Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 khiến Khu du lịch quốc gia Sa Pa chịu thiệt hại nặng nề. Nhằm đảm bảo an toàn cho du khách trong thời gian xảy ra mưa lũ, UBND thị xã Sa Pa đã thông báo đến các khu du lịch, điểm du lịch dừng đưa khách đi tham quan các điểm và hoạt động ngoài trời.
Những tháng cuối năm là cao điểm mùa khách du lịch quốc tế. Thời điểm này, khi biết thông tin Sa Pa đã thông đường, du khách được thoải mái vui chơi tại các điểm du lịch ngoài trời. Anh Lakshay (đến từ Ấn Độ) cùng bạn gái đã chọn Sa Pa là điểm trải nghiệm trong 2 ngày. Anh Lakshay chia sẻ: Các bạn vừa trải qua những ngày khó khăn do mưa lũ. Trước khi đến Sa Pa, tôi đã có chút lo lắng. Thế nhưng qua 2 ngày ở đây, tôi rất ngạc nhiên, bởi đường đi thuận lợi, phong cảnh rất đẹp. Thật thú vị khi chúng tôi được ngắm những “biển” mây vào thời điểm này!”.
Ngay khi khắc phục cơ bản những ảnh hưởng do hoàn lưu bão số 3 gây ra, các cơ sở lưu trú đã thực hiện biện pháp kích cầu du lịch, đảm bảo an toàn, sẵn sàng đón khách. Đơn cử như tại Sapa Highland Resort, hiện có 161 phòng. Mưa lũ không ảnh hưởng đến cơ sở vật chất của khách sạn nhưng lại tác động đến lượng khách đặt và hủy phòng ở thời điểm này. Do đó, sau mưa lũ, Sapa Highland Resort đã phát động chiến dịch “Ngày xanh” huy động máy móc, công nhân viên dọn dẹp từ khuôn viên, sảnh chờ đến các phòng ở, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan.
Sapa Highland Resort luôn duy trì phục vụ các đoàn khách đã đặt trước và các đoàn khách mới, đảm bảo chất lượng dịch vụ và giá, sẵn sàng đón du khách trở lại. Từ ngày 14/9, công suất phòng dần cải thiện, đạt gần 45%.
Chia sẻ về các biện pháp kích cầu du lịch sau ảnh hưởng bởi mưa lũ, anh Phạm Thanh Tùng, Quản lý khách sạn DeLaSol Sapa cho biết: Thiệt hại về kinh tế tương đối nhiều. Thời điểm mưa lũ, hầu hết khách hủy đặt phòng, một số bảo lưu. Để thu hút du khách trở lại, khách sạn tăng cường quảng bá, đăng tải thông tin về Sa Pa là điểm đến an toàn. Từ nay đến cuối năm, khách sạn sẽ giảm giá phòng, giá trải nghiệm ẩm thực và các dịch vụ.
Ngay sau mưa lũ, thị xã Sa Pa đã nhanh chóng chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, các xã, phường phối hợp khắc phục hậu quả của thiên tai để ổn định cuộc sống, trong đó khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn. Một trong những nỗ lực chính là UBND thị xã đã chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị, Ban Quản lý Dự án và UBND các xã, phường khẩn trương khôi phục hạ tầng, thông các tuyến giao thông; Phòng Văn hóa - Thông tin kiểm tra điều kiện an toàn của các khu, điểm du lịch để có định hướng khôi phục hoạt động. Đối với cơ sở vật chất phục vụ du lịch (các điểm du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống và các dịch vụ khách) Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì phối hợp với Hiệp hội du lịch tỉnh và UBND các xã phường tổ chức đánh giá mức độ an toàn và điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở lưu trú, homestay, dịch vụ ăn uống, quà tặng…
Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch tiến hành vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan, cơ sở vật chất để sẵn sàng đón và phục vụ du khách quay trở lại.
Ngoài ra, UBND thị xã Sa Pa cũng đã đưa ra các giải pháp khôi phục sản phẩm du lịch “Cung đường di sản văn hóa Dao; đầu tư cảnh quan, đèn chiếu sáng, biển chỉ dẫn, các không gian văn hóa dân tộc Dao; tăng cường các hoạt động trải nghiệm. Sa Pa cũng đầu tư khai thác sản phẩm du lịch “Di sản văn hóa Giáy”…; tiến tới tổ chức Giải đua xe đạp “Chinh phục Séo Mý Tỷ - hồ nhân tạo cao nhất Đông Nam Á” và chuỗi các sự kiện của Lễ hội mùa đông….
Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng chung tay bằng nhiều hoạt động thu hút khách đến Sa Pa. Ông Tô Bá Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền, vận động hội viên giảm giá dịch vụ hoặc tặng sản phẩm, quà khi khách lưu trú tại Sa Pa. Cuối năm là cao điểm khách quốc tế, với sự linh hoạt, nỗ lực của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng Khu du lịch quốc gia Sa Pa sẽ tiếp tục là điểm đến an toàn được nhiều du khách lựa chọn”.