Thắng lợi của cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân đã giáng đòn bất ngờ vào lực lượng Mỹ - Sài Gòn, ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị lung lay, chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đứng trước nguy cơ phá sản, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Từ giữa năm 1965, sau khi bị thất bại trong “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã phải chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, đồng thời tiến hành ngày càng ác liệt cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân chống lại miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Với hơn một triệu quân bao gồm quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu, đế quốc Mỹ đã mở hai cuộc phản công chiến lược qua hai mùa khô nhằm mục tiêu chủ yếu tìm diệt quân chủ lực của ta, hòng đánh bại cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân miền Nam. Tuy nhiên, đến giữa cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai do bị thua to trong Chiến dịch Gian-xơn Xi-ty và bị thất bại trên chiến trường Trị - Thiên, Mỹ đã phải chuyển sang thực hiện chiến lược hai gọng kìm nhằm “vừa tìm diệt, vừa bình định”, để đề phòng quân Bắc Việt đánh lớn ngay trong mùa mưa năm 1967. Thực tế cho thấy sự bị động phòng ngự về chiến lược và thụt lùi về chiến lược của đế quốc Mỹ trên chiến trường miền Nam[1].

Từ tháng 4-1967, nhận rõ tình thế và thời cơ chiến lược đã xuất hiện, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã bàn chủ trương giành thắng lợi quyết định. Đến tháng 6-1967, Bộ Chính trị thông qua quyết tâm chiến lược: trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan đến mức cao nhất, giành thắng lợi quyết định “trong một thời gian tương đối ngắn”.

Chủ trương của Đảng trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968

 Bộ đội hành quân trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Ảnh tư liệu

Tháng 6-1967, Bộ Chính trị chỉ thị Trung ương Cục miền Nam: “... phải tiến công mạnh về quân sự và chính trị vào các thành phố và thị trấn, các trung tâm chính trị (...), tạo điều kiện tiến lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa... Chiến trường quyết định thứ nhất là Sài Gòn - Chợ Lớn và miền Đông Nam Bộ... Chiến trường đồng bằng Nam Bộ đông người, nhiều của có một giá trị chiến lược rất lớn, cần phải cố gắng hết sức đẩy mạnh chiến tranh du kích ở những chiến trường này. Đánh bại kế hoạch bình định của địch, giữ vững và mở rộng quyền làm chủ của ta... Công tác đô thị, đặc biệt là Sài Gòn - Chợ Lớn có một tầm chiến lược rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay...”[2].

Tháng 10-1967, Trung ương cử Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh (Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam) vào gặp Trung ương Cục miền Nam để phổ biến chủ trương tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Ngày 25-10-1967, Trung ương Cục miền Nam ra nghị quyết về Tổng công kích, tổng khởi nghĩa trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ (B2) (nghị quyết mang mật danh Nghị quyết Quang Trung)[3]. Kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1967-1968 được giao cho Quân ủy Trung ương soạn thảo từ năm 1967.

Đến cuối năm 1967, cuộc “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ đã được đẩy đến nấc thang cuối cùng, số quân viễn chinh đổ vào miền Nam Việt Nam đã lên đến nửa triệu, mọi thủ đoạn và biện pháp chiến tranh đã được sử dụng, thế nhưng đế quốc Mỹ vẫn không sao thực hiện được các mục tiêu chính trị và quân sự đã đề ra. Mặt khác, thất bại ở miền Nam Việt Nam làm cho tình hình nước Mỹ ngày càng bất ổn, phong trào phản đối chiến tranh, đòi rút quân Mỹ về nước ngày càng lan rộng trong nhân dân. Về phía ta, qua hơn hai năm đấu tranh chống chiến tranh cục bộ, quân và dân miền Nam đã phát huy mạnh mẽ chiến lược tiến công, từng bước bẻ gẫy hai gọng kìm “tìm diệt” và “bình định”, làm thất bại các mục tiêu quân sự, chính trị của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn.

Những thất bại và khó khăn của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn cùng với những thắng lợi to lớn của quân ta vừa giành được cả về quân sự lẫn chính trị, về chiến thuật lẫn chiến lược đã mở ra cho cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam những triển vọng to lớn.

