Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế và xã hội của nước này.
Mạng lưới đường sắt cao tốc được kết nối tốt đã làm cho hiệu quả hoạt động của toàn xã hội cao hơn, tổ chức lại các yếu tố sản xuất thuận tiện hơn, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Mạng lưới đường sắt cao tốc rút ngắn đáng kể khoảng cách thời gian và không gian, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân. Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, đường sắt cao tốc giúp làm giảm đáng kể khoảng cách thời gian và không gian, đồng thời tăng cường kết nối giữa các khu vực.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, ông Hướng Phong - Trưởng phòng Kế hoạch Thống kê, nhà ga Thành Đô (Tứ Xuyên) cho biết, theo quy hoạch phát triển đường sắt quốc gia, mạng lưới đường sắt cao tốc sẽ được xây dựng ngang dọc trên khắp cả nước, đến tận cả các vùng nông thôn, miền núi. Quá đó giúp người dân đi lại dễ dàng hơn, giúp người dân nông thôn nhanh chóng hội nhập với nhịp sống đô thị, thúc đẩy hiệu quả sự phát triển đồng bộ của kinh tế và xã hội khu vực.
Còn theo ông Khương Tuyết Tùng - Phó Chủ nhiệm văn phòng xây dựng đường sắt huyện Tùng Phan (Tứ Xuyên), việc kết nối đường sắt cao tốc đến tận các địa phương vùng sâu vùng xa, không chỉ mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế, mở rộng các kênh tiêu thụ hàng hóa nông sản địa phương, mà còn thu hút được nhiều nhân tài công nghệ cao đến để tham gia xây dựng và nghiên cứu, qua đó giúp chấn hung khu vực nông thôn.
Cùng với đó, mạng lưới đường sắt cao tốc còn giúp thúc đẩy sự phát triển các ngành nghề dọc theo tuyến đường. Đường sắt cao tốc đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế du lịch và sinh ra các ngành nghề mới và mô hình mới như “đường sắt cao tốc + du lịch”. Sau khi mở tuyến đường sắt cao tốc huyện Tùng Phan, lượng khách du lịch đổ về các khu danh lam thắng cảnh của những địa phương mà tuyến đường sắt này đi qua như Cửu Trại Câu, … đã tăng mạnh. Đời sống kinh tế, văn hóa của bà con các dân tộc thiểu số tại những khu vực này cũng không ngừng được nâng lên.
Ông Đỗ Kiệt - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khu du lịch Cửu Trại Câu (Tứ Xuyên), cho biết, từ khi đường sắt cao tốc được kết nối đến đây, việc đi lại trở nên rất thuận tiện, nhiều sự kiện du lịch mang tầm quốc tế cũng được tổ chức tại đây, thu hút hàng trăm đại biểu từ các nước trên thế giới đến tham dự.
Cùng với đó, lượng khách du lịch đến đây tham quan cũng tăng đột biến. Theo ông Đỗ Kiệt, từ ngày 30/8 đến nay, Khu du lịch này đã tiếp đón khoảng 600,000 lượt khách du lịch, tăng 215% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với bà con dân tộc thiểu số ở đây, nhờ sự kết nối của đường sắt cao tốc, việc trao đổi hàng hóa, tiêu thụ đặc sản địa phương cũng trở nên thông suốt, nhanh chóng hơn. Lượng khách du lịch đến tham quan nhiều hơn cũng kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề liên quan, qua đó cũng tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Anh Lang Kiệt Cách Đinh - người dân tộc Tạng tại Cửu Trại Câu chia sẻ: “So với trước đây thu nhập của chúng tôi đã được tăng lên đáng kể, do lượng khách du lịch đến đây ngày càng nhiều. Đời sống của người dân chúng tôi qua đó cũng được nâng lên, điều này đối với chúng tôi là rất hạnh phúc”.
Trong thời gian tới, mạng lưới đường sắt của Trung Quốc, đặc biệt là đường sắt cao tốc, sẽ tiếp tục là “đầu tàu” phục vụ và hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Có thể nói, nhờ có sự phát triển của các tuyến đường sắt cao tốc, kết nối từ thành thị đến nông thôn, thậm trí đến cả các vùng sâu vùng xa, đã kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực như bất động sản, du lịch, giao lưu trao đổi hàng hóa… Qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.