LCĐT - Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống một số loại cây trồng nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng, đáp ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Việc chuyển đổi nhằm khai thác được những lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tạo thuận lợi để phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Gia đình nhà chị Vàng Thị Phương, thôn Chợ Chậu, xã Lùng Vai (Mường Khương) có gần 1 ha chè. Tuy nhiên, diện tích chè nhà chị Phương không tập trung mà chia thành 3 khoảnh khác nhau, trong đó 3.000m2 chè trung du, 3.000m2 chè shan trồng cách đây khoảng 40 năm, hơn 3.000m2 chè shan trồng được 10 năm. Theo đánh giá của chị Phương, chè trung du có rất nhiều búp nhưng lá mỏng hơn, búp nhỏ; chè shan tuy búp thưa hơn nhưng to, lá dày, năng suất cao hơn. Nếu so sánh cùng loại chè shan thì diện tích chè trồng cách đây 10 năm năng suất cao hơn hẳn so với chè được trồng cách đây 40 năm. Chị Phương lý giải: Chè lâu năm đang cỗi dần, nhiều cây bị chết dẫn tới mất khoảnh. Trước đây, do kỹ thuật tạo tán không tốt nên nhiều diện tích chè cũ tán khá cao. Chè được trồng cách đây khoảng 10 năm thì chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, cây chè thấp, tán rộng, năng suất cao hơn hẳn. Với diện tích chè già cỗi, gia đình dự định thay thế dần, trồng chè mới để tăng năng suất.
Chè là một trong những cây trồng chủ lực có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng trong những năm tới. Dự kiến đến năm 2025, người dân trong tỉnh sẽ trồng mới 1.924ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 8.420ha. Trồng dặm, bổ sung mật độ chè khoảng 1.200ha, sử dụng tập trung vào giống chè shan chọn lọc, chè chất lượng cao, cải tạo vùng chè mất khoảnh (hơn 30%), giống cũ, năng suất thấp. Về cơ cấu giống, Lào Cai sẽ tập trung vào giống chè shan và chè chất lượng cao như bát tiên, kim tuyên, phấn đấu đến năm 2025, chè shan chiếm khoảng 72%, chè chất lượng cao chiếm gần 19%, chè lai và chè trung du chiếm 9% diện tích.
Chuối hàng hóa tại Lào Cai là giống cấy mô, phục vụ xuất khẩu. |
Còn đối với nhóm cây ăn quả, cây chuối và dứa là 2 nhóm hàng chủ lực có phương án chuyển đổi giống cây trồng. Đối với cây chuối, do hiện chưa có giống kháng bệnh Panama nên giống chuối chính tại Lào Cai đang là chuối tiêu xanh, nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Ngành nông nghiệp có định hướng tăng cường ứng dụng công nghệ trong sản xuất cây chuối giống, tổ chức khảo nghiệm, lựa chọn một số giống chuối có năng suất, chất lượng cao (chuối tiêu hồng, chuối tiêu lùn…) phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của các vùng sản xuất, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Đối với cây dứa, hiện nay người dân trong tỉnh chủ yếu trồng giống dứa Queen, đây là giống dứa quả nhỏ, vị ngọt. Trước đây, dứa được trồng để xuất bán sang thị trường Trung Quốc nên giống dứa này phát huy được lợi thế. Tuy nhiên, hiện nay vùng dứa của Lào Cai đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến. Nếu sử dụng giống dứa Queen thì năng suất không cao, nên ngành nông nghiệp có phương án chuyển đổi sang các giống dứa mới là MD2, H180… Dự kiến đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ chuyển đổi, cải tạo khoảng 500 ha dứa giống mới. Giống dứa mới có ưu thế phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, quả to, năng suất cao và phù hợp với công nghiệp chế biến.
Bên cạnh các nhóm mặt hàng chủ lực, các loại cây trồng như dược liệu, cây ăn quả ôn đới, cây dâu tằm… cũng được ngành nông nghiệp xây dựng phương án chuyển đổi dần cơ cấu giống để phù hợp với nhu cầu của thị trường cũng như đáp ứng yêu cầu chế biến, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và trình độ thâm canh của mỗi địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, quá trình sản xuất đã chỉ rõ được những ưu, nhược điểm của từng loại giống, từ đó chuyển đổi dần, khắc phục được những mặt hạn chế, khai thác tối đa thế mạnh để cây trồng đạt năng suất, chất lượng cao và đáp ứng được nhu cầu của công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu giống cần thời gian dài, cần có sự phối hợp tích cực từ các cơ quan chuyên môn và sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, quản lý để phát huy được thế mạnh của các cây trồng chủ lực của tỉnh. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư hỗ trợ nông dân, hướng dẫn sản xuất, hợp đồng thu mua, bao tiêu sản phẩm, thúc đẩy phát triển hàng hóa.