Quay vềE-magazineTheo dõi Báo Lào Cai trênGoogle News
Bài 1: Nữ đại biểu vì dân nơi "tâm lũ" Làng Nủ

Bài 1: Nữ đại biểu vì dân nơi "tâm lũ" Làng Nủ

Tôi đã ấp ủ bài viết về bà sau cuộc gặp ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh (huyện Bảo Yên) - nơi vừa chịu bao đau thương do cơn lũ lịch sử gây ra. Người đàn bà ở tuổi 55, dáng người nhỏ bé, quần xắn móng lợn, lúc nào cũng tất tả ngược xuôi nơi “tâm lũ” Làng Nủ. Suốt 20 năm làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Làng Nủ, 20 năm làm đại biểu HĐND xã Phúc Khánh, bà Trần Hoài Thu luôn được bà con quý trọng, mến yêu. Trong cơn lũ lịch sử vừa qua, người đại biểu ấy không một ngày ngơi nghỉ vì đồng bào vùng lũ.

xa-phuc-khanh-huyen-bao-yen-tinh-lao-cai-7.png
3-5661.jpg

Vậy là đã 2 tháng trôi qua kể từ khi mưa lũ kèm trận sạt lở đất kinh hoàng ập xuống thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên gây bao đau thương cho người dân nơi đây. Cũng trong 2 tháng ấy, dường như chưa một ngày bà Trần Hoài Thu, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Làng Nủ, đại biểu HĐND xã Phúc Khánh có giấc ngủ ngon. Ngày ngày tất bật, ngược xuôi với công việc của thôn, bà gầy rộc hẳn đi, gương mặt sạm đen, ai cũng lo bà sẽ ốm vì kiệt sức.

dau-an-nhung-dai-bieu-dan-cu-noi-tam-lu.png

Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh có 167 hộ, hơn 700 nhân khẩu, đều là đồng bào dân tộc Tày sinh sống từ nhiều đời nay trong những ngôi nhà sàn bình yên dưới núi Con Voi. Vậy nhưng, thiên tai bất ngờ ập đến vào 6 giờ ngày 10/9/2024 khiến hàng triệu mét khối bùn đất sạt trượt từ trên núi cách đó 2 km vùi lấp gần hết khu dân cư phía trong, gây bao đau thương cho người dân nơi đây.

Bà Trần Hoài Thu động viên bà con Làng Nủ sau trận lũ lịch sử.

Bà Trần Hoài Thu động viên bà con Làng Nủ sau trận lũ lịch sử.

“Khi tôi ở xóm ngoài chạy vào thì cơn lũ đã vùi lấp gần hết cả xóm trong, tiếng kêu cứu thất thanh giữa tiếng nước lũ chảy ầm ầm. Tôi tri hô bà con chạy theo dòng nước, cứu được mấy người dân và cháu nhỏ bị trôi dạt vào gần bờ, đưa các cháu đi cấp cứu. Thương lắm, trong 67 người chết và mất tích, có 22 cháu nhỏ”, bà Thu rơm rớm nước mắt nhớ lại.

Trong 2 tuần đầu sau lũ, mỗi ngày có nhiều thi thể người dân Làng Nủ được lực lượng cứu hộ tìm thấy trong đống bùn đất. Mặc dù không phải họ hàng thân thích nhưng bà Thu đã hỗ trợ gia đình người dân tắm rửa cho những nạn nhân xấu số, nhận diện từng người, rồi cùng bà con làm thủ tục mai táng cho các nạn nhân theo phong tục. Bà Thu bảo, do bị bùn lũ vùi lấp nên có những người không còn rõ hình dáng, gương mặt nhưng bà không có cảm giác sợ hãi, chỉ thấy cần phải làm hết sức mình để đưa những người đã chết về nơi yên nghỉ, giúp các gia đình vơi bớt đau thương.

