Khách du lịch giảm mạnh, Sa Pa nỗ lực kích cầu du lịch

Như thường lệ, tháng 10 hằng năm là thời gian giao mùa giữa khách nội địa và khách quốc tế tại Sa Pa. Những ngày này, Sa Pa khá vắng vẻ, nhiều nhà hàng, khách sạn lượng khách giảm 60 – 70%, thậm chí một số cửa hàng tạm thời đóng cửa vì không có khách.

img-2549-1057-9784.jpeg
Hơn 10 giờ sáng ngày 23/10, khu vực nhà thờ đá Sa Pa vẫn vắng bóng du khách.

Hơn 10 giờ sáng ngày 23/10, thời tiết đẹp, phóng viên có mặt tại khu vực Sân quần, trung tâm thị xã Sa Pa, đường phố khá vắng vẻ, lác đác vài khách quốc tế đang đi bộ. Những chiếc taxi, xe ôm, xe điện xếp hàng dài chờ khách. Một số xe có khách lưu thông trên đường nhưng trên xe chỉ từ 2 đến 3 du khách.

Ông Nguyễn Văn Giảng, phường Phan Si Păng làm nghề xe ôm tại Sa Pa đã 20 năm. Ngoài thời điểm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19 thì đây là lúc ông Giảng cảm thấy vắng khách nhất. Có ngày, may mắn ông đón được 2 đến 3 khách, cũng có những ngày không đón được khách nào. Theo ông Giảng, lượng khách đến Sa Pa giảm khoảng 70% so với thời điểm chưa có mưa lũ xảy ra.

img-2557-601-2830.jpeg
Thời tiết đẹp nhưng các tuyến đường đều vắng khách.

Tương tự ông Giảng, anh Triệu Phú Cường, lái xe điện tại Công ty Du lịch quốc tế Group tours cũng trong tình trạng không có khách. Anh Cường cho biết: Thời điểm này, khách đi xe vắng chỉ còn khoảng 30% so với thời điểm trước khi xảy ra mưa lũ. Theo anh Cường, thời điểm này vắng khách có thể vì giao mùa và do người dân sợ ảnh hưởng bởi mưa lũ.

img-2562-7055-2682.jpeg
Các nhà hàng vắng bóng thực khách.

Không chỉ khu vực trung tâm thị xã, một số tuyến đường đi đến các xã, điểm du lịch trên địa bàn cũng trong tình trạng vắng bóng du khách, giao thông thông thoáng.

Khoảng 11 giờ 30 phút, tại các tuyến đường như Điện Biên Phủ, Xuân Viên, hầu hết nhà hàng, quán ăn đều vắng khách; thậm chí, một số nhà hàng phục vụ khách trong nước còn đóng cửa.

Ông Nguyễn Đức Kiên, nhà hàng Cốn Sủi ông Há trên đường Điện Biên Phủ tỏ rõ vẻ ngán ngẩm vì những ngày vừa qua lượng khách giảm mạnh, quán phải cắt giảm nhân lực để đảm bảo duy trì hoạt động. "Lượng khách của quán giảm khoảng 80% so với thời điểm chưa ảnh hưởng bởi mưa lũ"- ông Kiên cho biết.

img-2570-815-5446.jpeg
Nhà hàng của ông Kiên chỉ có lác đác thực khách.

Không chỉ lượng khách tại các nhà hàng phục vụ du khách trong nước giảm mạnh, một số nhà hàng phục vụ khách nước ngoài cũng cùng chung cảnh ngộ. Chị Nguyễn Thị Quế, quản lý nhà hàng Le Gecko cho biết: Thời điểm này những năm trước, khách châu Á như Indonesia, Malaysia, Philipin, Singapore thường sẽ đông, nhưng năm nay vắng nhiều. Doanh thu của nhà hàng giảm, tuy nhiên chúng tôi vẫn nỗ lực giữ lại nhân lực để duy trì đến khi du lịch phục hồi trở lại.

Lượng khách giảm khoảng 80 – 90% khiến khách sạn Thanh Sơn, đường Xuân Viên đã buộc phải tạm thời cho nghỉ việc một số nhân viên để cắt giảm chi tiêu. Khách sạn Thanh Sơn có 20 phòng nghỉ, tuy nhiên, mỗi ngày chỉ có 1 phòng đón được khách, vào cuối tuần công suất tăng 3 - 4 phòng. Theo anh Phạm Văn Thương, lễ tân khách sạn: Chúng tôi hy vọng, bằng các biện pháp kích cầu, trong tháng tới khách du lịch sẽ tăng trở lại để các nhà hàng, khách sạn có thể tiếp tục hoạt động.

img-2578-3487-815.jpeg
img-2590-5609-8010.jpeg
Nhiều nhà hàng, khách sạn tạm thời cắt giảm nhân sự.

