Các khóa học về AI nở rộ ở Trung Quốc

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh sẽ giám sát chặt chẽ hơn về chất lượng của các khoá học trong thời điểm rất nhiều người có sức ảnh hưởng cũng chạy đua mở các lớp học về AI.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người dân tìm hiểu về các công nghệ AI mới tại Hội nghị sản xuất thế giới năm 2021 ở Hợp Phì, An Huy, Trung Quốc.

"Bạn không học thì người khác sẽ kiếm tiền thay", "Chậm chân thì chậm tiến bộ, "Cơ hội sẽ mất đi chỉ sau ba tháng".

Kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm 2022, đây là những khẩu hiệu quen thuộc đã được sử dụng ở Trung Quốc để quảng bá các khóa học trực tuyến, cung cấp và đào tạo kiến thức chuyên môn trong việc tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhận thức rõ nỗi lo bị bỏ lại phía sau trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, các doanh nhân bắt đầu cung cấp các khóa đào tạo trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc, gần như ngay sau khi các ứng dụng phổ biến về AI như Midjourney, Pika hay ChatGPT ra mắt.

Thậm chí, các khóa học về công cụ biến văn bản thành video của OpenAI là Sora còn xuất hiện ngay cả trước khi ứng dụng này được cung cấp cho công chúng. Một số doanh nghiệp còn hứa hẹn cung cấp thông tin truy cập Sora mới nhất có tính phí, thu hút khách hàng trả tiền để cập nhật qua nhóm WeChat.

Tìm kiếm từ khoá "lớp học AI" trên Taobao - nền tảng mua sắm trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc - sẽ có đến hơn 4.000 sản phẩm liên quan. Còn trên Douyin (TikTok phiên bản Trung), các tài liệu đào tạo liên quan đến AI được cung cấp với mức giá từ 99 - 999 nhân dân tệ (hơn 340.000 - 3,4 triệu đồng).

Các khóa học chủ yếu bao gồm các video hướng dẫn về các ứng dụng AI tổng hợp, giảng dạy các kỹ năng như chỉnh sửa video, thiết kế sản phẩm và cách học tập hiệu quả bằng các công cụ AI.

Nhưng thị trường đang phát triển gần đây đã bị giám sát chặt chẽ và bị hoài nghi hơn, đặc biệt là sau các hoạt động tiếp thị gây tranh cãi của Li Yizhou, một nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục AI trực tuyến. Một số người cáo buộc Li lợi dụng tâm lý lo lắng của mọi người bằng những lời hứa hẹn quá mức về lợi nhuận dễ dàng từ AI, đồng thời nghi ngờ về chất lượng và độ tin cậy của các khóa học này.

Và trong bối cảnh cuộc tranh luận ngày càng gia tăng về các tiêu chuẩn đạo đức và giáo dục của các chương trình đào tạo AI ở Trung Quốc, những người trong ngành đang nhấn mạnh những khó khăn trong việc duy trì chất lượng và trách nhiệm trong thị trường giáo dục AI.

Mọi chuyện bắt đầu khi một meme (hình ảnh chế hài hước) so sánh Li Yizhou với Sam Altman, Giám đốc điều hành của OpenAI, cho rằng họ là "hai gã khổng lồ AI", một ở Trung Quốc và một ở Mỹ, lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc.

Ngay sau đó, chủ đề về việc kinh doanh AI của Li Yizhou đã thu hút hơn 3,3 triệu lượt xem trên nền tảng mạng xã hội Weibo. Trong đó, có một người có ảnh hưởng đưa ra nhận xét : "Anh ta chỉ chào hàng và tạo tiếng vang, gây hoang mang bằng cách nói như 'Nếu bạn không học AI hôm nay, AI sẽ giết bạn vào ngày mai'".

Nhiều người bày tỏ phản ứng dữ dội đối với chất lượng các khóa học và uy tín của Li Yizhou. MỘt số người nhấn mạnh rằng mặc dù Li Yizhou tự hào khi có bằng tiến sĩ, tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, nhưng chuyên môn của người đàn ông này vẫn là thiết kế nghệ thuật chứ không phải AI. Và khi tranh cãi leo thang, các nền tảng mạng xã hội lớn bao gồm WeChat và Douyin đã loại bỏ các lớp đào tạo của Li Yizhou.

Trong nỗ lực giải quyết và xoa dịu những lời chỉ trích, Li nói với tờ Jiemian News: "Tôi đang biên soạn nội dung tương ứng, thế rồi sự việc đã bị hiểu lầm và phóng đại".

Một trong những lớp học nhiều người tham gia nhất của Li Yizhou là "Trí tuệ nhân tạo cho mọi người", nhắm đến người mới bắt đầu. Với gói 40 bài học có giá 199 nhân dân tệ, Li thu về khoảng 50 triệu nhân dân tệ.

Ngoài ra, Li còn cung cấp một khóa học cao cấp với giá 1.980 nhân dân tệ cho “Yizhou Intelligence”, một nền tảng chỉ dành cho người đăng ký thành viên.

Liang Houliang, người đã mua khóa đào tạo AI của Li vào năm ngoái cho rằng nó chỉ cung cấp kiến thức cơ bản. Mặc dù vậy, khóa học vẫn có ích trong việc giúp Liang học các kỹ năng AI một cách trực quan và thực tế hơn. Theo Liang, Li Yizhou thực sự đã kiếm tiền từ nỗi sợ hãi và lo lắng của nhiều người. Nhưng nếu không có người đứng ra hướng dẫn, nhiều người sẽ không chú ý đến những công cụ hữu ích và sử dụng chúng để cải thiện bản thân và tạo ra những thay đổi thực sự.

