Di chúc Hồ Chí Minh - Quốc bảo để xây dựng đất nước to đẹp hơn

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Quốc bảo để xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Quốc bảo đó mang sinh khí của công cuộc đổi mới.

PGS.TS Bùi Đình Phong (giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, sau nhiều năm nghiên cứu về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, với một cách tiếp cận mới, ông vừa gửi bản thảo cuốn sách với tựa đề "Xây dựng đất nước phồn vinh theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" tới Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuốn sách này là của cá nhân ông, dự kiến sẽ xuất bản vào tháng 5/2019, đúng dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dự kiến 3000 bản sách sẽ được xuất bản.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, muốn hiểu về Di chúc không phải chỉ đọc văn bản, mà phải nghiên cứu cả cuộc đời, sự nghiệp của Bác, phải hiểu chất con người Hồ Chí Minh.

Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, đúc kết cuộc đời của Bác, kết tinh tư tưởng, tình cảm, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của một lãnh tụ, một vĩ nhân cả một đời vì nước, vì dân, tận tâm tận lực cống hiến cho dân tộc, cho nhân loại là cực đại, với bản thân mình không có gì riêng. Điều này cũng thể hiện trong Di chúc. Bác viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Trong cuốn sách của mình, ông Bùi Đình Phong nói tới một điều đặc biệt về Di chúc. Đó là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trong Điếu văn có đoạn viết: “Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ để lại cho Đảng ta, cho toàn thể đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam Bắc một một bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau”. Nhưng toàn bộ “bảo vật quốc gia” này, Người không dùng từ Di chúc.

“Di chúc” được hiểu là những lời dặn dò lại trước khi chết. Nhưng ở đây toát lên một điều, Bác viết tác phẩm này không phải với tâm trạng của một người trước khi mất, mặc dù Người tự nhận mình thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Di chúc nêu câu hỏi: “Nhưng ai mà đoán biết tôi còn phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa?”. Đó là điều đặc biệt” - ông Bùi Đình Phong cho biết.

Bác không coi đây là một văn bản của người sắp đi xa. Trong 4 năm (1965-1969), mỗi năm Người chọn vào dịp sinh nhật của mình (khoảng từ ngày 10 đến ngày 19-5) để viết tài liệu, Người gọi là “mấy lời để lại”, “thư này”. Năm 1965 Bác viết bản Di chúc 3 trang, do chính Bác đánh máy. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh, bên trên có dòng chữ : “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”, dưới dòng chữ đó, bên trái là Tuyệt đối bí mật, bên phải là Nhân dịp mừng 75 tuổi. Bên dưới, có chữ ký của Bác, và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng hồi bấy giờ.

Năm 1968, Bác viết bổ sung một số đoạn gồm 6 trang viết tay. Năm 1969, Bác viết lại toàn bộ đoạn mở đầu , gồm một trang viết tay. Năm 1966, 1967, Bác không có những bản viết riêng, nhưng cả 4 năm, mỗi năm Bác dành khoảng 10 ngày, mỗi ngày khoảng 1 tiếng để đọc lại, điều chỉnh, bổ sung từng câu, từng chữ, từng ý, từng lời, từng dấu chấm, dấu phẩy trong tài liệu. Người gọi là “để sẵn mấy lời này, phòng khi đi gặp các cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi khỏi cảm thấy đột ngột.

4 năm viết “mấy lời để lại” với một tâm trạng lạc quan, ung dung, thư thái, một niềm tin chắc chắn vào thắng lợi cuối cùng. Chúng ta đều biết những năm tháng Bác viết Di chúc là lúc đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh xâm lược ở cả hai miền Nam Bắc. Nhưng Người có một niềm tin cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa, nhưng chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.

Một đoạn văn Người viết 4 lần cụm từ “nhất định” và khẳng định “nhất định thắng lợi hoàn toàn, đó là một điều chắc chắn. Điều đó cho thấy, Người có tầm nhìn xa trông rộng, một dự báo chiến lược thiên tài về niềm vinh dự của dân tộc Việt Nam “là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”.

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, bản Di chúc vạch ra một kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Đó là kế hoạch phát triển kinh tế và văn hóa theo tinh thần “Còn non, còn nước, còn người/Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”.

PGS.TS Bùi Đình Phong
PGS.TS Bùi Đình Phong

Trong Di chúc, tinh thần cơ bản nói về kế hoạch xây dựng lại đất nước, những việc cần phải làm, mang tính thời sự nóng hổi liên quan đến những vấn đề trọng đại được đề cập trong các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ gần đây, như vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công việc đối với con người, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, tinh thần đoàn kết, dân chủ,  những khía cạnh về kinh tế, y tế, giáo dục, quốc phòng, môi trường, v.v..

Bản Di chúc không chỉ là “Quốc bảo” mà còn là “Pháp bảo”, tức là bàn đến pháp luật. Bác nói đến những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu.., thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện.