13.png

Những ngày các lực lượng về Làng Nủ giúp người dân tìm kiếm người bị mất tích, có rất nhiều đoàn thiện nguyện mang theo hàng cứu trợ về Làng Nủ. Bà Thu cùng với bà con vừa tiếp nhận hàng ủng hộ, cấp phát cho bà con đang bị thiên tai, vừa giám sát công tác cứu trợ sao cho đúng đối tượng.

“Đợt lũ vừa qua, lợi dụng đông người và hoàn cảnh thiên tai, có một số kẻ xấu đến tuyên truyền mê tín dị đoan. Tôi đã nắm tình hình, báo cáo chính quyền xã để có biện pháp xử lý kịp thời. Để giữ vững lòng dân trong bão lũ, tôi tuyên truyền bà con chỉ nghe theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không tin lời kẻ xấu”, bà Thu cho hay.

14-7840.jpg
Đau thương bao trùm cuộc sống của người dân Làng Nủ sau hoàn lưu bão số 3.

Đến Làng Nủ sau những ngày bão lũ, chúng tôi không khỏi xúc động khi nghe câu chuyện vừa qua bà Thu đã vận động người dân Làng Nủ chia sẻ các nguồn hỗ trợ, ủng hộ tỉnh Quảng Bình bị mưa lũ hơn 60 triệu đồng, 450 kg gạo, 180 thùng mì tôm, 120 chiếc màn mới, 40 thùng bánh kẹo, lương khô, gia vị các loại. “Các cụ bảo “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, bà con Quảng Bình hay Làng Nủ đều là đồng bào mình cả, dù đau thương, mất mát, khó khăn đến mấy vẫn phải một lòng đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng đứng dậy”, bà Thu chia sẻ.

3-2581.jpg

Đưa chúng tôi đi thăm thôn Làng Nủ sau khi trận lũ lịch sử đã qua, bà Trần Hoài Thu bảo: Năm 1989 tôi về Làng Nủ dạy học và trở thành con dâu của bản Tày. Ngày đó vùng đất này còn gọi là Trĩ Nủ, rồi đổi tên thành Bản 1, Bản 2, đến năm 2020 thì sáp nhập 2 thôn thành thôn Làng Nủ. Hơn 30 năm qua, Làng Nủ vẫn là thôn nghèo nhất xã, khó khăn nhất là giao thông cách trở và những cây cầu qua suối vẫn là cầu tre, cầu gỗ do bà con tự làm. Cầu Vằng Cuồng, cầu Tát Ma, cầu Khuối Lùng, cầu Nà Mạt, cầu Vằng Ái đều bắc qua suối Nủ.

Qua mỗi mùa mưa lũ, những cây cầu lại bị dòng nước lũ cuốn trôi, bà con phải cùng nhau bắc lại, vất vả vô cùng. Ở cầu Vằng Ái, 5 năm trước ông Diện đi xe qua cầu bị ngã gãy xương sườn, xây xát mặt mũi; chị Phương đang mang bầu đi qua cầu trơn cũng bị ngã xuống suối, may mắn chỉ bị thương nhẹ; một số người dân xã Lương Sơn, học sinh đi qua cầu cũng bị ngã xuống suối…

9.png
Những cây cầu qua suối Nủ được xây dựng giúp bà con đi lại an toàn.

Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con trong thôn, bà Thu đã nhiều lần báo cáo lãnh đạo xã Phúc Khánh và huyện Bảo Yên, đề xuất chính quyền địa phương xây cầu mới cho bà con đi lại an toàn. Từ năm 2019 trở lại đây, 5 cây cầu qua suối Nủ đều được sửa chữa, xây mới, bà con vô cùng phấn khởi.

