Tham gia cuộc thi có 13 đội tới từ 13 bản của xã Nghĩa Đô. Theo thể lệ của cuộc thi, để được tính thành tích, mỗi đội phải có ít nhất 20 thành viên tham gia và tối đa là 30 người; cần có đại diện 3 thế hệ: người cao tuổi (độ tuổi hơn 50), thanh niên (độ tuổi từ 18) và thiếu niên, nhi đồng (độ tuổi học sinh cấp 1 - cấp 2). Các đội phải đảm bảo mặc theo đúng trang phục truyền thống của người Tày và trang trí cà kheo đẹp. Các đội thi lần lượt theo số thứ tự bốc thăm.
Các đội thi phải trải qua chặng đường thi tài có chiều dài khoảng 300m. Với điểm xuất phát từ chân cầu bản Nặm Cằm, di chuyển bằng cà kheo trên dòng suối Nặm Cằm khoảng gần 100m, sau đó sẽ lên bờ và đi trên đường bộ tới vạch đích cách đó khoảng 200m. Đội nào về đích với thời gian ít nhất và có số người hoàn thành phần thi nhiều nhất là đội giành chiến thắng.
Ngay từ sáng sớm, người dân các bản xã Nghĩa Đô đã tập trung rất đông tại khu vực cầu Nặm Cằm và hai bên bờ suối để cổ vũ cho đội thi của bản mình và các đội tham gia cuộc thi.
Sau gần 3 giờ đồng hồ diễn ra cuộc thi, Ban tổ chức đã tìm ra đội về nhất là Lằng Đáp với thành tích 24 vận động viên hoàn thành phần thi trong thời gian 9 phút và đạt tổng điểm là 73. Đội về nhì là đội bản Nặm Cằm với thành tích 19 vận động viên hoàn thành phần thi trong thời gian 8 phút, đạt tổng 62,5. Đội có thành tích tốt thứ ba là Nà Luông, với 11 vận động viên hoàn thành phần thi trong thời gian 6 phút, đạt tổng 57,5, đoạt giải Ba của cuộc thi.
Em Hoàng Anh Tú (12 tuổi) ở đội thi bản Pắc Bó là 1 trong 8 vận động viên của đội hoàn thành phần thi. Em Tú vui mừng chia sẻ: "Đi dưới suối rất khó. Em rất vui vì đã hoàn thành phần thi của mình cùng các cô, chú, các ông. Em tập khoảng 1 tuần thì biết đi cà kheo và tham gia cuộc thi này. Sau này em sẽ dạy cách chơi cho các em của mình".
Đi cà kheo là trò chơi dân gian trong đời sống của người Tày từ lâu đời. Cà kheo là một vật dụng đơn giản, được làm bằng tre nhưng lại hữu ích cho cuộc sống của người Tày trước đây. Xưa kia, giao thông chưa phát triển, chưa có cầu qua suối, người Tày đã chế ra cà kheo để thuận tiện hơn khi đi qua đoạn đường khó, qua suối... Nhất là vào mùa mưa hoặc mùa đông giá rét, khi qua đường sình lầy, ruộng bùn sâu, việc sử dụng cà kheo đi lại, làm nương, làm ruộng, săn bắt, chăn thả vật nuôi... trở nên dễ dàng hơn, đảm bảo an toàn cho con người.
Đời sống phát triển, cà kheo không còn được người Tày sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày nữa nhưng người Tày vẫn lưu giữ, bảo tồn và phát triển thành trò chơi dân gian trong các lễ hội chính của đồng bào Tày (lễ hội đầu xuân, lễ hội xuống đồng, tết tháng Bảy...).
Chị Lương Bích Nguyệt, du khách tới từ Hà Nội chia sẻ: Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, gia đình tôi tới Nghĩa Đô nghỉ dưỡng. Tôi đã ở đây 2 ngày và được thưởng thức nhiều món ngon, tham gia nhiều hoạt động văn hóa rất thú vị như đánh yến, tham quan gian hàng sản phẩm nông sản, xem bắt vịt, thi bắt cá. Hôm nay, tôi lại được xem thi đi cà kheo. Tôi thấy Nghĩa Đô không những đẹp, yên bình mà còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, hấp dẫn.
Ông Lương Cao Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô cho biết: Trò chơi cà kheo đòi hỏi sự khéo léo, dẻo dai của người chơi. Đó là sự kết hợp của cả chân, tay và cơ thể nhằm tạo sự cân bằng khi di chuyển. Cuộc thi đi cà kheo được tổ chức vừa nhằm giúp người dân rèn luyện sức khỏe vừa bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của người Tày, đồng thời nâng tầm thành sản phẩm du lịch trải nghiệm thu hút du khách tới với Nghĩa Đô.
Ban tổ chức sẽ trao giải cho các đội tham gia các cuộc thi và giải thể thao nằm trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Văn hóa dân gian xã Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông” lần thứ 2, năm 2024 vào đêm 30/4, gồm: Cuộc thi bắt cá, thi đi cà kheo, thi đánh yến, giải bóng chuyền da nam…