Định danh xiếc Việt trên bản đồ xiếc thế giới

Có tiềm năng phát triển và có thể hội nhập sâu với sự phát triển của xiếc thế giới, song xiếc Việt không thể hội nhập nếu không đầu tư cho con người, cho nội hàm tiết mục, các trang thiết bị vẫn như cũ sau vài chục năm. Giải bài toán của xiếc trong giai đoạn hội nhập này như thế nào?

Trao đổi với phóng viên VOV, NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: "Một số chương trình như Làng tôi, Sông Trăng, chúng tôi đã tìm đến mục đích là phục vụ đối tượng khán giả quốc tế. Vì thế, những nội dung đó xoay quanh tái hiện những màu sắc truyền thống của Việt Nam. Còn với khán giả Việt Nam, tuy hội nhập nhưng chúng tôi vẫn chú trọng phục vụ khán giả trong nước thông qua những chương trình, vở diễn có nội dung, được lồng ghép hợp lý, cả về công nghệ, nội dung, kịch bản và những trò diễn của xiếc".

Liên hoan Xiếc quốc tế 2019 tại Hà Nội.
Liên hoan Xiếc quốc tế 2019 tại Hà Nội.

Theo NSND Tống Toàn Thắng, hiện nay xiếc Việt đang phải cạnh tranh rất lớn với rất nhiều loại hình giải trí, đặc biệt là công nghệ giải trí bằng truyền thông, bằng rất nhiều hình thức trên mạng Internet. Chính vì vậy, nghệ thuật xiếc vẫn đặt yếu tố đầu tiên là làm sao đào tạo được đội ngũ diễn viên chất lượng cao và có sự đầu tư thích đáng vào các chương trình, vở diễn.

"Khi chúng ta đã áp dụng công nghệ thì chúng ta phải đầu tư. Bởi vì công nghệ luôn luôn thay đổi, luôn cập nhật và làm mới nên sự đầu tư về điều kiện cơ sở hạ tầng và các điều kiện phục vụ cho các vở diễn là rất tốt. Nhưng ngược lại vẫn cần đầu tư cho đào tạo, cho các nghệ sĩ có chất lượng, có khả năng, năng lực. Để có sự đầu tư này, tôi nghĩ rằng phải tạo ra môi trường trong ngành xiếc để thu hút được sự đam mê, yêu thích và muốn cống hiến của các nghệ sĩ. Bởi vì hiện nay các nghệ sĩ vẫn còn đang lo về 'cơm áo gạo tiền'. Đào tạo nghệ sĩ xiếc rất vất vả, nhưng không phải vì thế chúng ta không nỗ lực tìm giải pháp làm sao có đầu tư thích đáng cho các nghệ sĩ - NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.

NSND Tống Toàn Thắng cho rằng, yếu tố quan trọng nhất để xiếc Việt hội nhập vẫn là các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ phải có đam mê, nâng cao được kĩ năng, kĩ xảo, đặc biệt hơn nữa là sự quan tâm của Nhà nước, đầu tư thích đáng cho nghệ thuật xiếc. Ngành xiếc phải được coi là ngành công nghiệp và tạo ra những sản phẩm phục vụ đông đảo khán giả trong nước và quốc tế.

Có thể thấy, yếu tố con người là chìa khóa quyết định sự phát triển và hội nhập của xiếc Việt. Theo đó, trong xu hướng hội nhập, nghệ sĩ xiếc phải đa năng hơn, trau dồi thêm các kĩ năng, kĩ xảo của các loại hình nghệ thuật khác như kịch, múa, âm nhạc… Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Anh, Phó trưởng đoàn Xiếc dân gian (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) cho biết, nghệ sĩ xiếc vốn đã có lòng yêu nghề, say nghề, mong muốn được học hỏi, trau dồi chuyên môn, chỉ cần được sự khích lệ bằng chế độ, chính sách phù hợp để họ yên tâm làm nghề và tỏa sáng. Có như vậy, xiếc Việt mới nhanh chóng hội nhập với xiếc thế giới.

Bên cạnh đó, theo TS.NSND Hoàng Minh Khánh, yếu tố con người ở đây không chỉ là các nghệ sĩ mà còn là câu chuyện về tư duy dàn dựng và vai trò của đội ngũ đạo diễn: “Nếu so về kỹ thuật mang ra nước ngoài trong các cuộc thi hay các festival thì chúng ta không e ngại; nhưng vấn đề quan trọng là năng lực của đội ngũ đạo diễn để tạo ra sự khác biệt, để người ta xem, người ta biết ngay là xiếc Việt Nam thì là vấn đề khó. Vì thế, các khóa đạo diễn hiện nay được kỳ vọng sẽ tạo ra một phương pháp huấn luyện mới, tư duy mới trong sáng tạo nghệ thuật, cùng một thái độ lao động nghệ thuật mới để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của xã hội”

Để hội nhập và cạnh tranh được trong bối cảnh hiện nay, xiếc Việt Nam cần có chiến lược phát triển rõ ràng, biết tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ đưa vào xiếc nhằm tăng tính giải trí và xiếc Việt không thể nằm ngoài xu hướng phát triển của kinh tế.

Thạc sĩ Ngô Lê Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho rằng, chính những người đạo diễn, dàn dựng phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường, của từng đối tượng khách hàng để xây dựng những vở diễn phù hợp: “Ngoài việc nói được bản sắc thì mình phải hiểu đối tượng khán giả là ai. Người Đức kiểu công nghiệp hóa, máy móc thì gu xem của người ta thế này, thế còn người Pháp tính lịch sự, nhã nhặn thì người ta thích xem kiểu nhẹ nhàng, vui vui. Nói tóm lại là phải làm đồng thời, người đạo diễn cần kết hợp cả yếu tố nghệ thuật và tư duy kinh tế”.

Sự đổi mới không chỉ về kỹ thuật cơ bản, đa dạng hóa thị phần người xem mà theo NSND Vũ Ngoạn Hợp - Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Xiếc Việt Nam, xiếc Việt cần có sự tươi mới, cuốn hút về cách kể chuyện, nói cách khác là phải tìm ra sự khác biệt. Bởi trong điều kiện nguồn nhân lực còn mỏng với nhiều khó khăn, việc vừa hiện đại hóa các tiết mục theo xu hướng thế giới, vừa phát huy yếu tố truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, có lẽ là hướng đi nhanh nhất để nghệ thuật xiếc hội nhập với xiếc thế giới.

“Mấu chốt nhất chính là tìm ra sự khác biệt, giới thiệu sự khác biệt đó, kể bằng câu chuyện, kể bằng âm nhạc, kể bằng hồn cốt dân tộc với những kĩ xảo, kĩ năng của con người Việt Nam nhanh nhẹn, dũng cảm. Như trước đây, đế kiếm không phải là tiết mục khó nhưng mình biết đưa vào trong xiếc, đưa vào tiết mục đu, đưa vào trò chơi dân gian. Nên đi đâu cứ thấy đế kiếm là khán giả biết xiếc Việt Nam đây rồi” - NSND Vũ Ngoạn Hợp cho biết.

Rõ ràng, xiếc Việt đang nỗ lực thay đổi để giữ được chỗ đứng, sức lan tỏa cả trong và ngoài nước. Nỗ lực đặc biệt ấy luôn cần được trân trọng và tạo điều kiện bằng những cơ chế hỗ trợ đặc thù, bằng sự đầu tư có bài bản từ cơ sở vật chất đến con người. Có như vậy, xiếc Việt mới tiếp tục tỏa sáng và đủ đẳng cấp để sánh ngang với bạn bè thế giới.

Qua loạt bài có thể thấy, xiếc Việt hội nhập là xu thế tất yếu. Trong xu thế đó, ngành nghệ thuật xiếc nước ta cần tranh thủ những thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ, đồng thời đầu tư cho con người, cho nội hàm tiết mục để tạo ra những sản phẩm giải trí hấp dẫn, vừa hiện đại hóa theo xu hướng quốc tế, lại vừa thấm đẫm văn hóa Việt trong âm nhạc, đạo cụ, trang phục, câu chuyện kể… Mong rằng trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước sẽ có sự đầu tư hơn nữa, có cơ chế, chính sách đồng bộ, phù hợp để thúc đẩy ngành nghệ thuật xiếc phát triển và hội nhập với thế giới.

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hấp dẫn Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa"

Hấp dẫn Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa"

Ngày 28/4, UBND thị xã Sa Pa phối hợp với Công viên Văn hóa Mường Hoa Sa Pa tổ chức Lễ hội "Ẩm thực Mường Hoa" với các hoạt động trải nghiệm ẩm thực, trò chơi, biểu diễn văn hóa dân gian Tây Bắc hấp dẫn.

Âm nhạc quảng bá du lịch

Âm nhạc quảng bá du lịch

Những cảnh quay giới thiệu vẻ đẹp, đất nước con người Việt Nam kết hợp âm nhạc đang là cánh tay nối dài trong việc quảng bá du lịch Việt Nam.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã "bay về miền sáng"

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã "bay về miền sáng"

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt"

Triển lãm "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt"

Ngày 26/4, Triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện, với sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

fb yt zl tw