“Năm 2020, cầu Vằng Ái nơi nhiều người bị ngã đã được huyện Bảo Yên đầu tư xây dựng. Tôi và bà con vui lắm! Tuy nhiên, khi giám sát đơn vị thi công cầu, tôi phát hiện nhà thầu sử dụng đá quá to để đổ mố cầu, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngay sau đó, tôi cùng các cán bộ thôn lập biên bản vụ việc, báo cáo cấp ủy đảng, chính quyền xã yêu cầu đơn vị thi công tháo dỡ phần công trình không đảm bảo để làm lại. Đối với các cây cầu khác, quá trình xây dựng cũng được giám sát chặt chẽ. Qua trận lũ lịch sử, cầu Vằng Cuồng nơi đầu nguồn đã bị lũ cuốn trôi nhưng cầu Vằng Ái và 3 cây cầu khác vẫn vững chãi, an toàn”, bà Thu cho biết.

10-4962.jpg
Đại biểu Trần Hoài Thu nêu ý kiến trong một cuộc họp.

Là Tổ trưởng Tổ đại biểu số 3 HĐND xã Phúc Khánh, phụ trách thôn Làng Nủ và thôn Nà Phát, bà Thu cùng các thành viên thường xuyên kiểm tra, giám sát các công trình Nhà nước đầu tư xây dựng trên địa bàn xã. Trong những năm qua, bà tích cực vận động người dân Làng Nủ đoàn kết góp sức làm đường giao thông, nhà văn hóa, đường điện thắp sáng làng quê. Để bà con làm theo, nữ đại biểu HĐND đã hiến hơn 700 mét vuông đất ruộng, hơn 1.000 mét vuông đất đồi quế với hơn 1.000 cây để mở rộng đường thôn.

Khi được hỏi về nữ đại biểu HĐND thôn Làng Nủ, chị Hoàng Thị Son, người dân trong thôn chia sẻ: Chị Thu không phải là người Tày, không sinh ra ở Làng Nủ, nhưng là người đại biểu vì Nhân dân. 35 năm ở nhà sàn người Tày, nói chuyện với bà con bằng tiếng Tày, chị Thu giúp bà con nhiều lắm. Bà con Làng Nủ ai cũng biết ơn chị!

12.png
3-6782.jpg

Khi chúng tôi đến Làng Nủ, cái nắng trưa tháng 11 khô rát, hanh hao nứt nẻ ruộng đồng. Mùa này, những bông hoa sim đang nở tím ven đồi nơi xây dựng Làng Nủ mới. Nhờ sự chung tay chia sẻ của các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm, 40 ngôi nhà sàn dần hiện hữu, góp phần xoa dịu bớt những đau thương nơi “tâm lũ”. Với tình cảm yêu thương, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, Nhân dân cả nước đang hướng về Làng Nủ với mong ước ngôi làng mới sẽ giúp bà con xây dựng cuộc sống thêm ấm no, không còn nỗi lo khi mưa lũ.

Nhìn khu Làng Nủ mới đang được xây dựng, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng, bà Trần Hoài Thu bảo: Tôi nghe các cụ già kể lại tên Làng Nủ có nghĩa là ngôi làng đầy đủ, ấm no, hạnh phúc. Vậy là đến nay, nhờ ơn Đảng, Nhà nước và sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, bà con bị thiên tai ở Làng Nủ đã có nơi ở mới an toàn. Hôm thôn tổ chức bốc thăm chọn ngôi nhà mới, bà con mừng lắm. Mừng cho bà con có nhà mới nhưng tôi vẫn chưa thể yên tâm vì vừa qua ruộng đồng của nhiều hộ đã bị vùi lấp, nương đồi bị sạt lở, trong những ngày tới bà con biết sống ra sao?

Hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của bà con, hơn một tháng qua, bà Thu tất tả cùng Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ thôn, cán bộ xã Phúc Khánh đi dọc cánh đồng nơi cơn lũ tràn qua để kiểm tra, rà soát các cây cầu, mương thủy lợi bị hư hỏng, rà soát diện tích ruộng có thể cải tạo lại để đề xuất các cấp, các ngành hỗ trợ cây giống, phân bón giúp bà con trồng rau, màu, ngô, khoai để sớm phủ xanh cánh đồng nơi cơn lũ đi qua; lắng nghe ý kiến của bà con để đề xuất mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho người dân có thu nhập ổn định lâu dài.

