Để thúc đẩy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, tỉnh đã triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn như VietGAP, hữu cơ…
Đến nay, diện tích sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn trên địa bàn tỉnh đạt 6.510 ha, gồm: 932 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP (chè, chuối, dứa, quýt, rau, quả su su), 210 ha dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO và 5.368 ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ (4.123 ha quế, 1.142 ha chè, còn lại là măng, nấm, hồng không hạt).
Theo ông Ngô Quyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hằng năm, ngành nông nghiệp tăng cường tuyên truyền về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho người sử dụng thông qua các lớp tập huấn phòng, trừ sâu, bệnh, quản lý vùng trồng… Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh, những năm gần đây, nhu cầu của người tiêu dùng về nông sản an toàn ngày càng tăng, do đó nông dân cũng quan tâm hơn đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp.
Xã Nậm Lúc (huyện Bắc Hà) hiện có hơn 1.900 ha quế, trong đó có 533 ha quế được cấp chứng chỉ hữu cơ. Sản phẩm quế hữu cơ được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao, ổn định.
Ông Quan Văn Hành (thôn Nậm Lúc Thượng) cho biết: Chúng tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn biện pháp thủ công phòng, chống sâu bệnh gây hại trên cây quế như phát dọn rừng quế để tạo độ thông thoáng, dùng bẫy đèn bẫy bướm, xới đất xung quanh gốc cây để diệt nhộng, ấu trùng trong đất. Nếu sâu bệnh gây hại nặng thì phun chế phẩm sinh học hoặc hoạt chất sinh học, tuyệt đối không phun thuốc hóa học. Nhờ áp dụng các biện pháp trên, sản phẩm quế được kiểm nghiệm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, xuất khẩu được giá cao và chúng tôi được công ty trả thưởng sau mỗi đơn hàng xuất khẩu.
Ông Đặng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lúc cho biết: Trồng quế hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, giúp tăng 20% - 30% giá trị cây quế so với sản xuất thông thường, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Với ưu điểm hầu như không để lại dư lượng độc hại trong nông sản, an toàn với con người, môi trường và hệ sinh thái, thời gian cách ly ngắn… việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa và các kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2030 hơn 30% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trong sản xuất; phấn đấu đến năm 2050 trở thành tỉnh dẫn đầu miền núi phía Bắc về tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học; tăng cường hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã thu gom triệt để vỏ, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xử lý tiêu hủy theo quy định.
Tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; tổ chức đào tạo, tập huấn, hướng dẫn người dân kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và khuyến khích nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng, đặc biệt tại vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất hữu cơ...
Các địa phương cần xây dựng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả tại vùng sản xuất cây trồng hàng hóa, chủ lực, tiềm năng; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; kêu gọi đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc hỗ trợ xây dựng các cơ sở sản xuất thuốc sinh học trên địa bàn. Bên cạnh đó, triển khai, nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiệu quả trên các loại cây trồng chủ lực, tiềm năng tại địa phương...