LCĐT - Đó là ý kiến của các đại biểu tại hội nghị phản biện xã hội về hiệu quả thực hiện chính sách cử tuyển và ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2011 - 2015, được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức sáng 30/8.
Dự hội nghị có đồng chí Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố, các ban chuyên môn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Quang cảnh hội nghị. |
Giai đoạn 2011 - 2015, thực hiện Đề án số 18 của Tỉnh ủy về “Quy hoạch và đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ quản lý, chuyên môn và kỹ thuật”, các địa phương đã chủ động xây dựng quy hoạch, kế hoạch, xác định vị trí việc làm, cơ cấu cán bộ, công chức, các chức danh lãnh đạo, quản lý là người dân tộc thiểu số đến năm 2015, chiến lược đến năm 2020, gắn với kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số. Hằng năm, các sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp được tham gia thi tuyển, tuyển dụng vào những vị trí phù hợp với ngành; lựa chọn, bổ sung nguồn cán bộ lãnh đạo các chức danh theo quy định. Một số sinh viên hệ cử tuyển được tuyển dụng đã phát huy tối đa năng lực, sở trường. Kết quả, số cán bộ, công chức là người dân tộc thiểu số toàn tỉnh đã đạt 24,4%.
Các chế độ, chính sách theo quy định, cấp học bổng, hỗ trợ sinh hoạt phí, hỗ trợ sinh viên tiếp cận vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội; chế độ khuyến học, khuyến tài đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số được thực hiện tốt.
Việc thực hiện chính sách ưu tiên tuyển dụng trong những năm qua đã đảm bảo theo quy định của Trung ương, của tỉnh về chính sách cử tuyển, ưu tiên tuyển dụng đối với người dân tộc thiểu số. Trong 5 năm, có 179 thí sinh đăng ký dự tuyển làm công chức, số thí sinh trúng tuyển là 44 (trong đó, số đối tượng là người dân tộc thiểu số, được ưu tiên là 10 người); có 709 thí sinh đăng ký dự tuyển làm công chức cấp xã, số thí sinh trúng tuyển là 159 (trong đó, số đối tượng là người dân tộc thiểu số, được ưu tiên là 36 người).
Đại biểu thảo luận tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu tham gia thảo luận, phản biện các nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách cử tuyển và ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số. Các ý kiến đã làm rõ những bất cập, hạn chế nhất định như: Việc thực hiện chế độ thông tin, công tác theo dõi, quản lý sinh viên cử tuyển chưa chặt chẽ, thường xuyên; việc xét cử tuyển và ưu tiên tuyển dụng mới chủ yếu là thực hiện chính sách chứ chưa thực sự chú ý đến nhu cầu tuyển dụng; chất lượng sinh viên cử tuyển thấp hơn so với thí sinh người dân tộc thiểu số không trong diện cử tuyển khi cùng thi tuyển dụng; cơ cấu ngành cử tuyển, dân tộc chưa theo quy hoạch, kế hoạch, vị trí việc làm...
Đồng chí Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu ý kiến. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước và đặc biệt phù hợp với địa phương miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Lào Cai. Qua đó, cung cấp được đáng kể lực lượng cán bộ trí thức là người dân tộc thiểu số vào các đơn vị, lĩnh vực công tác phù hợp. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, cần có những thay đổi cho phù hợp với giai đoạn hiện nay về vị trí việc làm, cơ cấu ngành, nghề, tập trung cử tuyển, tuyển dụng vào những ngành phù hợp với nhu cầu của địa phương... Thực hiện tốt vấn đề tư vấn phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh các cấp sát với yêu cầu, nhu cầu; thực hiện tốt nội dung khởi nghiệp, đặc biệt là thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất tiếp tục đề nghị thực hiện chính sách cử tuyển và ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới; xem xét thay đổi một số nội dung, phương thức thực hiện cho phù hợp.