"Bản Di chúc là quốc bảo để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi"- ông Bùi Đình Phong nói và cho biết, ông chọn cách tiếp cận mới về “Bảo vật quốc gia”, một văn kiện lịch sử vô giá này theo hướng Di chúc là Quốc bảo để “xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Quốc bảo đó mang sinh khí của công cuộc đổi mới, nghĩa là cơ bản những vấn đề lớn mà công cuộc đổi mới hiện nay đang làm đều theo tinh thần Di chúc của Người. Nói cách khác, Di chúc là một tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.

Mối quan hệ giữa quyền lực với đạo đức

Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, một điều đặc biệt nữa trong Di chúc, đó là Người nhấn mạnh vấn đề chỉnh đốn lại Đảng, vấn đề cán bộ, đảng viên. Người ý thức rất rõ về hai mặt tốt, xấu của quyền lực và mối quan hệ giữa quyền lực với đạo đức. Bởi quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối.

Mệnh lệnh của Di chúc Bác Hồ

Di chúc được Bác sửa lại một số lần, bổ sung thêm nội dung, nhưng rất ngắn gọn, cụ thể, sâu sắc.

Từ thập kỷ 40, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cán bộ các cơ quan, đoàn thể có quyền mà không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân. Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.

Không phải ai có quyền cũng hỏng. Vấn đề Bác muốn nhấn mạnh ở đây chính là quyền được nhân dân ủy thác để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhưng cán bộ không ý thức được mà lại dùng quyền lực để phục vụ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm. Thậm chí có người nghĩ rằng quyền đó là của cá nhân mình nên phân phát, tìm người nhiều tiền để “bán” quyền.

Khi viết về Đảng, Bác dùng cụm từ “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Cụm từ này lần đầu tiên xuất hiện và cũng là lần duy nhất, mặc dù tinh thần về đảng cầm quyền đã có từ lâu. Điều đặc biệt là cụm từ này Bác viết ngay trước đoạn nói về đạo đức, để cho chúng ta thấy quyền lực và đạo đức gắn rất chặt chẽ với nhau.

Cán bộ có quyền thì phải giữ đạo đức trong sáng, thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

"Trong một đoạn, Bác dùng tới 4 chữ “thật, thật sự” để nhấn mạnh, bởi có một bộ phận cán bộ không “thật sự”, nói một đường làm một nẻo, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở - tất cả những biểu hiện này đều không phải là bản chất của một Đảng chân chính cách mạng, một Đảng đạo đức văn minh” - ông Bùi Đình Phong phân tích.

Giảng viên cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, bản chất của việc chỉnh đốn Đảng là để mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Làm được như vậy thì “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi.

Đảng ta nói “tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”. Và trong Di chúc của Người cũng kết tinh những tư tưởng đó, soi đường cho công tác xây dựng Đảng, các tầng lớp nhân dân, soi đường cho việc thực hành dân chủ, thực hiện đoàn kết, thống nhất, phê bình, tự phê bình...

Di chúc được hiểu như một “vũ khí” sắc bén chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng - không chỉ là vật chất mà quan trọng là tổ chức, con người, tư tưởng - đế tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Và người viết Di chúc xác định đây là cuộc chiến đấu khổng lồ. Muốn giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ đó thì có một động lực, sức mạnh không gì ngăn cản được đó là Nhân dân.

Vì vậy, Đảng phải biết “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”. Nếu ta hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh là vì Nhân dân và do Nhân dân, thì đây không chỉ là vấn đề của Di chúc mà còn là sự kết tinh toàn bộ tư tưởng, đạo đức, phong cách, phương pháp của Hồ Chí Minh./. 

VOV

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Ngày 23/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Kinh nghiệm trong công tác luân chuyển cán bộ ở thị xã Sa Pa

Kinh nghiệm trong công tác luân chuyển cán bộ ở thị xã Sa Pa

Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh về bố trí điều động, luân chuyển một số chức danh, cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương đã tạo cơ hội cho cán bộ được rèn luyện, bồi dưỡng, nhất là cán bộ trẻ từng bước trưởng thành, đáp ứng nhiệm vụ về lâu dài...

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (23/11)

Dự báo thời tiết đêm nay và ngày mai (23/11)

Đêm nay và ngày mai, do chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lạnh lục địa có cường độ ổn định nên thời tiết các địa phương trong tỉnh mây thay đổi, không mưa, ngày trời nắng, gió Đông Nam cấp 2; đêm về sáng trời lạnh, vùng cao và núi cao trời rét đậm, có nơi có sương mù.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn bắt đầu thăm chính thức Vương quốc Campuchia

Chuyến thăm nhằm tiếp tục đưa quan hệ Việt Nam - Campuchia đi vào giai đoạn phát triển mới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, hợp tác hiệu quả, tôn trọng lợi ích của nhau; góp phần củng cố tin cậy chiến lược và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội và Thượng viện Vương quốc Campuchia.

fbytzltw