Những giá trị đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt được hun đúc, kết tinh từ hàng nghìn năm qua có được giữ gìn, lưu truyền, phát huy trong xã hội đương đại hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vai trò rất quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, bản sắc văn hóa dân tộc đang có nguy cơ bị phai nhạt, thậm chí mất gốc, hơn ai hết, với tư cách là lực lượng dẫn dắt, lãnh đạo, chi phối đường hướng, mục tiêu phát triển đất nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) càng phải đề cao vai trò, trách nhiệm trong giữ gìn những giá trị cốt lõi đã làm nên tâm hồn, cốt cách dân tộc Việt Nam.
Vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục dân tộc không phải bây giờ mới đặt ra, mà được Đảng ta đề cập từ thập niên bốn mươi của thế kỷ 20. Trong khoảng hai mươi năm trở lại đây, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị về xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến việc chăm lo giữ gìn những nét đẹp tinh túy đã làm nên vị thế, hồn cốt văn hóa Việt trong dòng chảy văn hóa thế giới. Đó là: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 12-1-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII “Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư khóa XI “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”; Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư khóa XI về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”…
Ảnh minh họa/TTXVN |
Đặc biệt, Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm” đã quy định, đảng viên không được phép tham gia các hoạt động mê tín, dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng để trục lợi. Một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận CB, ĐV đã được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII cảnh báo là: “Sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.
Mấy năm trở lại đây, vào dịp trước Tết Nguyên đán, năm nào Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng ban hành chỉ thị về việc tổ chức Tết cổ truyền ở nước ta. Trong các nghị quyết, chỉ thị nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn có một điều lưu ý, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là bí thư cấp ủy, người đứng đầu, cấp ủy viên và đội ngũ CB, ĐV phải đề cao trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn những giá trị truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.
Tại sao phải giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc? Bởi vì, thuần phong mỹ tục là tất cả những phong tục, truyền thống, quan niệm giá trị đạo đức, lối sống lành mạnh, tốt đẹp của cả cộng đồng đã được lưu giữ, trao truyền từ đời này qua đời khác. Thuần phong mỹ tục góp phần làm nên những tinh hoa văn hóa đặc sắc của dân tộc mà thiếu nó, hoặc là văn hóa dân tộc sẽ bị nhạt phai, lai căng, hoặc văn hóa dân tộc dễ bị “nhấn chìm” trong cơn lốc của quá trình toàn cầu hóa về văn hóa. Kinh nghiệm của các nền văn hóa trên thế giới đã chỉ ra rằng, thuần phong mỹ tục không chỉ mang ý nghĩa gắn kết cộng đồng trong một quốc gia dân tộc, có tác dụng tích cực giáo dục, bồi đắp, hoàn thiện đạo đức cho mỗi cá nhân và cộng đồng, mà còn góp phần ngăn chặn những biểu hiện, hành vi lệch chuẩn văn hóa, trái đạo đức của con người.
Thuần phong mỹ tục dân tộc mới thoạt nghe có vẻ trừu tượng, khó hiểu, nhưng thực ra nó được biểu hiện thông qua những quan niệm giàu ý nghĩa nhân văn như: Ứng xử với tổ tiên, các bậc tiền nhân và những người có công với nước thể hiện qua đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”; với các bậc bô lão, cao niên thì thể hiện thái độ “Kính lão đắc thọ”; với những người có công giáo dục, dạy dỗ thì thể hiện tấm lòng “Tôn sư trọng đạo”; với cha mẹ có công sinh thành, dưỡng dục thì thể hiện tình cảm “Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”; với việc tu dưỡng bản thân thì thể hiện qua phương châm “Thứ nhất là tu tại gia/Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”… Thuần phong mỹ tục dân tộc còn thể hiện ở văn hóa ứng xử tinh tế, xưng tôn, hô khiêm, tôn trọng các quy ước, chuẩn mực của cộng đồng, không làm trái luân thường đạo lý, tổn thương đến người khác và ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống bình yên của xã hội.
Giữ gìn thuần phong mỹ tục là thiết thực góp phần bảo vệ những giá trị chân-thiện-mỹ trong xã hội đương đại. Nhiệm vụ đó là trách nhiệm của cả cộng đồng, của mỗi người dân, trong đó đội ngũ CB, ĐV phải giữ vai trò nòng cốt, đi đầu. Pháp luật chỉ điều chỉnh những vấn đề cơ bản, cốt yếu của đời sống xã hội và các mối quan hệ của con người với nhà nước, xã hội và tự nhiên, nhưng không thể bao quát hết được mọi khía cạnh quan hệ ứng xử của con người. Có những hành vi mà pháp luật không cấm, nhưng khi con người vi phạm vẫn bị coi là trái đạo đức, đi ngược lại thuần phong mỹ tục dân tộc.
Ví như khi CB, ĐV đi lễ chùa với mâm cao cỗ đầy, có biểu hiện trục lợi tâm linh, “mua thần bán thánh” là không phù hợp với tục lệ văn hóa, tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc. Vì trong ứng xử truyền thống của ông cha ta, đi lễ chùa nhằm bái vọng tổ tiên, anh linh các bậc tiền nhân nên chỉ cần tấm lòng thanh tịnh để ước mong sức khỏe sung túc, cuộc sống yên bình, chứ đâu cứ phải vàng mã hàng đống, xôi thịt hậu hĩnh dâng lên ban thờ để cầu lợi, cầu lộc? Thể hiện niềm tin tín ngưỡng đúng mực, tinh tế, phù hợp với quy ước, chuẩn mực ứng xử của cộng đồng là hành vi văn hóa, nhưng bằng mọi giá để tranh cướp, giành giật được “lộc thánh, lộc thần” là đi quá giới hạn tín ngưỡng tâm linh. Hay như pháp luật không cấm công dân mang mặc trang phục lòe loẹt, cũn cỡn, hở hang vào đền chùa, nhưng hành vi đó xuất hiện ở những chốn thờ phụng linh thiêng của cộng đồng lại bị coi là phản cảm, trái thuần phong mỹ tục dân tộc. Xưa kia, vào những ngày Tết, khi đến thăm nhà, mọi người thường có chén trà, miếng trầu mời nhau trong tình cảm ấm cúng, chân thành, hay cũng có thể nhâm nhi một chút rượu nhẹ gọi là vui xuân, chứ nếu sa đà “chén chú, chén anh” đến “liên tu bất tận” thì lại không hợp với phong tục đón Tết nền nã, lịch thiệp của ông cha ta...
Giữ vai trò dẫn dắt, lãnh đạo, chi phối đường hướng, mục tiêu phát triển đất nước, trong đó có mục tiêu phát triển văn hóa, do vậy CB, ĐV là lực lượng góp phần quyết định việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa và thuần phong mỹ tục của dân tộc trong xã hội hiện đại. Mặt khác, đội ngũ cán bộ thay mặt chính quyền nhà nước đảm đương nhiệm vụ quản lý mọi mặt của đời sống xã hội, do đó họ là hình ảnh đại diện của một tổ chức, cơ quan, đoàn thể, địa phương nhất định. Khi cán bộ thấm nhuần những giá trị truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của cha ông, đồng thời biết giáo dục, trao truyền, lan tỏa những giá trị đó vào cộng đồng, vào mỗi người dân sẽ góp phần tích cực hình thành, xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức lành mạnh trong xã hội và trong các tầng lớp nhân dân.