Ðể hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của cả nước, đa cấp độ (5 cấp độ), Lào Cai tập trung đầu tư phát triển đồng bộ dịch vụ logistics gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu và xuất - nhập khẩu, thương mại biên giới.
Năm cấp độ logistics được đề xuất bởi Hội đồng Logistics Châu Âu (European Logistics Association - ELA). Đây là tổ chức uy tín trong ngành logistics, tập hợp các chuyên gia và doanh nghiệp ở châu Âu nhằm thúc đẩy tiêu chuẩn hóa và phát triển logistics.
Các cấp độ logistics này cũng được công nhận bởi các tổ chức khác trên thế giới, đặc biệt trong các hệ thống quản lý logistics và chuỗi cung ứng quốc tế, nhằm mục đích chuẩn hóa và nâng cao hiệu quả vận hành logistics toàn cầu. Các cấp độ logistics này còn có thể được tích hợp vào các chứng nhận và tiêu chuẩn quốc tế như ISO trong lĩnh vực logistics và quản lý chuỗi cung ứng.
5 cấp độ chính của dịch vụ logistics gồm: 1PL (First Party Logistics) - Tự phục vụ logistics: doanh nghiệp tự quản lý toàn bộ hoạt động logistics từ kho bãi, vận chuyển đến phân phối hàng hóa mà không thuê ngoài; 2PL (Second Party Logistics) - Logistics bên thứ hai: doanh nghiệp thuê các dịch vụ vận tải hoặc lưu kho của một công ty chuyên nghiệp, công ty logistics chỉ cung cấp một dịch vụ nhất định như vận chuyển, không có trách nhiệm quản lý chuỗi cung ứng; 3PL (Third Party Logistics) - Logistics bên thứ ba: cung cấp dịch vụ quản lý logistics trọn gói, bao gồm vận chuyển, lưu kho, đóng gói và phân phối, doanh nghiệp thuê các nhà cung cấp dịch vụ để quản lý toàn bộ hoặc một phần chuỗi cung ứng của mình; 4PL (Fourth Party Logistics) - Logistics bên thứ tư: cung cấp giải pháp quản lý chuỗi cung ứng toàn diện, bao gồm quản lý các nhà cung cấp 3PL khác. 4PL đóng vai trò là một đối tác chiến lược, quản lý và phối hợp các nhà cung cấp khác để tối ưu hóa chuỗi cung ứng; 5PL (Fifth Party Logistics) - Logistics bên thứ năm: tích hợp công nghệ vào chuỗi cung ứng, hướng đến dịch vụ logistics trên các nền tảng thương mại điện tử. 5PL quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng, từ lập kế hoạch, quản lý hệ thống đến tối ưu hóa logistics và quản lý dữ liệu.
Nhiều năm qua, cùng với sự phát triển của hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, cung ứng các dịch vụ logistics. Nhờ đó, quá trình xuất - nhập khẩu hàng hóa diễn ra khá thuận lợi, thông suốt và hiệu quả.
Hiện, trong Khu kinh tế cửa khẩu hiện có 240 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 16 nghìn tỷ đồng, trong đó có trên 50 doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, riêng tại Cửa khẩu Kim Thành có 4 doanh nghiệp logistics với diện tích trên 20 ha. Ngoài ra, tại cửa khẩu phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh vận tải, dịch vụ hải quan và ủy thác xuất - nhập khẩu tại cửa khẩu...
Trong giai đoạn 2001 - 2019, thời điểm trước dịch Covid-19, tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai tăng bình quân 43,61%/năm, năm 2019 đạt kim ngạch 3,8 tỷ USD (năm 2001 là 210 triệu USD). Trong 10 tháng năm 2024, tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt đạt 2,53 tỷ USD, tăng 88% so với cùng kỳ 2023. Riêng tại cửa khẩu quốc tế đường bộ, tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu trong 10 tháng năm 2024 đạt 2,2 tỷ USD, tăng 112,3% so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp tham gia xuất - nhập khẩu lũy kế đạt 711 doanh nghiệp, tăng 108 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2023.
Việc chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu (nâng cấp tuyến đường gom nối từ Tỉnh lộ 156B vào khu thương mại công nghiệp Kim Thành, bãi đỗ xe xuất khẩu KB2, vận hành phương án phân luồng 5 làn (2 làn xuất, 3 làn nhập)...) giúp năng lực thông quan tại Cửa khẩu Kim Thành được nâng lên đáng kể.
Hiện nay, năng lực thông quan tại Cửa khẩu Kim Thành đáp ứng nhu cầu 1.000 xe hàng xuất - nhập khẩu/ngày.
Để tạo lực đẩy cho dịch vụ logistics phát triển, trong thời gian tới, Lào Cai sẽ tập trung ưu tiên một số nội dung, như: đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển hạ tầng logistics. Trong đó, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics đạt cấp độ 3PL trở lên và chế biến nông sản thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của dịch vụ và giảm chi phí phù hợp.
Cùng với đó, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết, nhất là các hiệp định thế hệ mới nhằm phát triển sản phẩm, đa dạng hóa thị trường và các chuỗi cung ứng; đẩy mạnh xuất khẩu, tạo nguồn hàng và thị trường, không gian cho dịch vụ logistics phát triển… quyết tâm xây dựng Lào Cai tiếp tục là “điểm đến hấp dẫn” thu hút doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực logistics, dịch vụ logistics, xuất - nhập khẩu nói riêng và các nhà đầu tư trong và ngoài nước nói chung.