LCĐT - Cách trung tâm xã 15 km, Tả Cổ Thàng là thôn xa nhất của xã Trịnh Tường (Bát Xát). Người dân sống ở thôn chủ yếu là Mông trắng. Trong rất nhiều đặc sản của bà con, chúng tôi ấn tượng với một thức uống độc đáo, đó là rượu nếp (thứ rượu ủ, không chưng cất).
Để tìm hiểu về thức uống đặc sản của người dân nơi đây, chúng tôi tìm đến nhà bà Thào Thị Sài - gia đình đã có truyền thống làm rượu nếp. Qua thời gian rét buốt của mùa đông, cuối tháng 3, khi nắng ấm, người Mông trắng bắt đầu ủ rượu và công việc này kéo dài liên tục đến hết tháng 10, để chuẩn bị những mẻ rượu nếp mới cho ngày tết.
Mẻ rượu đã ủ 3 ngày của bà Thào Thị Sài. |
Thật may mắn, khi chúng tôi đến nhà bà Sài đúng lúc mẻ rượu vừa làm được 3 ngày, bắt đầu tỏa hương thơm và có thể thưởng thức. Cạnh bếp lửa hồng, bà Sài lật giở từng lớp ni lông bọc kín rượu, rồi đến lớp lá chuối phía dưới, chuẩn bị cất rượu vào chum. Nếm thử chút cái rượu, dễ dàng cảm nhận được vị ngọt thanh và đặc biệt là hương thơm của rượu lan tỏa cả gian bếp. Bà Sài cho biết: “Từ nhỏ, bố mẹ đã dạy cách ủ rượu, rồi bà truyền bí quyết lại cho các con”.
Kỹ thuật ủ rượu khá công phu, đặc biệt là cách chọn gạo nếp và men. Người Mông có hai loại nếp được trồng trên nương, đó là nếp cẩm và nếp trắng, gạo nếp dùng để ủ rượu phải là nếp hạt đều, to và bóng, có như vậy rượu mới thơm ngon. Muốn làm men rượu, phải có bí quyết gia truyền, men được làm từ rễ, củ và lá của một số loại cây để đảm bảo cho rượu có hương vị riêng. Sau khi đã chọn được gạo nếp và men, gạo được nấu thành cơm, sau đó rải ra để nguội, trộn đều men đã được giã nhuyễn. Cơm nếp được trộn đều với men, ủ khoảng 3 ngày trong lớp ni lông kín hoặc lá chuối xanh, thấy hạt cơm mềm, nếm thử có vị ngọt thanh và hương thơm tỏa ra là sử dụng được.
Tùy vào sở thích của từng người, sau 3 ngày thì có thể ăn cái rượu hoặc cất vào chum, bịt kín gió, sau một tuần sẽ cho thứ nước màu trắng đục, đó là rượu nếp. Thứ nước ngọt lịm và thơm nức được chắt ra để uống dần, đến khi cái rượu nhạt thì bỏ đi làm thức ăn cho gia súc. Trung bình một tháng, bà Sài ủ 10 kg gạo nếp, nên trong nhà gần như không bao giờ thiếu rượu nếp, bà còn chia cho một số hộ trong thôn. Đặc biệt, người Mông trắng có thói quen ủ rượu để dành khi gia đình chuẩn bị có việc đại sự, để tiếp đãi bạn bè, ăn mừng ngày lễ, tết…
Bà Sài cho biết thêm: “Người Mông ở đây coi rượu nếp như một thứ nước giải khát, mùa hè lên nương, chúng tôi mang theo rượu, pha với nước cho nhạt bớt để uống”.
Tại thôn Tả Cổ Thàng hiện vẫn còn khoảng chục hộ thường xuyên nấu thứ rượu đặc biệt này, giống như một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Rời căn nhà của bà Sài, chúng tôi không quên những lời bà tâm sự: Mong sao con, cháu sẽ học cách ủ rượu và không để mai một bí quyết làm rượu truyền thống của dân tộc mình, để nhiều người cùng biết đến thứ rượu đặc biệt này.