
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, mưa lũ, dông lốc do hoàn lưu bão số 3 đã làm 113 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó, 10 nhà bị sạt lở đất đe dọa, 32 nhà bị ngập sâu trong nước lũ, 71 nhà bị tốc mái với mức độ từ dưới 30% đến 70%.
Các địa phương chịu thiệt hại lớn gồm gồm: Hạnh Phúc, Tân Hợp, Lương Thịnh, Nghĩa Tâm, Phình Hồ, Púng Luông, Chiềng Ken, Khánh Yên.
Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, các xã, phường đã triển khai rà soát các khu vực nguy hiểm để khẩn trương sơ tán 425 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao sạt lở, lũ quét.

Bên cạnh thiệt hại về nhà ở, mưa lũ đã làm ngập úng, sạt lở nhiều điểm trên các tuyến quốc lộ 4D, 2D, 32C và các tuyến tỉnh lộ 153, 154, 155, 156.
Cụ thể, Quốc lộ 32C ngập 1 vị trí (Km92+350), Quốc lộ 2D sạt lở 2 vị trí (Km95+200 và Km95+400); Quốc lộ 4D có 21 vị trí sạt lở taluy, mặt đường bị sụt lún, cây đổ.
Các tuyến tỉnh lộ 153, 154, 155, 156, 156B, 157, 159… sạt lở, ngập úng 143 vị trí.
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm sập hoàn toàn cầu bê tông thôn Rẹ 1, xã Nghĩa Tâm; làm gãy 1 cột viễn thông tại xã Phong Dụ Thượng; làm đổ 20 m tường rào Trường Tiểu học và THCS xã Hưng Thịnh.


Đối với thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, mưa lũ làm ngập úng, vùi lấp hơn 88 ha lúa, ngô và rau màu, cuốn trôi 1 con trâu. Dông lốc làm 4,5 ha cây bưởi hàng hóa bị rụng quả; 1.120 cây bồ đề và 1.200 cây quế bị gãy đổ (xã Chiềng Ken).
Tổng thiệt hại ước tính ban đầu hơn 4 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại xã Chiềng Ken, dông lốc đã làm đổ 2 cây sui cổ thụ (Cây Di sản Việt Nam được công nhận năm 2017) và 1 cây lim xanh, khiến một số hạng mục của đền Ken bị hư hỏng.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền các địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.