Gánh nặng nợ công toàn cầu

Nợ công toàn cầu dự kiến chạm mức kỷ lục 100.000 tỷ USD trong năm 2024. Khối nợ khổng lồ này có thể gây ra nhiều sóng gió trên thị trường tài chính thế giới, đồng thời là hòn đá tảng cản bước các nước, nhất là nước nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thời gian qua, áp lực phục hồi kinh tế, đầu tư cho an sinh xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu... đã khiến nhiều chính phủ phải vay mượn để bù đắp thâm hụt ngân sách quốc gia, dẫn đến nợ công tăng cao.

Thậm chí, các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới cũng chật vật với gánh nặng nợ công. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cho biết, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ trong tài khóa 2024 lên tới 1.834 tỷ USD, mức cao nhất kể từ sau đại dịch Covid-19.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo cho thấy, cuối năm nay, nợ công toàn cầu có thể tăng lên mức tương đương 93% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và gần ngưỡng nguy hiểm 100% GDP vào năm 2030. Đáng lo ngại, khối nợ này dự kiến ngày càng phình to và trong kịch bản xấu nhất sẽ chạm mức 115% GDP vào năm 2026.

Trong khi đó, tại châu Âu, nợ quốc gia của Pháp đã tăng lên khoảng 3.200 tỷ euro và có thể chiếm gần 115% GDP vào năm 2025, gần gấp đôi mục tiêu nợ công của Liên minh châu Âu (EU) là 60%.

Mặc dù quả bom nợ công đe dọa phát nổ tại nhiều nước trên thế giới, song các nước nghèo lại là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề hơn cả.

Báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) đã phác họa nên bức tranh ảm đạm về tình hình tài chính của 26 quốc gia nghèo nhất thế giới, hầu hết nằm ở khu vực phía nam sa mạc Sahara thuộc châu Phi. Trong khi phần lớn các nền kinh tế trên thế giới đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, những nước nghèo lại chìm trong nợ nần với nợ công trung bình lên tới 72% GDP, mức cao nhất trong 18 năm qua. Ghana, Sri Lanka, Zambia thậm chí đã rơi vào cảnh vỡ nợ, trong khi nhiều nước khác cũng nặng gánh sau khi chu kỳ tăng lãi suất toàn cầu đẩy chi phí đi vay lên cao.

Giới phân tích nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến nợ không ngừng gia tăng là các nền kinh tế thu nhập thấp phải vay rất nhiều trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, khiến thâm hụt ngân sách tăng mạnh. Ngoài ra, khoảng 60% số nước này đang chìm trong xung đột vũ trang hoặc bất ổn an ninh, dễ bị tổn thương trước thiên tai.

Trong giai đoạn 2011-2023, thiệt hại trung bình hằng năm do thiên tai gây ra chiếm tới 2% GDP, gấp 5 lần mức trung bình ở các nước có thu nhập trung bình thấp. Gánh nặng nợ nần khiến các nước nghèo rơi vào vòng luẩn quẩn, bởi thay vì tăng cường đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì họ lại phải ưu tiên trả nợ.

Nợ công cũng đe dọa mục tiêu phát triển của các nước nghèo khi hạn chế khả năng của họ trong việc đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Achim Steiner nhấn mạnh, các quốc gia kém phát triển đã gần như bị loại khỏi thị trường tài chính. Họ không thể vay thêm tiền và buộc phải cắt giảm các khoản chi khác để tránh vỡ nợ. Gánh nặng tài chính khiến chặng đường hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững như xóa đói, giảm nghèo, cung cấp năng lượng sạch và bảo vệ đa dạng sinh học… ngày càng nhiều chông gai.

Để kiềm chế nợ, IMF kêu gọi các chính phủ hành động quyết liệt hơn nữa. Tuy nhiên, việc cắt giảm chi tiêu công trong bối cảnh hiện nay là một thách thức lớn, nhất là khi các chính phủ đang đối mặt áp lực ngày càng tăng do khoản chi cho quá trình chuyển đổi năng lượng, tăng cường an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, phương án giải quyết nợ công bằng cách tăng thu thuế cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì tác động tiêu cực đến quy mô sản xuất, lợi nhuận của doanh nghiệp, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Trong bối cảnh đó, IMF nhận định, nợ công sẽ tiếp tục là gánh nặng trên vai chính phủ nhiều nước trong thời gian tới, đe dọa kìm hãm đà tăng trưởng và kéo theo rủi ro cho nền kinh tế thế giới.

nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thế giới tuần qua: Lời kêu gọi hòa bình

Thế giới tuần qua: Lời kêu gọi hòa bình

Tuần qua (7 - 13/10), dư luận thế giới hướng sự chú ý về những diễn biến ở Gaza sau tròn 1 năm nổ ra xung đột. Những mất mát và đau thương mà người dân nơi đây phải gánh chịu từng ngày đang cho thấy sự cấp bách của những nỗ lực hướng tới một nền hòa bình bền vững.

ASEAN - Trung Quốc thông qua 5 văn kiện quan trọng

ASEAN - Trung Quốc thông qua 5 văn kiện quan trọng

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 27 diễn ra ngày 10/10 ở thủ đô Viêng Chăn của Lào, hai bên đã rà soát và xác định phương hướng triển khai quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc nhằm tăng cường kết nối và tự cường, vì lợi ích chung của Cộng đồng ASEAN và Trung Quốc.

Triều Tiên tuyên bố đóng cửa toàn bộ các tuyến đường bộ và đường sắt với Hàn Quốc

Triều Tiên tuyên bố đóng cửa toàn bộ các tuyến đường bộ và đường sắt với Hàn Quốc

Quân đội Triều Tiên tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ các tuyến đường bộ và đường sắt nối với Hàn Quốc bắt đầu từ ngày 9/10, đồng thời xây dựng "các công trình phòng thủ kiên cố" tại các khu vực này để đáp trả các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

ASEAN thống nhất các nội dung quan trọng tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 44 - 45

ASEAN thống nhất các nội dung quan trọng tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 44 - 45

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 8/10, tại thủ đô Viêng Chăn đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN và Hội đồng Điều phối ASEAN. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu tham dự các Hội nghị.

Giải Nobel Y sinh 2024 vinh danh phát minh RNA

Giải Nobel Y sinh 2024 vinh danh phát minh RNA

Chiều 7/10, tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska đã công bố giải Nobel Y Sinh 2024 thuộc về 2 nhà khoa học người Mỹ là Victor Ambros (sinh năm 1953) và Gary Ruvkun (sinh năm 1952) với việc phát hiện ra RNA siêu nhỏ (microRNA hay microARN), qua đó khám phá ra nguyên lý cơ bản chi phối cách thức điều hòa hoạt động của gene.

fbytzltw