
Sự kiện toàn cầu nhằm ghi nhận và bảo tồn di sản chung của nhân loại trên toàn thế giới, sẽ diễn ra vào năm 2026, tại thành phố Busan, Đông Nam Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên quốc gia Đông Á đăng cai phiên họp này kể từ khi ủy ban được thành lập vào năm 1977. Các thành phố châu Á từng đăng cai bao gồm Phuket của Thái Lan năm 1994, Kyoto của Nhật Bản năm 1998, Tô Châu của Trung Quốc năm 2004 và Phnom Penh của Campuchia năm 2013.
Với vai trò quốc gia đăng cai, Hàn Quốc sẽ dẫn đầu việc điều phối công việc của ủy ban trong phiên họp năm 2026, giám sát lịch trình các cuộc họp và quản lý các thủ tục định hình tiến trình của cuộc họp.
Được thành lập theo Công ước Di sản Thế giới năm 1972, Ủy ban Di sản Thế giới là một trong những cơ quan điều hành quan trọng nhất của UNESCO, có quyền quyết định những vấn đề then chốt liên quan tới việc công nhận các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Ủy ban cũng xem xét các báo cáo về tình trạng bảo tồn của các di sản đã được công nhận và kêu gọi các quốc gia thành viên hành động khi những di sản này gặp nguy hiểm.
Phiên họp thường niên này quy tụ khoảng 3.000 đại biểu, bao gồm đại diện từ 196 quốc gia thành viên và Tổng Giám đốc UNESCO, trong 1 tuần đối thoại và thảo luận. Chỉ có 21 quốc gia thành viên ủy ban được bầu mới đủ điều kiện đăng cai phiên họp. Hàn Quốc, hiện đang trong nhiệm kỳ thành viên thứ tư (2023-2027), đủ điều kiện đăng cai theo quy định.
Ông Choi Eung Chon, cựu giám đốc Cơ quan Di sản Hàn Quốc, cho biết: “Năm nay có ý nghĩa đặc biệt vì đánh dấu kỷ niệm 30 năm ngày Di sản thế giới đầu tiên của Hàn Quốc được công nhận”. Ba địa điểm mà ông nhắc đến - Chùa Haein, nơi lưu giữ các bản khắc gỗ “Tripitaka Koreana” từ thế kỷ XIII; Đền Jongmyo, nơi đặt các bài vị tổ tiên của triều đại Joseon (1392-1910); và Hang động Seokguram và Chùa Bulguk ở Gyeongju, cố đô của Vương quốc Silla cổ đại (57 TCN–935 SCN) - đều được liệt kê vào năm 1995.
Ông Choi chia sẻ: “Hàn Quốc coi phiên họp sắp tới của Ủy ban Di sản Thế giới tại Busan là thời điểm thực sự có ý nghĩa để tái khẳng định trách nhiệm chung của toàn thể nhân loại trong việc bảo vệ di sản chung của chúng ta”.