Kỷ lục về lượng khách Việt Nam đến Nhật Bản
Năm 2024 tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ của thị trường du lịch Việt Nam–Nhật Bản. Theo số liệu mới công bố từ Cơ quan Xúc tiến (JNTO) tại Việt Nam, tổng số lượt khách Việt Nam đến Nhật Bản đã đạt 621.173 người, tăng 108,2% so với năm 2023.
Đây là năm thứ hai liên tiếp lượng khách Việt sang Nhật đạt mức cao nhất trong lịch sử, phản ánh đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và mối quan tâm ngày càng sâu sắc của người Việt đối với xứ sở hoa anh đào.
Việt Nam hiện đang đứng thứ 10 trong số các thị trường gửi khách du lịch nhiều nhất đến Nhật Bản và thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á, sau Thái Lan, Philippines và Singapore.

Trong năm 2024, ngoại trừ tháng 1, thời điểm trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tất cả các tháng còn lại đều ghi nhận lượng khách cao nhất từ trước đến nay so với cùng kỳ. Điều này cho thấy nhu cầu du lịch Nhật Bản đang lan tỏa mạnh mẽ, vượt qua tính thời vụ thông thường.
Sự phổ biến của các chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến các thành phố lớn của Nhật Bản như Tokyo, Osaka, Fukuoka, Nagoya...đã góp phần tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian di chuyển và thúc đẩy làn sóng du lịch tự túc ngày càng gia tăng.
Không chỉ dừng ở số lượng, chất lượng của các chuyến đi cũng được nâng cao khi người Việt bắt đầu khám phá sâu hơn vào các địa phương, trải nghiệm nhiều hơn với văn hóa bản địa và ẩm thực truyền thống Nhật.
Xu hướng nổi bật khi tới Nhật Bản của du khách Việt
Theo thống kê từ các công ty du lịch và dữ liệu ngành, du khách Việt Nam đến Nhật Bản không chỉ gia tăng về số lượng mà còn có sự thay đổi rõ rệt về xu hướng du lịch.
Mùa hoa anh đào (tháng 3/4) và mùa lá đỏ (tháng 10/11) vẫn là cao điểm truyền thống, thu hút đông đảo khách đến các thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Kyoto...Tuy nhiên, bên cạnh các đô thị trung tâm, nhiều địa phương có cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, văn hóa đặc trưng cũng đang nổi lên như điểm đến được yêu thích.

Các tỉnh, thành như Hokkaido, Gifu (Takayama, Shirakawa-go) và Nagano (Matsumoto, Kamikochi) ghi nhận sự gia tăng về lượng khách nhờ sở hữu phong cảnh núi, tuyết phủ và không khí trong lành. Khu vực quanh núi Phú Sĩ cũng là điểm dừng chân đặc biệt hút khách, không chỉ nhờ cảnh quan biểu tượng mà còn bởi những trải nghiệm "rất Nhật" như ngắm tuyết, tắm suối nước nóng (onsen), trải nghiệm làng cổ và văn hóa bản địa.
Các xu hướng mới cũng đang định hình:
Du lịch theo nhóm gia đình: chiếm tỷ trọng lớn, nhu cầu cao với dịch vụ tiện ích, thân thiện trẻ em.
Đặt chỗ trực tuyến và thanh toán không tiền mặt: trở thành yếu tố then chốt khi lựa chọn dịch vụ.
Bay thẳng đến địa phương: mở rộng điểm đến ngoài các đô thị truyền thống.
Trong bối cảnh hậu đại dịch và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch quốc tế, Nhật Bản đang nỗ lực thúc đẩy các chiến lược xoay quanh từ khóa: du lịch bền vững, mở rộng chi tiêu, xúc tiến thu hút khách đến địa phương.
Với sự quan tâm ngày càng sâu rộng từ du khách Việt, đây có thể là cơ hội để hai nước tăng cường hợp tác không chỉ về giao lưu văn hóa mà còn trong lĩnh vực đầu tư, phát triển dịch vụ và địa phương hóa trải nghiệm du lịch.