Không chỉ các nhà hàng, khách sạn bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng gặp nhiều khó khăn. Theo chia sẻ của đại diện hãng xe Enterbus lines, các chuyến xe từ Hà Nội lên Sa Pa vẫn chạy đúng giờ và số lượng theo quy định. Tuy nhiên, nhiều chuyến xe vắng khách, thậm chí, có chuyến chỉ chở 3, 4 hành khách.

Lý giải vì sao Sa Pa giảm lượng khách trong thời điểm này, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin thị xã cho biết: Lượng khách hiện tại so với cùng kỳ giảm bởi thời điểm này năm 2023, Sa Pa đang tổ chức nhiều hoạt động chào mừng kỉ niệm 120 năm du lịch Sa Pa nên được nhiều du khách quan tâm. Ngoài ra, tháng 9, tháng 10 là thời điểm giao mùa, giao thời giữa khách nội địa và quốc tế ở Sa Pa nên khách du lịch cũng sẽ thấp hơn trong năm chứ không chỉ vì lý do ảnh hưởng bởi mưa lũ. Hiện lượng khách du lịch đến Sa Pa chủ yếu là khách quốc tế, bởi thời điểm này đang là giao mùa. Chúng tôi kỳ vọng tháng 11 du lịch của địa phương sẽ được khôi phục.

Ngay sau thiên tai, thị xã Sa Pa đã lên kế hoạch triển khai các phương án kích cầu, phục hồi du lịch với nhiều hoạt động sẽ được tổ chức, như: hoàn thiện sản phẩm du lịch Cung đường di sản văn hoá Dao, văn hoá Giáy để chính thức khai thác từ nửa cuối tháng 11; Ban Quản lý phát triển du lịch và di tích sẽ phối hợp với Sở Du lịch xây dựng không gian cộng đồng văn hoá 5 dân tộc của Sa Pa tại Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch, dự kiến tổ chức 8 - 10/11. Cùng với đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh phối hợp với thị xã Sa Pa sẽ đưa ra chương trình kích cầu du lịch tổng thể với nhiều hoạt động được các doanh nghiệp hưởng ứng với khẩu hiệu không chờ khách đến mà chủ động thu hút khách đến với địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

“Đi cùng Mây” - đi cùng yêu thương

Không bắt đầu bằng hành trình check-in hay cà phê sáng sang chảnh, chuyến đi của nhóm bạn trẻ “đi cùng Mây” khởi đầu bằng… một nồi phở nghi ngút khói giữa vùng cao Bắc Hà. Trong căn bếp mộc mạc ở thôn Pả Chư Tỷ, xã Lùng Phình, những bạn trẻ tự tay nấu từng bát phở nóng để trao tặng các em nhỏ - những đứa trẻ chưa quen với mùi vị của một bữa sáng đủ đầy.

Sống chậm giữa phố biển

Sống chậm giữa phố biển

Đến Nha Trang (Khánh Hòa), đừng chỉ lướt trên bề mặt phố biển, choáng ngợp trước ánh đèn rực rỡ của khách sạn cao tầng dọc đường Trần Phú, Phạm Văn Đồng. Sau những giờ đắm mình trong biển xanh, thỏa sức vui chơi ở VinWonders, bay bổng cùng dù lượn, hãy dành thời gian len lỏi những con phố, hay đến với những vùng quê ở ngoại thành Nha Trang để cảm nhận nhịp sống nhẹ nhàng của phố biển. Vẫn còn có một Nha Trang rất khác, chờ đợi bạn khám phá.

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tài nguyên văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới

Tỉnh Yên Bái xác định "du lịch văn hóa" là sản phẩm đặc trưng, phát triển theo hướng lấy bản sắc văn hóa làm cảm xúc chủ đạo, nhân dân làm chủ thể, trải nghiệm du khách làm trung tâm. Do đó, thời gian qua, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân trong phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn di sản, hướng tới “biến di sản thành tài sản”, “biến tài nguyên văn hóa, thiên nhiên thành tài nguyên du lịch”.

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Sa Pa - "Thụy Sĩ của Việt Nam" gây sốt với du khách Hàn Quốc

Theo thông tin từ Công ty lữ hành Hana Tour – hãng du lịch lớn nhất Hàn Quốc – lượng đặt tour trọn gói đến Sa Pa (Lào Cai) trong nửa đầu năm 2025 đã tăng tới 333% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 1/2025, lượng khách Hàn đặt tour đến điểm đến vùng cao này tăng vọt 1.138%, đánh dấu mức tăng trưởng kỷ lục. 

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Về Thái Nguyên thăm trường dạy làm báo đầu tiên

Là căn cứ địa cách mạng, Thái Nguyên có nhiều “địa chỉ đỏ” lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Trong đó, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên và duy nhất của Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến.

fb yt zl tw