Ngày 28-12-1967, Bộ Chính trị họp và đã ra một Nghị quyết lịch sử, chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ tiến lên giành thắng lợi quyết định[4], bằng cuộc “Tổng công kích, tổng khởi nghĩa”[5]. Trong dịp Tết Mậu Thân sẽ tổ chức “một đòn tiến công chiến lược đánh vào thành phố, thị xã quy mô trên toàn miền Nam, kết hợp với nổi dậy của quần chúng các đô thị và nông thôn, mở đầu cho tổng công kích, tổng khởi nghĩa, lấy chiến trường chính là Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế... và các thành phố lớn”[6].

Chủ trương Tổng công kích, tổng khởi nghĩa của Bộ Chính trị Trung ương Đảng là đưa chiến tranh về đô thị - nơi được coi là căn cứ và là hậu phương quan trọng nhất còn lại của đối phương để mở những đòn tiến công quân sự dồn dập, kết hợp với nổi dậy đồng loạt của quần chúng ngay tại địa bàn chiến lược này của chúng. Yêu cầu trước mắt của Tổng công kích, tổng khởi nghĩa là giáng cho địch những đòn tiên công quyết định, làm thay đổi cục diện chiến tranh, làm lung lay hơn nữa ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải thay đổi chiến lược, phải xuống thang chiến tranh.

Nghị quyết này của Bộ Chính trị đã được Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) họp tháng 1-1968 thông qua “và trở thành Nghị quyết của Hội nghị. Bộ Chính trị cũng thông qua phương án Tổng công kích - tổng khởi nghĩa do Bộ Tổng Tham mưu soạn thảo đã được  Quân ủy Trung ương nhất trí…”[7]. Tại Hội nghị, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn khẳng định: “... Bộ Chính trị kỳ này nghiên cứu ta có khả năng thắng..., đạt tới mục đích như Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương đã đề ra... Muốn thắng nó, làm sập nó dữ, không phải đánh thường thường như bây giờ, mà phải chuyển qua một giai đoạn mới, giai đoạn đó là chuyển qua tổng công kích, tổng khởi nghĩa”[8].

Để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam, Đảng chủ trương tấn công nghi binh, bất ngờ tiến công tập đoàn cứ điểm Khe Sanh (thuộc tỉnh Quảng Trị) và tuyến phòng thủ trên Đường 9, ngày 20-1-1968. Khe Sanh nằm không xa đường Hồ Chí Minh nên có tầm quan trọng chiến lược đối với cả quân Giải phóng lẫn quân Mỹ.

Tổng thống Mỹ Johnson lo sợ Khe Sanh có thể trở thành một “Điện Biên Phủ thứ hai” nên cho lập một sa bàn Khe Sanh ngay tại Nhà Trắng để thường xuyên theo dõi tình hình chiến sự tại đó, đồng thời ra lệnh cho Hội đồng các tham mưu trưởng liên quân Mỹ và Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam phải cam kết bảo vệ Khe Sanh bằng mọi giá: “Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh - hướng phối hợp đặc biệt quan trọng diễn ra trước Tết Mậu Thân 10 ngày đã dội về nước Mỹ như một tiếng sét kinh hoàng, làm cho Tổng thống L.Giônxơn và các nhà chiến lược Mỹ kinh ngạc. Họ nhận định Khe Sanh có thể là chiến trường chính. Tổng thống L.Giônxơn liền chỉ thị cho tướng Taylo thành lập Phòng tình hình đặc biệt tại Nhà Trắng để theo dõi chiến sự Khe Sanh và chỉ đạo cho tướng Oétmolen hành động, đồng thời yêu cầu Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân phải “ký tên bằng máu” cam kết bảo vệ Khe Sanh bằng bất cứ giá nào”[9].

Bộ đội Việt Nam đã thu hút và giam chân tại đây nhiều lực lượng cơ động tinh nhuệ của Mỹ (như Sư đoàn kỵ binh không vận số 1, Sư đoàn lính thủy đánh bộ số 1, số 3...) và một số đơn vị chủ lực quân Sài Gòn (lính dù, biệt động quân).

Thực hiện quyết tâm chiến lược trên đây của Đảng, đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, đúng vào dịp giao thừa Tết Mậu Thân, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đợt một[10] đã được phát động trên toàn miền Nam từ vĩ tuyến 17 cho đến mũi Cà Mau. Quân và dân ta đồng loạt tiến công quân Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở 4/6 thành phố, 37/42 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, chi khu quân sự, kho tàng. Hàng triệu quần chúng đã nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ ở những mức độ khác nhau. Hầu hết các cơ quan đầu não của Mỹ và Sài Gòn từ trung ương đến địa phương đều bị quân ta tiến công.

