dụng.
Cấm xe máy
Theo Autopian, một số thành phố Trung Quốc bắt đầu cấm xe máy từ sớm vì các lý do an toàn và môi trường. Nghiên cứu xuất bản năm 2021 trên Journal of Advanced Transportation cho biết, Bắc Kinh là thành phố đầu tiên cấm xe máy vào năm 1985.
Đến năm 2021, 185 thành phố tại Trung Quốc có các quy định về cấm xe máy, khoảng 19 tỉnh cấm xe máy trên đường cao tốc.
Trong thời gian đó, các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc bắt đầu đưa ra các chính sách hạn chế việc sử dụng xe máy khác nhau. Trong đó phải kể đến việc dừng cấp giấy phép xe máy mới, cấm xe máy trên các đường phố chính, cấm xe máy khỏi khu thương mại trung tâm (CBD), cấm xe máy có giấy phép không phải của địa phương (nên xe chỉ di chuyển được trong một địa phương nhất định mà không thể đi liên tỉnh)... Một số áp dụng các ngoại lệ như xe của cảnh sát hoặc xe chuyên dụng.
Ngoài Bắc Kinh, bốn thành phố hạng nhất khác của Trung Quốc là Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Thiên Tân, cũng thực hiện các chính sách từ hạn chế đến cấm xe máy.

Sau các lệnh cấm xe máy, người Trung Quốc chuyển sang dùng xe máy điện. Vào những năm 1990, chính phủ thúc đẩy xe máy/xe đạp điện như giải pháp thay thế tiết kiệm năng lượng cho xe tay ga chạy bằng xăng giá rẻ, trong khi công nghệ tiên tiến và cạnh tranh thị trường bắt đầu khiến xe máy điện trở nên dễ tiếp cận hơn.
Xe máy điện thống trị thị trường xe hai bánh, trong khi xe tay ga chạy bằng xăng bị cấm ở một số thành phố như Tô Châu và Quảng Châu vào năm 1998. Năm 1999, thị trưởng Thượng Hải công bố kế hoạch loại bỏ hoàn toàn xe tay ga chạy bằng xăng khỏi thành phố trong bốn đến năm năm.
Năm 1999, Trung Quốc thiết lập các tiêu chuẩn cho xe điện, gồm giới hạn tốc độ và trọng lượng, đồng thời yêu cầu xe có bàn đạp được coi là xe đạp điện, để áp các quy định phù hợp.
Cùng với sự bùng nổ của nhu cầu xe điện và ngành công nghiệp giao đồ ăn, xe đạp điện, xe máy điện ngập tràn đường phố Trung Quốc. Điều này dẫn đến những thách thức về an toàn và một số địa phương phải đưa ra hạn chế đối với xe máy điện, hoặc đưa ra các điều luật chặt chẽ hơn. Theo các báo cáo, hầu hết các vụ tai nạn liên quan xe điện xảy ra là do người điều khiển xe vi phạm luật giao thông.
Chính phủ đã thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường an toàn và kiểm soát những người đi xe điện ẩu này. Ngoài yêu cầu về độ tuổi và đăng ký, các luật mới ban hành nêu rõ giới hạn tốc độ, yêu cầu về xe, trọng lượng tối đa và tiêu chuẩn điện áp pin cho xe. Chủ sở hữu xe cũng phải nâng cấp xe theo các tiêu chuẩn mới.
Hạ tầng xe điện ở Trung Quốc
Hiện Nam Ninh còn được biết đến là “thủ phủ xe đạp điện” của Trung Quốc, với tỉ lệ sở hữu 1 xe đạp điện trên mỗi 1,5 người dân. Nhờ hệ thống hạ tầng, tiện ích và các chương trình hỗ trợ mở rộng, thành phố này là một trong những nơi thân thiện nhất với người đi xe đạp và xe điện.
Nam Ninh dần xây dựng mô hình quản lý riêng để điều chỉnh sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện hai bánh này. Mô hình này gồm việc phát triển các làn đường riêng cho xe không động cơ, đèn tín hiệu riêng, cầu qua sông chuyên biệt, bãi đỗ và trạm sạc xe đạp điện khắp thành phố.
Nam Ninh bắt đầu hạn chế đăng ký xe máy truyền thống từ 2002. Trong bối cảnh đó, xe đạp điện trở thành giải pháp thay thế lý tưởng nhờ tính linh hoạt, tốc độ di chuyển phù hợp và chi phí tiếp cận thấp.
Đến cuối năm 2023, số lượng xe đạp điện tại Nam Ninh vượt 4,8 triệu chiếc, nhiều hơn cả số lượng ô tô cá nhân. Tỷ lệ người dân sử dụng xe đạp điện trong các chuyến đi công cộng lên tới gần 37% (2021).
Trước sự chuyển dịch mạnh mẽ này, chính quyền thành phố chủ động đáp ứng bằng nhiều quy định và chính sách quản lý. Từ năm 2013, Nam Ninh chính thức áp dụng hệ thống đăng ký xe đạp điện. Với số lượng xe ngày càng tăng, thành phố tiếp tục nghiên cứu các mô hình quản lý sáng tạo phù hợp với đặc điểm di chuyển địa phương.

Cùng với sự phát triển của xe đạp điện là hàng loạt vấn đề như an toàn, đỗ xe, sạc pin và ý thức giao thông. Chính quyền Nam Ninh đã triển khai nhiều biện pháp tái thiết đường phố để giải quyết những thách thức này.
Thứ nhất là cải tạo làn đường. Các làn xe máy cũ được cải tiến bằng cách kẻ vạch, lắp rào chắn, mở rộng làn xe không động cơ với chiều rộng trên 3 mét nhằm tách biệt rõ ràng với xe cơ giới.
Thứ hai là cải thiện nút giao thông. Thành phố thiết lập làn và khu chờ riêng cho xe không động cơ tại các giao lộ lớn, điều chỉnh đèn tín hiệu và lắp đặt chỉ dẫn bằng LED để nâng cao lưu thông và an toàn.
Thứ ba là tăng kết nối hạ tầng. Xây dựng nhiều đường hầm và cầu vượt dành riêng cho xe điện nhằm giảm xung đột với các phương tiện cơ giới.
Với hàng triệu xe điện đang lưu hành, nhu cầu về bãi đỗ và trạm sạc trở nên cấp thiết. Nam Ninh đã triển khai các giải pháp cụ thể theo từng khu vực. Ở những khu dân cư đông đúc hoặc cũ, chính quyền bố trí các khu vực sạc công cộng bên ngoài để đảm bảo an toàn và tiện lợi.
Bên cạnh đó, thành phố thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp và ban quản lý khu dân cư để giải quyết bài toán "ai sẽ đầu tư và quản lý hệ thống sạc".
Đồng thời, thúc đẩy việc phát triển các trạm đổi pin nhanh, nhất là cho đối tượng sử dụng thường xuyên như tài xế giao hàng. Ngoài ra, Nam Ninh còn quy hoạch lại bãi đỗ, ví dụ, 1 chỗ đỗ xe ô tô có thể quy đổi thành bãi đỗ cho gần 8 xe đạp/máy điện giúp sử dụng hiệu quả không gian đường phố và giảm áp lực đỗ xe.