Nhắc đến ông Lý Văn Tiên (dân tộc Giáy), người dân thôn biên giới Hải Khê, xã Bản Qua đều biết, bởi ông là điển hình phát triển kinh tế và làm giàu. Ông Tiên đã 3 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong các phong trào thi đua. Đặc biệt, năm 2021, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Năm 2015, ông Tiên chuyển đổi hơn 1 ha đất trồng ngô sang trồng cây ăn quả. Ở tuổi 42, trong khi nhiều nông dân đã xây dựng được mô hình kinh tế thì ông Tiên mới bắt đầu “khởi nghiệp”. Ông vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư trồng 2.000 cây táo đại, sau đó tiếp tục trồng thêm 350 cây bưởi da xanh.
Với tư duy đổi mới, ông Tiên đã mạnh dạn áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, từ tưới nước đảm bảo vệ sinh đến làm cỏ không sử dụng hóa chất. Hằng ngày, ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu sách, báo, tìm kiếm thông tin trên mạng internet về cách trồng, chăm sóc cây ăn quả. Đến nay, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 400 triệu đồng từ vườn cây ăn quả. Không chỉ trong tỉnh mà nhiều thương lái ở khu vực miền Bắc đã tìm đến thu mua nông sản của gia đình ông.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2020, ông Tiên tiếp tục bỏ ra hàng trăm triệu đồng đầu tư thêm 1.500 m2 nhà lưới để trồng rau, quả áp dụng công nghệ cao. Cùng với đó, ông đầu tư hệ thống chuồng nuôi lợn áp dụng quy trình khép kín, nuôi 2 lứa/năm (mỗi lứa từ 60 đến 80 con). Ngoài ra, ông mở rộng diện tích trồng cây ăn quả: Trồng thêm 100 cây hồng xiêm và thử nghiệm một số loại cây ăn quả khác.
Dù bén duyên với nông nghiệp sau nhiều nông dân khác nhưng đối với ông Tiên không có gì là quá muộn. Sau 8 năm, ông đã trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Chia sẻ bí quyết làm nên thành công, ông Tiên cho rằng xác định gắn bó nông nghiệp thì phải chịu khó, không ngại thức khuya, dậy sớm. Trong chăn nuôi có thể phòng bệnh, điều trị bệnh vào nhiều thời điểm nhưng đối với cây ăn quả thì yếu tố phòng trừ sâu, bệnh hại phải được thực hiện từ ngay khi cây còn nhỏ, nếu chờ đến thời điểm đổ bệnh thì đã quá muộn và sẽ ảnh hưởng tới năng suất.
Đến thăm mô hình trồng dứa của ông Tráng A Minh (dân tộc Dao) ở thôn biên giới Bản Trang (xã Cốc Mỳ), chúng tôi choáng ngợp bởi nương dứa bạt ngàn, trải khắp triền đồi. Người đàn ông nhỏ bé với nước da đen sạm vì nắng, gió vùng biên đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu. Ông Minh cho biết đồi dứa của gia đình rộng hơn 3 ha và đã canh tác được hơn chục năm nay.
Trước kia, gia đình ông Minh trồng ngô, trồng lúa nên làm mãi cũng chỉ đủ ăn, cuộc sống vẫn vất vả, cơ cực. Được Hội Nông dân xã tuyên truyền, ông đã quyết định chuyển đổi sang trồng dứa. Thời điểm mới trồng, gia đình ông gặp muôn vàn khó khăn do thiếu kinh nghiệm, quả dứa nhỏ, chất lượng không như mong đợi và bị thương lái ép giá. Với quyết tâm, không sợ thất bại, ông vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tích cực đi tham quan, học hỏi nông dân trồng dứa ở nhiều nơi trong tỉnh. Nhiều năm gần đây, ông đã từng bước làm chủ kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh hại, nhờ đó có thu nhập ổn định từ cây dứa. Trung bình mỗi vụ gia đình ông thu hái 75 tấn quả, thu về hơn 200 triệu đồng.
Cũng như ông Tiên, ông Minh đã mạnh dạn mở hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ. Ông đầu tư phát triển mô hình kinh tế tổng hợp gồm nuôi trâu sinh sản, đào ao thả cá, chăn nuôi gia cầm và trồng hơn 1 ha rừng sản xuất. Mỗi năm ngoài thu nhập từ trồng dứa, gia đình ông còn thu hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi. Mặc dù đã thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá nhưng ông Minh khiêm tốn chia sẻ: “Bản thân tôi vẫn cần cố gắng nhiều hơn nữa. Làm nông nghiệp không bao giờ cho phép bản thân nhàn rỗi mà phải tiếp tục vươn lên".
Phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn xã biên giới Cốc Mỳ trong những năm qua tiếp tục phát triển, lan tỏa trong nhiều lĩnh vực sản xuất. Ông Lý Xuân Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cốc Mỳ cho biết: Đến nay, trên địa bàn xã có 38 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều mô hình nông dân sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Huyện Bát Xát có đến 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, Hội Nông dân huyện có hơn 12.000 hội viên sinh hoạt tại các chi hội trực thuộc 12 cơ sở hội. Phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực, nông dân các dân tộc trong huyện luôn nêu cao tinh thần vượt khó, vươn lên thoát nghèo.
Đến nay, qua bình xét, huyện Bát Xát đã có 1.147 hộ đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm gần 10% tổng số hộ làm nông nghiệp sinh sống ở khu vực nông thôn, biên giới.
Trong những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh… nhưng Hội Nông dân các cấp đã động viên nông dân phát huy truyền thống cần cù, chịu khó, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Nhiều giải pháp đã được triển khai, nhất là các cấp Hội Nông dân đã khai thác, quản lý tốt nguồn vốn vay từ các ngân hàng với tổng dư nợ hơn 278 tỷ đồng cho hơn 3.000 hộ vay. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn quản lý hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân với hơn 4,2 tỷ đồng giúp nhiều hội viên vay phát triển sản xuất.
Từ phong trào thi đua, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới như nhím, lợn rừng, trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh. Qua đó đã phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hoá sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Tiêu biểu như ông Nông Minh Tuấn ở thôn Bản Vai, xã Bản Qua đã đầu tư nuôi cá lăng cho giá trị kinh tế cao; ông Phàn Vần Chỉn ở thôn Nậm Giàng 2, xã Dền Sáng với mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi đại gia súc cho thu nhập 498 triệu đồng/năm; gia đình ông Sùng A Trừ ở xã Trung Lèng Hồ trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập 254 triệu đồng/năm; gia đình ông Đặng Văn San ở thôn Lùng Thàng, xã Bản Qua chăn nuôi lợn rừng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm...
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bát Xát khẳng định: Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, có sức lan tỏa trên địa bàn huyện trong tất cả các lĩnh vực từ nông, lâm, ngư nghiệp đến tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, nhất là ở khu vực biên giới đều nỗ lực vươn lên, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no.