Hôm 22/1, LiblibAI, một cộng đồng chia sẻ mô hình AI nổi tiếng, cho biết họ đã có hành động pháp lý chống lại Li Yizhou vì sử dụng trái phép khoảng 100 mô hình AI của họ trên cơ sở dữ liệu của Yizhou Intelligence. Trên mạng xã hội, Li cũng bị cáo buộc vi phạm bản quyền.

Li Yizhou quảng bá các khóa học AI của mình.

Ở Trung Quốc, Li không phải là KOL (người có ảnh hưởng) duy nhất tận dụng việc mọi người ngày càng quan tâm AI hơn. Sự bùng nổ trong phát triển công nghệ xung quanh các nội dung do AI tạo ra đã chứng kiến một làn sóng các KOL, mỗi người đưa ra cách tiếp cận độc đáo để bán chương trình đào tạo liên quan đến AI.

Captain Wang, tài khoản của một người có sức ảnh hưởng với hơn 230 người theo dõi, cung cấp khóa đào tạo AI với giá 999 nhân dân tệ (hơn 3,4 triệu đồng) trên Douyin, bao gồm 58 bài học đề cập đến tầm quan trọng của AI và cách sử dụng các chương trình sáng tạo AI trong môi trường kinh doanh, công việc và giáo dục. Trong tháng 1/2024, khóa học của Wang đã kiếm được doanh thu 2,5 triệu nhân dân tệ.

Li Shifeng, một nhà phát triển khóa học AI và dạy sinh viên tốt nghiệp cách tìm việc làm, nhận thấy một nghịch lý trong cơn sốt các khóa học AI hiện nay: Mặc dù có thể thấy rõ sự lo lắng khi học, nhưng nhiều người vẫn thiếu hiểu biết về chương trình đào tạo AI cụ thể mà họ đang theo học.

"Khi nền kinh tế chậm lại trong những năm gần đây, mong muốn học hỏi các kỹ năng và kỹ thuật mới của người dân ngày càng tăng. Họ đang tìm mọi cách để giảm bớt lo lắng về sự ổn định tài chính và tương lai của mình", ông nói.

Theo Li Shifeng, việc sử dụng các chiến thuật gây lo lắng và thể hiện thành tích cá nhân là chiến lược phổ biến trong ngành huấn luyện, được thiết kế để thu hút sự chú ý của người dùng. Ví dụ: hầu hết các cố vấn về AI, giống như Li Yizhou, đều tự hào về bằng cấp kinh doanh ấn tượng, liên kết với các trường đại học danh tiếng, các dự án kinh doanh thành công và xuất thân ưu tú. Điều này đã giúp thu hút hàng nghìn người theo dõi, bị cuốn hút vào những câu chuyện vượt qua nghịch cảnh để đạt được thành công.

Nhưng sau những lời chỉ trích về các khóa học của Li Yizhou, những người có ảnh hưởng hàng đầu khác hiện đã thực hiện các cách khác để tránh gây tranh cãi.

Tài khoản video WeChat của "Mr.He" với hơn 7 triệu người theo dõi, trước đây chuyên bán tài liệu đào tạo nhưng hiện đã bị hạn chế. Người này và Zhang Shitong (một KOL khác có khoảng 2,5 triệu người theo dõi) đã xóa các khóa học liên quan đến AI khỏi Douyin.

Trước trường hợp của Li Yizhou, báo chí Trung Quốc kêu gọi giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực này và dập tắt những lo ngại liên quan đến AI.

Li Shifeng cũng khuyến khích người dùng tương tác liên tục với công nghệ đang phát triển nhanh chóng này, nhấn mạnh trải nghiệm trực tiếp chính là chìa khóa để hiểu được giá trị của AI.

TTXVN/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức

Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức

Truyền thông Haiti hôm qua (25/4) đưa tin, Thủ tướng nước này, ông Ariel Henry đã từ chức, mở đường cho một chính phủ mới của quốc gia Caribe này. Chức vụ Thủ tướng tạm thời do ông Michel Patrick Boisvert, Bộ trưởng kinh tế và tài chính nắm giữ.

Châu Á trở thành điểm sáng tăng trưởng

Châu Á trở thành điểm sáng tăng trưởng

Giám đốc phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Krishna Srinivasan cho biết, tăng trưởng GDP của khu vực này bất ngờ tăng lên trong nửa cuối năm 2023, do nhu cầu nội địa thúc đẩy mạnh mẽ. Đáng chú ý nhất, Ấn Độ đã ghi nhận những bất ngờ về tăng trưởng tích cực. Châu Á là một "điểm sáng" trong bức tranh kinh tế toàn cầu nhiều mảng màu.

Mốc son rực rỡ trong lịch sử Việt Nam

Mốc son rực rỡ trong lịch sử Việt Nam

Trong bài viết với nhan đề "Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc son rực rỡ trong lịch sử Việt Nam" đăng ngày 21/4 trên báo Cairo Today, một trong những báo điện tử uy tín hàng đầu ở Ai Cập, nhà báo Ai Cập Ahmed Hassan đã nêu bật ý nghĩa to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ của quân và dân Việt Nam, đồng thời đánh giá dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

fb yt zl tw