Tại Sài Gòn, Quân giải phóng tiến công các vị trí đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, như: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, Đài phát thanh, sân bay Tân Sơn Nhất... Trong đợt 1, quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 147.000 tên, trong đó có 43.000 lính Mỹ, phá hủy một khối lượng lớn vật chất và phương tiện chiến tranh của chúng.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân đã đánh đòn bất ngờ, làm cho chính quyền Mỹ và Sài Gòn choáng váng. Nhưng do lực lượng Mỹ - Sài Gòn còn mạnh (hơn nửa triệu quân Mỹ và đồng minh, gần một triệu quân Sài Gòn), cơ sở ở thành thị mạnh, nên chúng đã nhanh chóng tổ chức lại lực lượng, phản công quân ta ở cả thành thị lẫn nông thôn. Vì vậy, trong đợt 2 và 3, lực lượng của ta gặp không ít khó khăn và tổn thất. Cùng với các đợt tiến công tiếp theo trong tháng 5 và tháng 8-1968, quân và dân ta đã tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu hàng chục vạn tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, giải phóng thêm hàng triệu đồng bào.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân là một đòn tiến công chiến lược bất ngờ, là thất bại rất nặng nề về chiến lược của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam nước ta. Với thất bại này đã làm đảo lộn thế chiến lược của Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari (tháng 5-1968). Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo chúng ta đã gặp một số thiếu sót trong việc đánh giá tình hình, đã đề ra yêu cầu chưa sát với thực tế. Đặc biệt là sau đợt tấn công trong Tết Mậu Thân, ta đã không kiểm điểm, rút kinh nghiệm kịp thời, không đánh giá đúng tương quan lực lượng giữa ta và quân Mỹ - Sài Gòn. Do vậy mà ta mắc một số “sai lầm về chỉ đạo chiến lược, để địch gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất”[11].

Những kết quả của sự kiện Mậu Thân 1968 đã khẳng định đây là một mắt xích quan trọng trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn tiến tới giành thắng lợi quyết định. Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 vẫn mãi là dấu ấn ở tầm vóc chiến lược và điều quan trọng nhất trong chiến thắng Mậu Thân chính là đã buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược, phải tính đến việc rút quân về nước. Tuy vẫn nuôi ảo vọng về một chiến thắng dưới hình thức và mức độ khác.

Nhìn toàn cục, vào đầu năm 1968, khi cuộc tổng công kích - tổng khởi nghĩa được phát động thì tình thế cách mạng, tình thế cách mạng trực tiếp chưa “chín”, chưa tương xứng yêu cầu tổng công kích - tổng khởi nghĩa. Thực tế diễn ra là một cuộc “tổng tiến công và nổi dậy”, với tính chất một cuộc “tập kích chiến lược” và đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa[12].

Chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968 là rất to lớn và toàn diện - nhất là đợt Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Về sự kiện Tết Mậu Thân, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21, tháng 10-1973, đã kết luận: “Mặc dầu có khuyết điểm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968) vẫn giữ một vị trí rất to lớn và oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ”[13].


[1] Nghị quyết hội nghị lần thứ năm Trung ương cục, tháng 5 năm 1967. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 28, Nxb Chính trị quốc gia, 2004.

[2] Một số văn kiện của Đảng về chống Mỹ, cứu nước (1965 - 1970), tập II, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 54 - 60.

[3] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II (1954-1975), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011, tr.563.

[4] Nguyễn Quý (Chủ nhiệm đề tài), Lịch sử Xứ ủy Nam Bộ, Trung ương cục miền Nam (1954-1975), Đề tài độc lập cấp nhà nước, Hà Nội, 2008, tr.292-293.

[5] Nghị quyết Hội nghị lần thứ 14, của Trung ương Đảng, tháng 1 năm 1968.

[6] Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II, Sđd, tr.558.

[7] GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Sự chỉ đạo chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, In trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Lịch sử: “Vai trò của lực lượng Công an nhân dân trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968” do Bộ Công an và Thành ủy TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 16 tháng 12 năm 2017, tr.18.

[8] Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 29, Sđd, tr.23.

[9] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập V: Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Xuất bản lần thứ hai, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2013, tr.78.

[10] Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra qua ba đợt: Từ đêm 30-1 đến ngày 25-2; tháng 5 và 6; tháng 8 và 9-1968.

[11] Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Kết luận về Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (ngày 25-5-1994).

[12] Hội đồng chỉ đạo biên soạn Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, tập II (1954-1975), Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2011.

[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tập 34, tr.216.