LCĐT - Bước sang tuổi 64, lão nông Đỗ Công Đĩnh ở thôn Chính Tiến, xã Gia Phú (Bảo Thắng) vẫn chưa thôi “vác tù và hàng tổng” dù đã 2/3 tuổi đời gắn với công việc dân bầu.
Ông Đĩnh chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình. |
Ông Đỗ Công Đĩnh giữ chức Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp thôn Chính Tiến được 12 năm, đến năm 1997, khi hợp tác xã giải thể, ông tiếp tục được người dân trong thôn tín nhiệm bầu làm trưởng thôn cho đến nay.
Ông Tạ Văn Phúc, người dân thôn Chính Tiến cho biết: Chúng tôi quý mến ông Đĩnh bởi làm việc gì cũng đều lo nghĩ cho dân, sâu sát cơ sở, biết lắng nghe ý kiến của người dân. Những điều thuộc về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước mà dân chưa hiểu, ông chịu khó giải thích, tuyên truyền, vận động, giúp bà con nắm đúng tinh thần, từ đó thực hiện…
Đi trên tuyến đường vào thôn được đổ bê tông phong quang, sạch đẹp, 2 bên đường rực rỡ sắc hoa, chúng tôi hiểu rằng để có hạ tầng như hiện nay, phần lớn là từ nguồn xã hội hóa. Con số đóng góp hơn 2 tỷ đồng của người dân trong một thôn là minh chứng rõ nhất về tài “dân vận” của người trưởng thôn mẫn cán. Có được những kết quả đó là nhờ kinh nghiệm gần 40 năm làm công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Ông Đĩnh luôn tâm niệm thực hiện lời dạy của Bác Hồ “cán bộ phải gần dân, hiểu dân và sâu sát cơ sở”, có như vậy mới được dân tin, dân nghe và làm theo.
Kể về những ngày đầu xây dựng nông thôn mới của thôn, ông Đĩnh không quên những gian nan, vất vả. Ông tâm sự: Trước đây, đời sống kinh tế của các hộ trong thôn rất khó khăn nên vận động bà con đóng góp tiền xây dựng nông thôn mới gặp nhiều trở ngại. Năm 2010, thôn Chính Tiến có 98% hộ sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp, hộ nghèo chiếm gần 50%. Với vai trò trưởng thôn, tôi luôn đau đáu làm thế nào để giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhận thấy lợi thế về đất đai, nguồn lao động tại chỗ dồi dào nhưng chưa khai thác hết, ông Đĩnh đã chịu khó đọc báo, nghe đài, đi thực tế ở các địa phương khác để tìm hướng phát triển kinh tế cho thôn. Sau khi nghiên cứu kỹ, nhận thấy phát triển chăn nuôi gà thả đồi là hướng đi phù hợp với điều kiện của thôn, ông bàn với Ban phát triển thôn, các chi hội, đoàn thể, sau đó đề xuất với chính quyền xã mở lớp dạy nghề chăn nuôi ngay tại thôn, đồng thời tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó đến nay, chăn nuôi đã trở thành hướng phát triển kinh tế mũi nhọn để xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Ông Đĩnh giúp nhiều hộ dân trong thôn phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. |
Hiện thôn có 12 hộ chăn nuôi quy mô trang trại, 80 hộ chăn nuôi quy mô gia trại, các hộ khác phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nhờ đó thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng, tăng 20 triệu đồng so với năm 2016. Hiện thôn chỉ còn 1 hộ nghèo do bất khả kháng.
Khi đời sống kinh tế khá giả, việc vận động người dân đóng góp tiền, ngày công xây dựng nông thôn mới thuận lợi hơn. Từ năm 2016 đến nay, ông Đĩnh và Ban phát triển thôn đã vận động người dân trong thôn hiến hơn 20.000 m2 đất, đóng góp hơn 2 tỷ đồng mở mới đường giao thông, đổ bê tông đường, làm đường điện chiếu sáng, đường hoa và các công trình công cộng khác. Trong đó, gia đình ông Đĩnh tiên phong hiến hơn 1.000 m2 đất vườn, đồi đang trồng cây ăn quả để mở rộng đường trục thôn, thể hiện rõ tinh thần nêu gương “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Ngoài thực hiện tốt vai trò của trưởng thôn, ông còn là tấm gương về lao động, sản xuất. Ông Đĩnh cho hay: Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ cận nghèo. Để thoát nghèo, ông đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất. Hiện nay, gia đình ông có gần 3 ha rừng quế; 0,7 ha cây ăn quả và trang trại chăn nuôi gà duy trì hơn 2.000 con/lứa. Nhờ tích cực học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên mỗi năm, mô hình kinh tế của gia đình ông có nguồn thu hơn 100 triệu đồng.
Ông Đĩnh cho biết, làm công tác xã hội phải biết hy sinh nhiều thứ, nhất là thời gian, nhiều khi việc gia đình phải bỏ để lo việc thôn trước. Thi thoảng vợ con cũng phàn nàn nhưng cuối cùng đều thông cảm. Có sự hậu thuẫn lớn từ gia đình nên gần 25 năm qua, ông luôn hoàn thành tốt công việc được giao. Những năm gần đây, vì tuổi cao, ông Đĩnh xin thôi giữ chức trưởng thôn, nhường cho lớp trẻ nhưng bà con trong thôn vẫn thống nhất bầu ông.
Những tấm bằng khen, giấy khen treo trang trọng trong nhà với các danh hiệu như: Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền; trưởng thôn tiêu biểu; cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… là sự vinh danh xứng đáng cho cống hiến của ông Đỗ Công Đĩnh đối với cộng đồng.