
Trước thực trạng này, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh chủ động đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Một trong những điểm sáng trong công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông tại Bình Dương là việc vận động người dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin qua Zalo OA. Từ ngày 26/4/2024 đến ngày 7/2/2025, Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận 1.013 thông tin, hình ảnh, video phản ánh vi phạm và xử lý 545 trường hợp.
Theo Thượng tá Trần Phương Toàn, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bình Dương, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền nhằm phù hợp với từng nhóm đối tượng; kịp thời phổ biến các quy định mới của pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Ba phương pháp chính được áp dụng gồm: Tuyên truyền trực tiếp, kết hợp trình chiếu video, trưng bày pano, hình ảnh minh họa, phát tờ rơi, đề can, mô phỏng trực quan các tình huống giao thông giúp người dân dễ tiếp thu.
Tuyên truyền cá biệt hướng đến các đối tượng vi phạm, người dân trực tiếp liên hệ giải quyết thủ tục hành chính, chủ doanh nghiệp, bến bãi, nhà hàng... Lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức ký cam kết chấp hành quy định pháp luật, đồng thời dán đề can, khẩu hiệu nhắc nhở về nồng độ cồn tại các địa điểm kinh doanh ăn uống. Tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, phối hợp với các cơ quan báo chí, đài truyền hình để thực hiện phóng sự, bản tin; đồng thời, tận dụng các nền tảng như Zalo, Facebook để lan tỏa thông tin nhanh chóng, hiệu quả.
Trong số các phương thức trên, tuyên truyền qua mạng xã hội được đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất, đặc biệt đối với giới trẻ và người lao động. Hình thức này giúp thông tin được truyền tải rộng rãi, dễ tiếp cận và có thể chia sẻ nhanh chóng trong cộng đồng.
Zalo là ứng dụng phổ biến, giúp người dân nhanh chóng phản ánh các vi phạm giao thông một cách dễ dàng. Hình ảnh, video được gửi ngay lập tức đến cơ quan chức năng, hỗ trợ xử lý nhanh chóng, giảm ùn tắc và tai nạn. Người dân tham gia giám sát giúp tạo thành mạng lưới phản ánh vi phạm rộng khắp, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng.
Dù mang lại hiệu quả cao, hình thức này cũng gặp một số khó khăn như: Chất lượng thông tin chưa đồng đều, một số hình ảnh, video phản ánh chưa rõ ràng, thiếu dữ liệu quan trọng như thời gian, địa điểm; thiếu chủ động từ người dân, dù số lượng người tham gia phản ánh vi phạm đã tăng nhưng vẫn còn một bộ phận chưa quen với việc báo cáo; một số người e ngại cung cấp thông tin do lo sợ bị lộ danh tính hoặc gặp rắc rối.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền và xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông Bình Dương đặt ra một số giải pháp trọng tâm, như: Tăng cường công tác tuyên truyền, mở rộng các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội, phát triển nội dung video hướng dẫn sử dụng, nâng cao nhận thức về trách nhiệm giám sát giao thông của người dân; xây dựng cơ chế bảo mật thông tin cho người cung cấp dữ liệu, đảm bảo danh tính được bảo vệ tuyệt đối; đẩy mạnh lắp đặt camera giao thông tại các khu vực trọng điểm để hỗ trợ xử lý vi phạm; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, duy trì tuần tra kiểm soát, đặc biệt với các lỗi nguy hiểm như vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia khi lái xe.