Ông Putin nêu cách chấm dứt xung đột Ukraine

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trao đổi với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về tình hình xung đột Ukraine trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sau 3 năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Theo thông báo của Điện Kremlin, vào ngày 1/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm đầu tiên sau gần 3 năm. Điện Kremlin mô tả cuộc điện đàm có ý nghĩa, lưu ý rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về một loạt vấn đề quan trọng, bao gồm xung đột Nga - Ukraine.

Tổng thống Putin nói với Tổng thống Macron rằng phương Tây đã châm ngòi cho cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách phớt lờ lợi ích của Moscow và xây dựng bàn đạp chống Nga tại Ukraine.

"Ông Putin nhắc lại rằng cuộc xung đột ở Ukraine là hậu quả trực tiếp từ chính sách của các nước phương Tây, trong nhiều năm đã phớt lờ lợi ích an ninh của Nga, xây dựng bàn đạp chống Nga tại Ukraine và dung túng cho hành vi vi phạm quyền của người dân nói tiếng Nga", tuyên bố của Điện Kremlin cho biết.

Ông Putin lưu ý rằng chính các nước phương Tây đang kéo dài cuộc xung đột bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev.

Nhà lãnh đạo Nga nhắc lại cách tiếp cận của Moscow đối với bất kỳ giải pháp nào nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Nga nhấn mạnh, để đạt được giải pháp nghiêm túc và lâu dài, điều cần thiết là phải giải quyết tận gốc nguyên nhân của cuộc xung đột và thừa nhận thực tế lãnh thổ mới trên thực địa.

Vào năm ngoái, khi chỉ ra những nguyên nhân gốc rễ dẫn đến xung đột ở Ukraine, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đề cập đến mối đe dọa đối với an ninh của Nga từ phương Tây, vốn tìm cách kéo Ukraine vào khối quân sự của mình. Một nguyên nhân khác của cuộc xung đột là sự phân biệt đối xử với cộng đồng nói tiếng Nga, bao gồm thông qua luật cấm sử dụng tiếng Nga, theo ông Lavrov.

Moscow đã tuyên bố các mục tiêu chính của Nga khi mở chiến dịch quân sự bao gồm phi quân sự hóa và phi phát xít hóa Ukraine, cũng như đảm bảo rằng Kiev cam kết trung lập về mặt pháp lý và từ bỏ hy vọng gia nhập NATO.

Người phát ngôn Điện Kremlin nói rằng Tổng thống Putin cũng đã nhiều lần nêu ra các điều kiện để chấm dứt chiến sự và các bước này là "những gì cần phải làm để chấm dứt giao tranh".

Vào tháng 6, Tổng thống Putin đã đưa ra một danh sách các điều kiện để bắt đầu đàm phán ngay lập tức với Kiev, bao gồm việc rút toàn bộ quân đội Ukraine khỏi tất cả các vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập, bao gồm Donetsk và Lugansk (còn gọi là Donbass), cũng như các vùng Kherson và Zaporizhia. Các vùng lãnh thổ này được xem là tình hình thực tế về lãnh thổ mà Tổng thống Putin nêu ra trong việc tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột.

Pháp từ lâu đã được xem là một trong những nước hỗ trợ chính của Kiev trong cuộc xung đột với Moscow. Paris đã cam kết hơn 3,7 tỷ euro (4,1 tỷ USD) viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xung đột leo thang vào tháng 2/2022, theo công cụ theo dõi viện trợ của Viện Kiel.

Tổng thống Macron cũng nhiều lần đưa ra ý tưởng triển khai quân đội Pháp tới Ukraine. Mặc dù việc triển khai này chưa bao giờ thành hiện thực, Paris đã nhiều lần ám chỉ rằng quân đội có thể được điều động tới Ukraine sau khi chiến sự kết thúc để hành động như một biện pháp răn đe chống lại Nga.

Moscow đã kiên quyết phản đối sự hiện diện của các lực lượng phương Tây ở Ukraine trong bất kỳ vai trò nào, cảnh báo rằng điều đó có thể gây ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và NATO.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Tổng thống Macron đã mềm mỏng hơn khi thừa nhận vào tháng 5 rằng Pháp đã làm "tối đa những gì có thể" để giúp đỡ và không còn khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraine.

Tuần trước, Tổng thống Pháp cho biết các thành viên NATO ở châu Âu cần "nghĩ đến" việc khôi phục đối thoại với Nga "ngay bây giờ" để đàm phán về an ninh châu Âu như một phần của thỏa thuận hòa bình tiềm năng cho Ukraine.

dantri.com.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lào chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa lũ 2025

Lào chủ động ứng phó thiên tai trong mùa mưa lũ 2025

Chủ động ứng phó với lũ lụt, kịp thời hỗ trợ, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, điều tiết xả lũ… là các biện pháp đang được Lào chủ động thực hiện nhằm đảm bảo phòng chống, ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả mùa mưa lũ.

EU thảo luận vấn đề Ukraine, đàm phán thương mại với Mỹ và xung đột ở Trung Đông

EU thảo luận vấn đề Ukraine, đàm phán thương mại với Mỹ và xung đột ở Trung Đông

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) diễn ra từ ngày 26 - 27/6, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về việc tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, đàm phán thương mại với Mỹ nhằm tránh nguy cơ bị áp thuế cao và ứng phó với tình hình nhân đạo ngày càng nghiêm trọng tại Dải Gaza.

UAV Shahed trong khu trưng bày.

Câu trả lời của Ukraine cho làn sóng tấn công bằng UAV Shahed Nga

Để đối phó với làn sóng tấn công trên không của Nga, Ukraine cần tập trung vào 3 ưu tiên: mở rộng các trung tâm đào tạo phi công UAV đánh chặn, tài trợ cho các dự án phát triển máy bay không người lái (UAV) nội địa thế hệ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh cho toàn bộ ngành công nghiệp UAV quốc gia.
fb yt zl tw