11-7228.jpg
Bà Trần Hoài Thu luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến của Nhân dân.

Bà Thu bảo, ngay sau trận lũ hơn 2 tháng, đến ngày 16/11, toàn bộ đường điện 5 km dọc Làng Nủ đã được thắp sáng. Đây là công trình bà cùng Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn lấy ý kiến Nhân dân và kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ, trích quỹ thôn 70 triệu đồng và bà con đóng góp ngày công để làm, với mong muốn mang ánh sáng về Làng Nủ. Trước đó, ngày 15/11, khu tái định cư Làng Nủ được Công ty Điện lực Lào Cai đóng điện sáng bừng.

Bà Thu trăn trở vì hiện nay 60 hộ khu xóm ngoài vẫn phải tự kéo đường dây diện về dùng, bà con đều mong muốn được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ để có đường điện an toàn phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Bà luôn tin rằng những đường điện thắp sáng ấy sẽ xua đi những đau thương, xua đi màn đêm tăm tối, để Làng Nủ mới mỗi ngày tươi đẹp hơn.

Trong câu chuyện với chúng tôi, bà Thu bảo, để xây dựng Làng Nủ trở thành ngôi làng hạnh phúc không phải là chuyện ngày một, ngày hai, mà là cả một chặng đường dài, cần sự nỗ lực của cả cộng đồng và sự chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành. “Sau mưa lũ, bà con trong thôn còn nhiều khó khăn lắm, vẫn còn những gia đình chưa tìm được người thân, những hộ dân không còn một mảnh ruộng. Mình làm được việc gì giúp bà con thì phải cố gắng hết sức”, bà Thu bộc bạch.

15.png

Nội dung: Tuấn Ngọc - Quỳnh Trang
Trình bày: Khánh Ly

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân đến Thủ đô Tokyo, bắt đầu thăm chính thức Nhật Bản

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân đến Thủ đô Tokyo, bắt đầu thăm chính thức Nhật Bản

19 giờ 15 phút chiều tối nay 3/12 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến Sân bay Haneda, bắt đầu thăm chính thức Nhật Bản theo lời mời của Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Sekiguchi Masakazu từ ngày 3 đến 7/12.

Bảo Thắng công bố Quyết định công nhận đô thị Phố Lu đạt tiêu chí đô thị loại IV

Bảo Thắng công bố Quyết định công nhận đô thị Phố Lu đạt tiêu chí đô thị loại IV

Chiều 3/12, huyện Bảo Thắng tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận đô thị Phố Lu đạt tiêu chí đô thị loại IV. Dự buổi lễ có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thông qua nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025

Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI thông qua nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025

Sau 1 ngày làm việc, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Hội nghị lần thứ 20, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã hoàn thành các nội dung đề ra.

Sự ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam

Sự ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam

Nhằm tuyên truyền sâu rộng về lịch sử vẻ vang 80 năm xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thành tựu to lớn của 35 năm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, Báo Lào Cai mở chuyên mục "Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)".

Người dân Nậm Tông bốc thăm vị trí nhà, sẵn sàng về nơi ở mới

Người dân Nậm Tông bốc thăm vị trí nhà, sẵn sàng về nơi ở mới

Chiều 2/12, Ban Quản lý dự án và Đầu tư xây dựng huyện Bắc Hà phối hợp với Thường trực Đảng ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Nậm Lúc và thôn Nậm Tông tổ chức cho 15 hộ dân tại thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc (huyện Bắc Hà) bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu bão số 3 (Yagi) bốc thăm vị trí nhà tại Khu tái định cư.

Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ký văn bản 133/KH-BCĐ389 ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV: Nhiều quyết sách mang tính lịch sử trước kỷ nguyên mới

Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV: Nhiều quyết sách mang tính lịch sử trước kỷ nguyên mới

Nhân dịp Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV vừa thành công rất tốt đẹp với nhiều quyết sách mang tính lịch sử trước kỷ nguyên mới, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có bài viết đánh giá về những kết quả nổi bật của Kỳ họp. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

fbytzltw