Có một "chợ tình" chưa nhiều người biết

Lâu nay, nhiều người thường chỉ nhắc đến 2 phiên “chợ tình” là chợ tình Sa Pa (Lào Cai) và chợ tình Khau Vai (Mèo Vạc - Hà Giang). Song, ở miền Bắc hiện nay, còn một phiên chợ tình nữa chưa nhiều người biết, mỗi năm chỉ có một lần, tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng.

Chợ tình ở vựa vải thiều

Đó là chợ tình Thác Lười ở xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang). Hôm nay 21/2, tức ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Thìn, Chợ tình Thác Lười bắt đầu khai hội, diễn ra 3 ngày. Đây là phiên chợ giao duyên của những người Nùng, Tày...

Chợ tình Tân Sơn - Thác Lười.

Chợ tình Thác Lười (còn gọi chợ tình Tân Sơn) nằm cách Hà Nội khoảng 140km, cách TP Bắc Giang khoảng 80km và cách thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn - Bắc Giang) khoảng 30km. Đây là một trong vùng quê của vải thiều và mận.

Để đến phiên chợ tình này, từ Hà Nội chủ yếu di chuyển theo Quốc lộ 1A lên thị trấn Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) thì rẽ theo Quốc lộ 279 (nếu đi ô tô). Hoặc đến TP Bắc Giang rồi đi theo Quốc lộ 31 lên thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn) nếu đi bằng xe máy.

Khai mạc hội thi hát từ chiều 20/2.

Chiều 20/2, tức ngày 11 tháng Giêng, chợ tình Thác Lười đã bắt đầu khai hội. Từ tối qua, hàng ngàn người dân ở khắp 7-8 xã thuộc phía Bắc huyện Lục Ngạn như: Tân Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Sa Lý, Phong Minh, Phong Vân và các xã ở huyện Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn) như Quan Sơn, Hữu Kiên… đã kéo về. Tuy nhiên, hội chính là ngày 12 tháng Giêng.

Người Nùng, người Tày ở huyện Lục Ngạn đổ về phiên chợ tình Thác Lười đầu xuân.

Những người già cũng háo hức đi "trẩy" chợ (mỗi năm chỉ có 1 phiên chợ tình).

Hồi xưa, gọi là “chợ tình” vì người ta đến đây không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn để hẹn hò, tìm bạn. “Đặc sản” của chợ tình Thác Lười là hát sloong hao (có nhiều kiểu hát, như hát ngoài chợ, hát tại gia đình). Các đôi nam nữ gặp nhau, hát đối đáp để tìm người yêu. Những người đã có gia đình cũng có thể hát khi gặp lại người yêu cũ, để hỏi thăm về cuộc sống, gia đình, động viên nhau hoặc để bày tỏ nỗi niềm tiếc nuối.

Hội thi hát sloong hao tại trung tâm xã Tân Sơn tối 20/2, hàng nghìn người đổ về xem.

Hiện nay, cứ mỗi năm đến phiên chợ, hội hát hoặc hội thi hát lại được chính quyền địa phương tổ chức ở ngay trung tâm UBND xã Tân Sơn. Tuy nhiên, nội dung và bản sắc đã có phần pha tạp, biến hóa so với trước - giống như nhiều lễ hội khác đang diễn ra ở miền Bắc. Ngoài các điệu sli, điệu lượn… thì nam thanh nữ tú còn hát cả nhạc sống, nhạc trẻ, các làn điệu dân ca khác… Ngoài phần “hội” cũng có “chợ” (mua bán và ăn uống).

Từ chiều 20/2, người dân ở các xã đã đổ về chợ tình Thác Lười để mua bán, vui chơi, ăn uống (món phổ biến là heo quay).

Chính quyền địa phương vận động tổ chức các gian hàng mang nét "chợ quê" để tạo nét đẹp truyền thống tại chợ tình Tân Sơn - Thác Lười.

Món đặc sản được mang nhiều đến chợ tình để bán.

Gà trống Tân Sơn bán ở chợ tình.

Việc này, đối với người dân bản địa, có thể tạo không khí vui tươi, sôi động đầu xuân, nhưng với du khách ở phương xa đến thì cũng không có nhiều điều mới mẻ. Nét lạ có lẽ chỉ còn là những bộ trang phục giàu bản sắc của người Tày, Nùng và những giai điệu sloong hao còn lưu lại.

Về cơ bản, chợ tình Tân Sơn - Thác Lười vẫn còn giữ được những nét khác biệt, chưa bị thương mại hóa quá nhiều và còn ít người biết tới.

Độc đáo bản cổ mang tên Bắc Hoa

Tuy nhiên, vẫn có một sự thú vị khi đến trải nghiệm phiên chợ tình ở Tân Sơn. Đó là vào tham quan bản làng cổ với cái tên rất đẹp và ấn tượng: Bắc Hoa, nằm cách trung tâm xã (chợ tình) khoảng 2 km.

Bản Bắc Hoa ở xã Tân Sơn.

