Tham gia ý kiến tại hội trường, Đại biểu Hà Đức Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai bày tỏ đồng tình cao với việc đề xuất Quốc hội ban hành chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và cũng thống nhất về tính cần thiết mà Chính phủ đã trình. Việc đầu tư dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, dự án thành công sẽ mang lại hiệu quả, tạo bứt phá rất lớn về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Tuy nhiên, việc triển khai dự án là nhiệm vụ phức tạp, với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Để thực hiện thành công dự án, đại biểu Hà Đức Minh nêu 3 vấn đề cũng như giải pháp thực hiện.
Thứ nhất, về nguồn vốn đầu tư: Dự án yêu cầu khoản đầu tư rất lớn, lớn nhất từ trước đến nay (dự kiến hơn 67 tỷ USD). Theo phân tích tại tờ trình của Chính phủ thì hiện nay, đất nước đang có dư địa rất tốt về khả năng huy động vốn và an toàn về nợ công; có nhiều lựa chọn vay nợ để đầu tư cho dự án nhưng theo đại biểu, trước hết cần huy động tối đa nguồn lực trong Nhân dân. Để làm được điều này, trước hết cần nâng cao nhận thức, tạo dựng niềm tin vững chắc của người dân về tầm quan trọng và lợi ích to lớn mà tuyến đường sắt mang lại, từ đó Chính phủ có phương án cụ thể về thu hút nguồn vốn trong Nhân dân, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn, đảm bảo an toàn để khuyến khích người dân tham gia. Như vậy, không chỉ phát huy được sức mạnh của Nhân dân trong việc huy động nguồn lực tài chính, mà còn khơi dậy lòng tự hào, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của mỗi người dân đối với sự phát triển bền vững của đất nước.
Thứ hai, về cơ chế: Như phát biểu kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, dự án đường sắt tốc độ cao là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Chính vì vậy, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị cần quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sớm hơn, nếu được vào năm 2030 thì sẽ có ý nghĩa, dấu mốc quan trọng khi Đảng ta tròn 100 năm thành lập; không những thế còn tiết kiệm hàng chục tỷ USD, tránh được tình trạng đội vốn gây thất thoát, lãng phí nguồn lực đầu tư. Để thực hiện điều này, theo đại biểu, cần có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm cắt giảm, rút ngắn thời gian triển khai. Một trong những cơ chế quan trọng đó là chỉ định thầu, có thể lựa chọn các tập đoàn, doanh nghiệp tầm cỡ trong nước có kinh nghiệm và năng lực để giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, các tiêu chí chỉ định thầu phải thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt nhà thầu phải chứng minh được năng lực, đảm bảo tốt hơn, rẻ hơn và nhanh hơn. Khi làm được điều này, không những có thể yên tâm về tiến độ, chất lượng dự án, mà còn gây dựng được các tập đoàn lớn mạnh, ngang tầm thế giới, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định chính trị của đất nước.
Thứ ba, về mặt kỹ thuật: Việc xây dựng và vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao đòi hỏi công nghệ tiên tiến và đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Do đó, cần có những chuyên gia am hiểu về công nghệ đường sắt hiện đại, đồng thời có kế hoạch đào tạo nhân lực để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình vận hành. Mặt khác, một vấn đề rất quan trọng là việc làm chủ công nghệ trong dự án này. Nếu chỉ đầu tư vào một tuyến đường sắt lớn mà không đảm bảo được khả năng tự chủ công nghệ, khi dự án đi vào vận hành, sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài cho việc bảo trì, sửa chữa và thay thế thiết bị. Do đó, cần chủ động trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, nhằm xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại, tự chủ và bền vững, bởi chỉ khi làm chủ được công nghệ, mới có thể thực sự phát huy được tiềm năng của dự án, khẳng định vị thế và sức mạnh tự chủ của đất nước trên trường quốc tế.
Đại biểu Hà Đức Minh nhấn mạnh: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không chỉ là công trình hạ tầng chiến lược quan trọng, mà còn là biểu tượng cho sự tiến bộ và khát vọng phát triển của đất nước. Với ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng đặc biệt của dự án, đại biểu đề nghị Tổng Bí thư hoặc Thủ tướng Chính phủ là Trưởng Ban Chỉ đạo thì hoàn toàn có thể phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2030 (giống như đường dây 500 KV mạch 3 từ Quảng Trạch - Quảng Bình đến Phố Nối - Hưng Yên vừa qua đã hoàn thành thần tốc chỉ trong 6 tháng thi công). Đây sẽ là công trình chào mừng Đảng ta tròn 100 năm thành lập, đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đánh dấu một mốc son lịch sử, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc hiện đại hóa hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân.