LCĐT - Hiện nay, diện tích chè Lào Cai đứng thứ 6 trong 18 tỉnh trồng chè ở khu vực miền Bắc, là loại cây trồng được quy hoạch sản xuất hàng hoá sớm nhất trên địa bàn tỉnh, diện tích ngày càng được mở rộng với 3.867 ha, khoảng 13.000 hộ trồng chè.
Diện tích chè tập trung chủ yếu ở các huyện: Bảo Thắng, Mường Khương, Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Yên và thành phố Lào Cai. Trong đó, chè kinh doanh gần 3.000 ha với năng suất bình quân 50 tạ/ha, sản lượng đạt 13.600 tấn chè búp tươi. Thực tế cho thấy, chè Lào Cai có chất lượng tương đối tốt, song sản phẩm có giá trị xuất khẩu không cao, chỉ đạt 1,8 - 2 USD/kg. Nguyên nhân chính là do sản xuất manh mún, chưa thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, nên chất lượng không ổn định, giá bán thấp so với các nước.

Trong điều kiện tự do thương mại toàn cầu hiện nay, việc kiểm soát độ an toàn của sản phẩm nông nghiệp còn nhiều bất cập và gây tranh cãi. Để hạn chế tranh chấp thương mại giữa các nước, gây lãng phí không cần thiết, nhiều nước trong khu vực đã xây dựng tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Practice), đối với Việt Nam, tiêu chuẩn VietGAP đã ra đời. Tiêu chuẩn VietGAP ra đời thể hiện tính tất yếu của nền nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Trước thực tế đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, giao cho ngành nông nghiệp và PTNT lập dự án xây dựng 1.000 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP tại huyện Mường Khương, với mục tiêu là phát triển và mở rộng diện tích chè quy hoạch đến năm 2015 đạt 4.730 ha, đồng thời tăng giá trị kinh tế, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho nông dân.
Chi cục Bảo vệ thực vật là đơn vị được giao trực tiếp triển khai dự án đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, khảo sát đánh giá các tiêu chí đầu kỳ, lập kế hoạch chi tiết và xác định rõ các bước tiến hành. Công tác tuyên truyền, vận động được tăng cường, đẩy mạnh dưới nhiều hình thức nhằm giúp người sản xuất hiểu được ý nghĩa và những lợi ích mang lại từ việc sản xuất theo quy trình VietGAP. Đồng thời, thể hiện rõ quan điểm, thái độ quyết tâm xây dựng vùng sản xuất chè theo VietGAP để làm chỗ dựa cho bà con trồng chè.
Được sự chỉ đạo của Sở Nông Nghiệp và PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức hội nghị triển khai dự án, lấy mẫu đất, nước phân tích các chỉ tiêu như kim loại nặng, chì, asen, cadimi, đồng, kẽm, thuỷ ngân… Tổ chức các đợt tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân sản xuất chè, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay đã mở 28 lớp tập huấn với 1.400 nông dân tham gia. Xây bể thu gom rác bảo vệ thực vật, các bảng nội quy, quy định tại nơi sản xuất, với khẩu hiệu "5 cấm, 6 phải" trong sản xuất chè an toàn. Chi cục đẩy mạnh công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trong vùng dự án, tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng. Qua thực tế khảo sát, đánh giá vùng dự án, hầu hết các tiêu chí, như đất, nước, giống, phân bón, thu hái, bảo quản đều thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, một số tiêu chí, như thuốc bảo vệ thực vật, vận chuyển, lưu trữ hồ sơ cần tiếp tục quan tâm thực hiện.
Bên cạnh sản xuất, khâu chế biến cũng được quan tâm chỉ đạo, đến nay, Công ty TNHH một thành viên Chè Thanh Bình đẩy nhanh tiến độ, nâng cấp dây truyền chế biến; xây dựng, sửa chữa hệ thống nhà xưởng đáp ứng với yêu cầu VietGAP; quản lý, giám sát việc thực hiện quy trình sản xuất của các hộ dân...
Với quyết tâm của ngành nông nghiệp và PTNT, Công ty TNHH một thành viên Chè Thanh Bình, UBND huyện Mường Khương và 4 xã vùng dự án, sự đồng lòng của người dân địa phương, tin tưởng rằng, vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP của Mường Khương sẽ thành công, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị chè, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường sinh thái./.