Bản Bắc Hoa là nơi sinh sống của 165 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Nùng. Nét độc đáo của bản này ở chỗ, hiện còn rất nhiều ngôi nhà cổ làm bằng đất (trình tường). Thời gian trôi đi nhưng nhiều ngôi nhà ở đây vẫn không bị hiện đại hóa - bê tông hóa, tạo thành quần thể khá nguyên bản (tường đất đỏ, mái lợp ngói hình vảy cá phủ rêu đen) mà nhiều nơi khác không giữ được.

Mái ngói rêu xanh đen ở Bắc Hoa.

Trong đó, có 17 ngôi nhà bằng đất nằm liền một khu giữa bản, trở thành điểm nhấn thu hút rất nhiều khách phương xa đến. Giữa các ngôi nhà hầu như không rào chắn kiểu “quây kín” mà chỉ ngăn cách bằng bờ đá, xếp chồng lên nhau hoặc rào bằng tre, nứa…

Những ngôi nhà cổ trình tường nằm cùng một khu tạo thành quần thể đẹp.

Theo ông Vi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, bản cổ Bắc Hoa sở dĩ còn giữ được nét nguyên bản là vì nằm ở chân núi, tiếp giáp với tỉnh Lạng Sơn nên có ít người biết đến. Cách đây gần 10 năm, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đến thăm, nhận ra lợi thế du lịch của bản làng này, đã chỉ đạo chính quyền địa phương vận động nhân dân gìn giữ nét đẹp kiến trúc và nét văn hóa độc đáo của mình.

Từ đó đến nay, UBND huyện Lục Ngạn đã định hướng bảo tồn nét đẹp của bản Bắc Hoa, giao Phòng VH-TT huyện Lục Ngạn xây dựng quy hoạch phát triển du lịch tại bản Bắc Hoa, để trình UBND tỉnh Bắc Giang. Đường giao thông đã được mở mang đến bản.

Đường vào bản cổ Bắc Hoa.

Trong 2 phiên chợ tình Thác Lười gần đây, UBND huyện Lục Ngạn đã định hướng tổ chức hội thi hát sloong hao, hát giao duyên sloong hao ngay tại bản Bắc Hoa, vì nơi này cảnh quan độc đáo và cuốn hút.

Bản Bắc Hoa đang vào mùa hoa cải cúc.

Trao đổi với PV Báo SGGP, anh Hoàng Thao, một người dân ở bản Bắc Hoa cho biết, bản làng của anh còn có nét độc đáo nữa là xung quanh có cánh đồng hoa khá lớn. Mùa này đang là mùa hoa cải cúc, tiếp đến sẽ có hoa hướng dương. Trên nương đồi thì bạt ngàn hoa mận trắng. Thanh niên các xã lân cận thường tranh thủ cuối tuần rảnh rỗi đến Bắc Hoa để chụp ảnh.

Bên trên đồi là bạt ngàn hoa mận trắng.

Khách du lịch đến thăm bản Bắc Hoa.

Theo Sài Gòn giải phóng

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai - Lai Châu - Hà Giang

Sáng 16/11, tại xã Y Tý, huyện Bát Xát đã diễn ra Hội thảo xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai; sản phẩm "Kết nối con đường di sản" từ Sin Suối Hồ (Lai Châu) qua đường đá cổ Pavie - Bát Xát - Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang) và “Nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe gắn với cây thảo dược và nông nghiệp" tại xã Y Tý.

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

[Ảnh] Khu rừng cổ tích trên cung đường đá cổ Pavie

Ngày 15/11, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh: Hà Giang, Lai Châu; UBND các huyện: Phong Thổ (Lai Châu), Bát Xát, Bắc Hà (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang); Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lai Châu và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tổ chức khảo sát đường đá cổ Pavie xuất phát từ Sin Suối Hồ (Phong Thổ - Lai Châu) sang xã Sàng Ma Sáo (Bát Xát - Lào Cai).

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Sa Pa - Xứ sương mù tỉnh giấc

Khi những dấu chân khai mở của Sun Group tìm đến thị trấn trong sương, đỉnh Fansipan đã trở thành “điểm đến đời người”, Sa Pa lặng lẽ ngày nào giờ như sống lại một thời từng là thị trấn nghỉ dưỡng của người Pháp.

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Lào Cai giới thiệu sản phẩm du lịch tại Hội chợ Du lịch Tây Bắc – Điện Biên năm 2024

Hội chợ Du lịch Tây Bắc - Điện Biên năm 2024 với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận” được tổ chức từ ngày 14 - 17/11, tại Quảng trường 7/5 thành phố Điện Biên Phủ. Gian hàng giới thiệu sản phẩm du lịch của tỉnh Lào Cai đã thu hút người dân và du khách.

[Infographic] Có gì tại Festival mùa đông Bắc Hà năm 2024?

[Infographic] Có gì tại Festival mùa đông Bắc Hà năm 2024?

Nhằm tạo sản phẩm du lịch đặc sắc, đồng thời bảo tồn, tôn vinh, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc tại Bắc Hà nói riêng và trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, từ ngày 15/11 - 7/12, huyện Bắc Hà tổ chức Festival mùa đông năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao hấp dẫn.

fbytzltw