Tại Anh, các tài xế đường dài khẳng định chi phí nhiên liệu đã tăng quá cao và các công ty vận tải đang bị đe dọa phá sản. Giới chủ công ty vận tải cùng tài xế tập hợp tại Hyde Park trước khi gửi kiến nghị đến văn phòng Thủ tướng Gordon Brown.
Những người biểu tình yêu cầu chính quyền phải có hành động trợ giúp hoạt động của họ, bởi 85% hàng hóa tại Anh được vận chuyển bằng đường bộ đến khắp các nơi trong nước này. Theo cảnh sát, có hơn 200 xe tải nặng tập trung tại một trong những trục đường chính dẫn đến trung tâm London. Đám đông tài xế và chủ Công ty Vận tải Xứ Wales đe dọa phong tỏa các hải cảng và các nhà máy lọc dầu nếu chính quyền bỏ mặc họ trong cơn bão giá nhiên liệu.
Cùng ngày, tại Pháp, OTRE, tổ chức các nhà vận tải đường bộ, đại diện các công ty vận tải vừa và nhỏ, đe dọa mở rộng hoạt động biểu tình trên toàn nước Pháp cho đến khi chính quyền lắng nghe yêu cầu của họ, trong đó có kiến nghị kéo giảm giá dầu về mức trung bình của tháng 1-2008 nhằm ổn định hoạt động vận tải trong năm 2008.
Trong khi đó, ngư dân Pháp cũng đã phong tỏa các tuyến đường bộ và đường sắt dẫn đến hải cảng, nhà máy lọc dầu của Tập đoàn dầu khí Total tại Gonfreville, Normandie nhằm yêu cầu chính quyền nhanh chóng có những biện pháp chống bão giá nhiên liệu đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sinh sống của họ.
Đình công trong lĩnh vực ngư nghiệp cũng đã lan rộng tại nhiều nước châu Âu khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hi Lạp, Bỉ... Các ngư dân Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã họp tại Ý để lên kế hoạch một cuộc đình công ở mức độ toàn châu Âu. Hiện tại tình hình đặc biệt căng thẳng tại khu vực ven biển Địa Trung Hải, nơi 200 ngư dân tập hợp tại Sète (Hérault) quyết định tiến hành đình công không xác định thời gian.
Các bộ trưởng bộ ngư nghiệp Pháp và Tây Ban Nha đã yêu cầu EU trợ giúp trực tiếp cho ngư dân trước khi "tình hình trầm trọng thêm".
(Theo TTO)